Covid-19 không chỉ khiến kinh tế đình trệ mà trường học ở nhiều nước nghèo phải đóng cửa vô thời hạn, đẩy trẻ em bước vào cuộc sống mới không con chữ đầy cạm bẫy và nguy hiểm, nhất là Ấn Độ.
Khi Ấn Độ đóng cửa các trường học vì Covid-19, Rahul (11 tuổi) phải ra đường mưu sinh. Ảnh: New York Times |
Trường học đóng cửa, kinh tế khó khăn
Liên Hợp Quốc ước tính ít nhất 24 triệu trẻ em sẽ bỏ học và hàng triệu trẻ em là lực lượng lao động giá rẻ. Có hai lý do chính để đẩy trẻ em ra đường trong thời điểm trường học đóng cửa. Thứ nhất là trẻ em ở các nước nghèo không thể có máy tính và internet để học trực tuyến. Thứ hai là gia đình các em rất cần tiền trong lúc xảy ra Covid-19. Các em là nguồn lao động rẻ tiền nên dễ được khai thác. Những đứa trẻ chỉ mới 10 tuổi đã đào cát ở Kenya hay cắt cỏ ở đồn điền cacao ở Tây Phi.
Thậm chí, các bé trai và bé gái từ 8 tuổi ở Indonesia bị sơn màu bạc lên cơ thể và bị ép đóng giả thành những bức tượng sống để xin tiền. Cô bé 14 tuổi Surlina ở thủ đô Jakarta của Indonesia chấp nhận sơn màu bạc cả cơ thể mình trông như bức tượng rồi để cho cha mẹ treo lên người mình những tác phẩm điêu khắc nhỏ, mong kiếm ít tiền. Surlina thừa nhận không có sự lựa chọn nào khác. Sự gia tăng lao động trẻ em sẽ làm xói mòn những tiến bộ đạt được trong những năm qua về xóa mù chữ, tiến bộ xã hội và sức khỏe trẻ em.
Nạn đói đang đe dọa trẻ em từ Afghanistan cho tới Nam Sudan. Nạn tảo hôn cũng như nạn buôn bán trẻ em ở châu Phi và châu Á tăng mạnh. Dữ liệu của Uganda cho biết, số lượng bé gái vị thành niên mang thai rất nhiều trong mùa dịch này.
Bức tranh buồn ở Ấn Độ
Nhiều trẻ em đổ ra đường từ sáng sớm phía trước các khu chung cư nhà ở công cộng Devaraj Urs, ngoại ô thành phố Tumakura, Ấn Độ. Bọn trẻ không thể tới trường vì Covid-19 nên đã thay cặp sách vở sau lưng bằng một bao tải nhựa để đi nhặt rác. Lệnh đóng cửa các trường tiểu học và THCS vô thời hạn ảnh hưởng tới hơn 200 triệu trẻ em. Ấn Độ là quốc gia có số dân trong tuổi tới trường lớn nhất thế giới và cũng là nước có số ca nhiễm Covid-19 nhanh nhất toàn cầu. Nhiều chuyên gia về trẻ em nhận định một khi đã bỏ học để đi kiếm tiền nuôi sống gia đình thì rất khó trở lại trường học.
Những đứa trẻ từ 6-14 tuổi được cha mẹ cho đi lục lọi các bãi rác để tìm kiếm nhựa tái chế, nhưng đi chân trần và không hề có găng tay hay khẩu trang. Bọn trẻ chỉ kiếm được vài cent mỗi giờ. Cậu bé 11 tuổi Rahul bày tỏ: “Con ghét công việc này”. Thầy giáo của Rahul cho biết, cậu bé này có chỉ số IQ rất cao và mơ ước trở thành bác sĩ. Tuy nhiên, dịch bệnh kéo dài có thể làm tiêu tan giấc mơ của Rahul.
Chính phủ Ấn Độ cũng đóng cửa các trung tâm phát triển dành cho người nghèo, vốn được xây dựng cách đây vài thập niên để giúp đỡ hàng triệu trẻ em nghèo có thức ăn, thuốc men, quần áo, đi học, cũng như giúp phụ nữ nghèo bảo vệ sức khỏe.
Luật pháp Ấn Độ cấm trẻ em dưới 14 tuổi đi làm trừ khi làm cho gia đình nhưng cấm làm việc ở những nơi nguy hiểm như công trình xây dựng, nhà máy thuốc lá hay pháo hoa. Những nơi này có nguy cơ gây thương tích và là môi trường nguy hiểm đặc biệt với trẻ em. Hơn nữa, bọn trẻ làm việc ở đây không có thiết bị bảo hộ lao động, thậm chí thiếu cả giày. Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho biết, vì dịch bệnh nên có rất ít các cuộc thanh tra về tình trạng lao động trẻ em.
Biplab Das - một nhà thầu lao động ở bang Tây Bengal cho biết, các bậc cha mẹ liên tục dẫn con tới trước cửa nhà của ông để xin việc làm. Một buổi sáng giữa tháng 9, một người đàn ông dẫn đứa con trai 12 tuổi và con gái 8 tuổi đến gặp ông. Một người nhận xét rằng nhiều trẻ em bây giờ rất sợ thức dậy vào buổi sáng bởi các em biết mình phải đi làm việc, giống như tuổi thơ đột ngột kết thúc. Cornelius Williams, một quan chức cao cấp của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho rằng, trong lúc ứng phó với Covid-19, chính phủ nhiều nước sẽ không thể duy trì những tiến bộ đã đạt được trong những năm qua với trẻ em, nhất là ở Ấn Độ.
Anh Thư (theo New York Times)