Nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật

Ươm mầm nghệ thuật, lan tỏa yêu thương

.

Lửa nghề, sự tận tụy và tình yêu thương dành cho các thế hệ học trò khiến không ít nghệ sĩ Đà Nẵng dành phần lớn thời gian đào tạo, nuôi dưỡng “hạt mầm” nghệ thuật cũng như lan tỏa những yêu thương, rung cảm với đời…

Một buổi học guitar của học viên tại Vườn nghệ thuật Dế Mèn. Ảnh: HUỲNH LÊ
Một buổi học guitar của học viên tại Vườn nghệ thuật Dế Mèn. Ảnh: HUỲNH LÊ

Mang lời ca, điệu nhạc góp vui cho đời

Ở tuổi 58, ông N.V.T (phường Hải Châu 2, quận Hải Châu) quyết định đi học guitar. Suy nghĩ này chợt đến trong một lần ông đưa đón cháu nội đi học đàn tại Viện Âm nhạc Cao Tâm Reason nằm trên đường Bạch Đằng. “Học đàn là ước mơ thời trẻ của tôi nhưng cuộc sống cứ cuốn mình đi, giờ thấy đứa cháu nội mỗi ngày cầm đàn tập tành thì thích lắm nên tìm hiểu và quyết tâm theo học”, ông T. chia sẻ.

Ở độ tuổi xế chiều, những ngón tay của ông T. không còn linh hoạt, uyển chuyển như trước. Khó nhất vẫn là bấm dây sao cho thật chuẩn để âm vang lên thanh thoát, nhẹ nhàng, chưa kể sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa hai tay rồi đến đọc nốt, đọc nhịp. Tuy nhiên, sau 3 tháng kiên trì, ông T. đã có thể đệm những điệu cơ bản cho dòng nhạc bolero, chachacha. “Khi cầm đàn, tôi thấy hào hứng và vui tươi lắm, nhất là khi tập được một điệu mới hoặc được thầy khen có tiến bộ”, ông T. cho hay.

Nhạc sĩ Cao Tâm, Giám đốc Công ty Âm nhạc và Tổ chức sự kiện Cao Tâm cho biết, có không ít học viên đang theo học tại Viện Âm nhạc Cao Tâm Reason là người lớn tuổi, yêu thích các bộ môn như guitar, organ, thanh nhạc… “Người lớn khi đã quyết tâm học thường rất nghiêm túc, học tới đâu ghi chép tới đó, có người ghi theo ký hiệu riêng để dễ nhớ, dễ hình dung. Có thể nói, nhiều người học bằng niềm đam mê và tình yêu dành cho nghệ thuật, xem đàn, hát là chất xúc tác cho cuộc sống vui vẻ hơn”, nhạc sĩ Cao Tâm chia sẻ.

Bạn học của ông T. là Nguyễn Văn Hoài Phương, sinh viên năm 2, khoa Cầu đường, Đại học Kiến trúc Đà Nẵng. Từ năm đầu tiên đi học xa nhà, Phương bắt đầu sắp xếp cho việc học guitar, đầu tiên là dành dụm tiền mua đàn, sau đó tìm nơi học hiệu quả và linh động thời gian. “Em đã học được một thời gian, có thể đệm đàn cho các bạn hát, đánh một số bài hợp âm đơn giản và thường xuyên tham gia các buổi sinh hoạt cùng bạn bè”, Phương nói.

Bất cứ học viên nào đến với Viện Âm nhạc Cao Tâm Reason đều được tư vấn, hỗ trợ, từ mua sắm thiết bị phù hợp đến giảng dạy, hướng dẫn, khuyến khích học viên tham gia các cuộc thi âm nhạc quần chúng hoặc sân chơi chuyên nghiệp, hỗ trợ thu âm nếu học viên có nhu cầu.

Xóa dần “vùng trũng nghệ thuật”

Ở Đà Nẵng có khá nhiều “lò” đào tạo âm nhạc, nghệ thuật có chất lượng. Ngoài Viện Âm nhạc Cao Tâm Reason, Nốt nhạc xinh trên đường Lê Lợi (quận Hải Châu) cũng có thâm niên 10 năm đồng hành với người yêu nghệ thuật Đà Nẵng. Người dẫn dắt Nốt nhạc xinh là nhạc sĩ Nguyễn Đức, khá nổi tiếng với khả năng sáng tác và chơi đàn piano, violin. Trung bình mỗi năm tại trung tâm này nhận đào tạo từ 100-150 học viên theo học piano và violin, trong đó có khá nhiều học viên học xuyên suốt nhiều năm để đạt độ nhuần nhuyễn trong âm nhạc.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức chia sẻ, Nốt nhạc xinh ra đời với nỗ lực khỏa lấp “vùng trũng nghệ thuật” tại Đà Nẵng. Theo nhạc sĩ, việc xuất hiện nhiều “lò” đào tạo nghệ thuật là dấu hiệu tốt, cho thấy người dân ngày càng quan tâm đời sống tinh thần, hướng con mình trở thành người toàn diện, giỏi học, giỏi chơi và biết thư giãn với âm nhạc, nghệ thuật…

Tuy nhiên, để chất lượng dạy và học đạt hiệu quả, tạo sức hút, ngành văn hóa cần rà soát lại quá trình hoạt động của các cơ sở đào tạo, bảo đảm giảng viên đứng lớp phải có đầy đủ kỹ năng và được đào tạo bài bản. “Hiện nay, phong trào theo học các bộ môn nghệ thuật ở Đà Nẵng rất phát triển, thu hút nhiều giáo viên ngoại tỉnh về Đà Nẵng giảng dạy, mở lớp, tạo điều kiện cho phụ huynh lựa chọn cơ sở phù hợp với năng khiếu và thời gian của con em.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, thẩm mỹ âm nhạc của người dân còn hạn chế nên không ít trẻ còn lệch lạc khi học và nghe nhạc theo trào lưu, tham gia học tập ngắn ngày, “lúa non”. Cách giải quyết phải từ gốc đến ngọn, có nghĩa là các trung tâm, cơ sở dạy âm nhạc hay trường học, đứng lớp phải là người có bề dày kinh nghiệm cũng như được đào tạo chuyên ngành trong các trường nhạc chuyên nghiệp. Như vậy mới đủ sức nâng đỡ, định hướng con đường chuyên nghiệp có các học viên thật sự có năng khiếu”, nhạc sĩ Nguyễn Đức nói.

Mong muốn thành phố có thêm nhiều sân chơi nghệ thuật là ý kiến của nhạc sĩ Phạm Quang Trung, người có thâm niên dìu dắt nhiều học trò nhí đến với lĩnh vực ca hát chuyên nghiệp, như giọng ca Mỹ Tâm, Tố Ny, Hồng Minh, Gia Kiệt, Uyển Nhi. Hơn 30 năm qua, lớp thanh nhạc của nhạc sĩ Quang Trung tại số 5 Nguyễn Văn Tố (quận Hải Châu) luôn là điểm đến của nhiều giọng ca nhí triển vọng, có em học hát từ những năm học mẫu giáo đến khi tỏa sáng ở các cuộc thi Giọng hát Việt nhí (The Voice Kids) như Uyển Nhi, Gia Kiệt, Hồng Minh… Để hỗ trợ chuyên sâu, ông chia 2 nhóm lớp thanh niên, thiếu nhi, tùy vào năng khiếu của học trò để có cách giảng dạy linh hoạt từ cơ bản đến chuyên sâu một thầy, một trò.

Nhạc sĩ Quang Trung nói rằng, bất kỳ ai đến với bộ môn nghệ thuật, chắc hẳn đã có sẵn một ngọn lửa đam mê. Một khi đã đam mê, nếu được hỗ trợ phương pháp đúng, khả năng tiếp cận phù hợp, môi trường trải nghiệm, học hỏi kỹ năng, kinh nghiệm ca hát, biểu diễn sẽ giúp họ có cơ hội đi những bước dài hơi trên con đường nghệ thuật. Và như một lẽ tự nhiên, không phải bất cứ ai đam mê nghệ thuật đều lựa chọn hướng đi chuyên nghiệp. Với họ, nghệ thuật đơn giản là để cân bằng những hỉ, nộ, ái, ố, là yêu thương cuộc đời, thăng hoa trong suy nghĩ và đó chính là lối sống đẹp mà mỗi người cần hướng tới.

Vài năm nay, nhiều bạn nhỏ ở Đà Nẵng xem Vườn nghệ thuật Dế Mèn (cơ sở chính tại 54 Lê Hồng Phong, quận Hải Châu) là khu vườn hạnh phúc, nơi các bé học cách cảm thụ âm nhạc, trải nghiệm và chơi các loại nhạc cụ (nhạc cụ gõ và nhạc cụ định âm). Nơi đây, giáo viên cho trẻ tham gia nhiều hoạt động đa dạng, tạo hứng thú, phù hợp với đặc điểm tập trung ngắn hạn ở trẻ như nghe nhạc, đọc nhạc, sử dụng ngôn ngữ hình thể, hát, trò chơi âm nhạc, sáng tạo nhạc cụ. Anh Trần Huỳnh Huy Thịnh, người sáng lập khu vườn này cho biết, những hoạt động tại Vườn nghệ thuật Dế Mèn hướng đến mục tiêu đào tạo, phát hiện khả năng, sở thích âm nhạc, nghệ thuật của trẻ để có định hướng đúng đắn các môn học nghệ thuật phù hợp. Hiện địa chỉ này đào tạo các bộ môn piano, organ, guitar, violin, saxo, thanh nhạc, đào tạo nghệ thuật, thể chất và kỹ năng như hội họa, MC, nhảy, yoga...

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.