Tổng thống Donald Trump được đề cử Nobel Hòa bình

.

Hoàn toàn không ngẫu nhiên khi mới đây một nghị sĩ Quốc hội Na Uy lần thứ hai đề cử Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận giải Nobel Hòa bình. Ông Trump được ca ngợi đã nỗ lực giải quyết xung đột trên toàn thế giới và xứng đáng với giải thưởng cao quý này.

Từ trái sang: Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Ngoại trưởng Bahrain Abdullatif Al Zayani và Ngoại trưởng UAE Abdullah bin Zayed đứng trên ban công của Nhà Trắng vẫy chào mọi người ngày 15-9.Ảnh: Reuters
Từ trái sang: Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Ngoại trưởng Bahrain Abdullatif Al Zayani và Ngoại trưởng UAE Abdullah bin Zayed đứng trên ban công của Nhà Trắng vẫy chào mọi người ngày 15-9.Ảnh: Reuters

Chỉ trong vòng một tháng qua, ít nhất hai quốc gia Trung Đông là Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain đã ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel, trong khi chính phủ Afghanistan khởi động tiến trình hòa đàm với Taliban. Các động thái tích cực này đều có vai trò trung gian quan trọng của Tổng thống Donald Trump.

Lễ ký chính thức hai thỏa thuận hòa bình lịch sử nói trên tại Nhà Trắng hôm 15-9 là một trong những sự kiện nổi bật nhất, thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận. Các thỏa thuận song phương này đánh dấu việc chính thức bình thường hóa mối quan hệ vốn đã ấm dần lên thời gian qua giữa Israel với UAE và Bahrain, đồng thời phù hợp với quan điểm chung của các nước này trong thế đối đầu với Iran. Tổng thống Trump xem đây là một thắng lợi ngoại giao, góp phần giúp ông “ghi điểm” trong cuộc tái tranh cử sắp tới.

Mặc dù UAE, Bahrain và các nước Arab khác ủng hộ người Palestine, nhưng chính phủ của ông Trump đã thuyết phục hai nước này không để xung đột giữa Palestine và Israel cản trở việc họ ký kết những thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel. Mỹ và Israel hy vọng những thỏa thuận hòa bình vừa ký kết sẽ mở ra sự thay đổi lớn trong khu vực nếu các nước Arab khác, đặc biệt là Saudi Arabia, cũng sẽ có động thái tương tự. Điều này có thể còn gây tác động tới các nước Iran, Syria và Lebanon. “Chúng ta sẽ sớm có được điều này với khoảng 5 nước khác”, Tổng thống Trump nói với báo giới trước buổi lễ ký kết các thỏa thuận của Israel với UAE và Bahrain.

Thực tế, để đi đến lễ ký kết lịch sử tại Nhà Trắng ngày 14-9, không thể không nhắc tới những nỗ lực ngoại giao phức tạp, kéo dài nhiều tháng trước đó của ông Jared Kushner, Cố vấn cao cấp Nhà Trắng, con rể của ông Trump; và ông Avi Berkowitz - đặc phái viên của Tổng thống trong các cuộc thương thuyết quốc tế. Các chính phủ Mỹ tiền nhiệm, cả đảng Cộng hòa lẫn đảng Dân chủ, đã nỗ lực kiến tạo hòa bình giữa Israel và thế giới Arab, nhưng đều không thành công.

Không chỉ ở Trung Đông, các quan chức chính phủ của Tổng thống Donald Trump cũng làm trung gian trong việc kiến tạo thỏa thuận hợp tác kinh tế giữa Serbia và Kosovo, những kẻ thù từng đối địch gay gắt trong các cuộc chiến tranh ở vùng Balkan. Tổng thống Trump cũng đã xúc tiến thực hiện cam kết rút bớt lính Mỹ từ Iraq và Afghanistan về nước, tổ chức các cuộc đối thoại với lực lượng Taliban, mở đường cho tiến trình hòa đàm giữa chính phủ Afghanistan và Taliban từ cuối tuần qua.

Giờ đây, nỗ lực tìm kiếm nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump trong tháng 11 tới đang đối mặt với những thách thức lớn, nhưng không phải không thể vượt qua. Đại dịch Covid-19 đã cướp đi hơn 190.000 sinh mạng người Mỹ, đến nay được coi là nhân tố chính duy nhất đe dọa kỳ vọng tái đắc cử của ông Trump.

Tuy nhiên, theo những kết quả thăm dò dư luận mới nhất, khoảng cách giữa ông Trump và ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden đang thu hẹp lại khi chỉ còn gần 2 tháng nữa nước Mỹ sẽ bước vào cuộc bầu cử. Giới chức Nhà Trắng và những người ủng hộ ông Trump cho rằng, một loạt thành quả trong hoạt động ngoại giao gần đây của Tổng thống đương nhiệm là bằng chứng cho thấy các sáng kiến nỗ lực trong một thời gian dài đã mang lại thành quả. Họ cũng bác bỏ các quan điểm cho rằng, Tổng thống Mỹ đang cố tìm cách phân tán dư luận khỏi những vấn đề như cách giải quyết đại dịch Covid-19, những bất ổn do xung đột sắc tộc và cả những thách thức lớn mà kinh tế Mỹ đang phải đối mặt.

Những người theo quan điểm chỉ trích ông Trump nhận định, Nhà Trắng đang thổi phồng “bảng thành tích” của ông Trump tại Trung Đông. Bởi lẽ theo họ, mối quan hệ giữa một số nước Arab với Israel trên thực tế đã ấm lên thời gian qua vì họ cùng có chung quan điểm đối đầu với Iran cũng như xu hướng lấn lướt của Tehran trong khu vực.

TRẦN ĐẮC LUÂN (theo AP, New York Times)

;
;
.
.
.
.
.