Những ngày tháng 10 này, mưa bão liên tục trút dồn dập xuống miền Trung, nhiều nơi chìm trong biển nước mênh mông. Không ngoại lệ, một số điểm ở nội thành Đà Nẵng cũng ngập cục bộ; ruộng đồng, nhà cửa của bà con huyện Hòa Vang bị lũ lụt bao vây. Tôi nghĩ đến quê nhà chỉ cách vài chục cây số mà đứng ngồi không yên.
Những ngày tháng 10, nhiều nơi ở miền Trung chìm trong biển nước mênh mông. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Quê tôi là một làng nhỏ ven sông Thu Bồn hiền hòa, thơ mộng, cứ vào độ giữa Thu thì dòng nước lại gầm gừ hung dữ. Trong lúc mưa to, gió lớn, tôi gọi điện về quê dò chừng. Mẹ cho biết nước tràn Đồng Kha, ngập cầu Si, khỏa mương thủy lợi. Trước mặt sông, nước dâng lên bờ tre, nếu mưa thêm vài tiếng nữa ở phía thượng nguồn chắc nước sẽ lấp xấp mặt đường cái.
Bây giờ, mỗi khi đến mùa mưa bão, tôi thấy lo lắng, chứ không thể hồn nhiên, vô lo vô nghĩ như thời thơ ấu. Ngày trước, đám trẻ chúng tôi rất thích lụt tràn về, bởi đây là dịp để đặt lờ, thả lưới bắt cá, đốn những thân cây chuối chát, ghép bè chống sào đi từng bụi cây rậm rạp để bắt những chú dế mập mạp ẩn nấp ở các hang hốc trong lòng đất bị ngập nước chui ra treo mình trên các cành cây cao, trên những đám dâu tằm xanh mướt ở bãi nà trước nhà. Không gì thích thú hơn được chống bè đi bắt dế ngày lụt, bởi những chú dế mèn oai phong, hùng dũng như nhà văn Tô Hoài miêu tả là thế nhưng khi mặt đất trở thành mặt nước thì dế toàn “ngồi” trên các tán lá, cành cây, chỉ cần lượm chúng bỏ giỏ. Mang dế về lặt cánh, rửa nước mưa cho sạch, bỏ vào nồi đất rang muối rồi ăn với cơm trong tiết se lạnh thì ngon phải biết.
Cơm nước no nê, lũ trẻ chúng tôi lại bì bõm chống bè đi tìm bắt những con dế khác mà lòng thầm mong nước lụt… ở lại với ruộng đồng, vườn tược lâu lâu một chút. Mặc sự rầy la của mẹ, tôi cứ đẩy bè chuối tới chỗ này, qua chỗ kia, da chân tay do ngâm nước bọt nhiều bị nhăn nheo, bạc phếch. Tôi vui mừng, thích thú mỗi khi lụt về nhưng lòng mẹ tôi lại trĩu nặng âu lo, bà hết nhìn trời, nhìn nước rồi chép miệng não nề bởi trận lụt năm ấy đã nhấn chìm cả cánh đồng khi lúa mới bắt đầu ngậm sữa. Mấy ngày sau, nước lui ra bờ sông, cả làng xơ xác, rau màu dập nát, ngã nghiêng, bùn nhầy nhụa từ trong nhà ra đường, cây cối tàn úa, mùa màng thất bát, cuộc sống của dân làng vốn khó khăn càng lao đao, khốn đốn. Cặp chân tôi bắt đầu lở loét, ngứa ngáy do bị “nước ăn”, thế mà cũng ghiền lụt đến lạ.
Lũ về, tôi lại nhớ tới trận lụt lịch sử năm Giáp Thìn 1964, tuy lúc đó tôi chỉ mới 6 tuổi. Một điều mà tôi không bao giờ quên được là khi nước dâng quá cao, tôi được đưa lên cái gác lót bằng mấy tấm ván. Lúc đó, giữa trưa trời bỗng nhiên tối sầm, mưa xối xả, gió giật từng cơn. Rồi nhìn về hướng sông Thu Bồn thấy nhà cửa, cây cối, gia súc, gia cầm cùng nhiều tài sản khác xuôi theo dòng nước cuồn cuộn đỏ màu hung tợn…
Nước mắt ai cũng chỉ chực trào ra. Trải qua rất nhiều mùa lũ như thế, tôi đã lớn lên, trưởng thành, mang theo hầu như trọn vẹn ký ức về miền quê êm đềm, với tuổi thơ tinh nghịch, và có cả ký ức buồn về những ngày bão lũ như thế...
Trước ngày giông gió của cơn bão số 6, tôi về quê thấy cánh đồng chỉ còn trơ gốc rạ, mùi rơm mới ngào ngạt, lảng bảng quanh vườn. Những làn khói bếp chầm chậm bốc lên từ những mái nhà nép mình dưới rặng tre xanh mướt ven dòng sông Thu Bồn. Tôi càng thấy quê hương thật thanh bình. Nhưng mẹ tôi cứ đau đáu những nỗi niềm. Thỉnh thoảng ra sân nhìn lên bầu trời với những đám mây đen vần vũ, bà nói sắp có mưa to, mà nếu mưa nhiều quá thì lúa sẽ ngập úng và chết hết. Chắc có lẽ cơn lụt năm Giáp Thìn là nỗi ám ảnh với mẹ tôi suốt quãng đời còn lại. Mẹ hết đi ra rồi đi vào và bảo rằng chỉ mong mọi người, mọi nhà an yên trong mùa mưa bão...
THÁI MỸ