Phim thế nào mới xứng là di sản?

.

Đại hội đại biểu toàn quốc nhiệm kỳ 2020-2025 của Hội Điện ảnh Việt Nam diễn ra từ ngày 19 đến 21-9 mang đến những hy vọng về sự thay đổi của điện ảnh nước nhà cũng như làm thế nào để điện ảnh trở thành một “di sản sống”. Song, để điện ảnh thay đổi và trở thành một “di sản sống” thì có nhiều vấn đề cần bàn.

Trích đoạn phim “Đến hẹn lại lên” (1974), đạo diễn Trần Vũ. (Ảnh tư liệu)
Trích đoạn phim “Đến hẹn lại lên” (1974), đạo diễn Trần Vũ. (Ảnh tư liệu)

Phim Việt ra rạp ngày một nhiều

Phim ảnh chính là kênh tiếp cận quá khứ sinh động nhất. Có thể kể tới những bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng như Chung một dòng sông, Chị Tư Hậu, Em bé Hà Nội, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Nổi… hay những bộ phim về thời hậu chiếc như Mùa ổi, Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng…, những bộ phim tài liệu nổi tiếng như Lũy thép Vĩnh Linh, Trở lại Ngư Thủy, Bài ca trên đỉnh Tà Lùng, Trên chiếc xe lăn, Còn lại với thời gian, Những nẻo đường công lý… Rõ ràng điện ảnh không đơn thuần là phương tiện giải trí mà còn là công cụ ghi chép lịch sử của một quốc gia, một dân tộc. 

Trong một cuộc trao đổi về điện ảnh gần đây, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm cho rằng: “Thông qua những bộ phim tiêu biểu đó, công chúng có thể khái quát những giai đoạn nổi bật của lịch sử, văn hóa, xã hội và con người Việt Nam”. Nhìn vào lịch sử điện ảnh Việt Nam hơn 70 năm qua, những bộ phim như một biên niên sử Việt Nam bằng điện ảnh, qua đó ta thấy những biến động và bình lặng, những chia cắt và hòa hợp, vết thương và hàn gắn, khổ đau và hạnh phúc, tan vỡ và hồi sinh, nước mắt và nụ cười, ra đi và trở về… của người Việt Nam trong gần một thế kỷ và những năm gần đây.

Vậy phim như thế nào mới xứng đáng được coi là di sản? Cùng với sự phát triển của thị trường giải trí, số lượng phim Việt ra rạp ngày một nhiều, phim truyền hình cũng dần chiếm “giờ vàng” trên sóng truyền hình. Nhưng để lắng lại, nhìn xa hơn nhiều năm nữa, thậm chí chỉ 5-10 năm sau thì sẽ có bao nhiêu bộ phim khiến người ta muốn xem lại, muốn sống lại không khí đó lần nữa? Câu trả lời hẳn sẽ rất dè dặt. Những bộ phim chiếu rạp có thể thu về cả chục tỷ đồng, thậm chí trăm tỷ đồng, tuy ăn khách bởi câu chuyện mới lạ, tính giải trí cao nhưng lại rất ít sắc màu thật sự của đời sống. Thậm chí, nhiều tác phẩm chỉ thiên về chiêu trò “câu” người xem, hời hợt về nhiều mặt. Còn những bộ phim truyền hình là những câu chuyện được làm lại từ phim ngoại, có thể hấp dẫn đấy, ly kỳ đấy, nhưng đó không phải cách nhìn, cách cảm và cách sống của người Việt.

“Di sản sống” - cách nào?

Ngay cả những thước phim hiếm hoi ghi lại được không khí hôm nay liệu có thể trở thành “di sản sống” hay không cũng là câu hỏi khó. Nói vậy là bởi để nguồn tư liệu có thể “sống” được phải có sự tương tác thường xuyên với cộng đồng. Tại Hà Nội, trong khi có rất nhiều rạp thương mại thì những địa chỉ chiếu phim để phục vụ những người muốn xem lại những bộ phim kinh điển của Việt Nam hay tiếp cận tư liệu điện ảnh chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ông Nguyễn Như Vũ, Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương thừa nhận: “Phim cũng là di sản. Di sản quý như vàng, nhưng lâu nay chúng ta cất kỹ quá”. Tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương hiện sở hữu 12.000 cuốn phim nhựa, gần 4.000 băng đĩa các loại nhưng không phải ai cũng có thể tiếp cận được nguồn tư liệu quý giá này. Viện Phim Việt Nam cũng đang lưu giữ 100.000 cuốn phim nhựa, nhưng mỗi năm chỉ có khả năng số hóa khoảng 1.000 bản. Số phim nhựa còn lại rất lớn, nghĩa là nó vừa hạn chế trong khâu lưu trữ, dễ bị hư hỏng, vừa khó tiếp cận, tra cứu với số đông công chúng; bên cạnh đó là những khó khăn trong bảo quản, lưu trữ diễn ra ở nhiều nơi.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Anh Tuấn, Phó phòng Kỹ thuật, Viện Phim Việt Nam cho biết: “Điều kiện bảo quản phim nguyên bản tại hầu hết các đơn vị ở Việt Nam hiện nay đều thiếu tiêu chuẩn, khiến “tuổi thọ” phim bị giảm nhiều. Đặc biệt, nhiều phim nhựa bị khô, bong tróc, rè tiếng, mất màu…”. Cũng theo ông Lê Tuấn Anh, kinh nghiệm tại nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, đề lưu trữ, bảo quản tốt, một trong những việc làm cần thiết là số hóa các bộ phim mà ta đang lưu giữ để dễ dàng phổ biến tác phẩm tới cộng đồng. Tuy nhiên, tại Việt Nam việc số hóa phim đang gặp phải những trở ngại. Có thể kể đến những lùm xùm quanh chuyện cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam cũng đã dẫn tới việc nhiều tư liệu quý một thời của điện ảnh Việt Nam không ai ngó ngàng, bị hư hỏng, mất mát.

Trong khi đó, nhìn trong khu vực châu Á sẽ thấy ngay điện ảnh Hàn Quốc phát triển nhanh chóng. Hàn Quốc trở thành một trong những quốc gia có nền công nghiệp điện ảnh phát triển vượt bậc, có tầm ảnh hưởng không chỉ trong khu vực mà trên toàn thế giới, có sức cạnh tranh với kinh đô điện ảnh Hollywood. Sự thay đổi ngoạn mục của điện ảnh Hàn Quốc mang đến cho chúng ta nhiều bài học trong phát triển nền điện ảnh.

Muốn điện ảnh trở thành một di sản văn hóa thì phải thay đổi quan điểm ngay từ cách làm phim cho tới việc sử dụng những tư liệu cũ như thế nào, đưa điện ảnh vào đời sống ra sao… Khi điện ảnh có thể được nhìn nhận trân quý như một di sản thì sẽ mang lại những thành quả tốt đẹp cả ở góc độ văn hóa lẫn góc độ kinh tế.

ANH TUẤN

;
;
.
.
.
.
.