Bất cứ ai cũng đôi lần đứng giữa “ngã ba đường” với các lựa chọn. Dù thích hay không thích, bạn buộc phải đưa ra quyết định của mình. Để rồi sau đó, chúng ta thảng hoặc lại suy tư liệu rằng cuộc đời mình có khác đi nếu chọn phương án đã bỏ lỡ.
Có lẽ không ít người nuối tiếc với hướng đi của quá khứ và luẩn quẩn trong vòng tròn cảm xúc day dứt. Vậy thì, bạn có thể tìm thấy câu trả lời cho riêng mình ở cuốn truyện Xanh một màu xanh khác(*), để an yên bước về phía quãng đời còn lại.
Truyện mở ra với tâm sự của Soki - người đã kết hôn 6 năm, luôn phân phòng ngủ riêng với chồng. Cô và chồng đều có “người thứ ba” ở bên ngoài. Dẫu vậy, Soko chưa bao giờ nghĩ đến chuyện ly hôn bởi sự sung túc của cuộc sống hiện tại, sâu xa hơn là tình yêu mà cô chưa biết cách thể hiện.
Một hôm, trên đường du lịch từ nước ngoài trở về, máy bay chở Soko phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Fukuoka vì gặp bão. Cô quyết định dừng chân tại đây một đêm bởi ở một góc nào đó trong thành phố này, có một người mà cô từng muốn kết hôn.
Cô gặp lại người yêu cũ, bất ngờ phát hiện người phụ nữ bên cạnh anh giống hệt mình, từ cái tên đến ngoại hình. Người phụ nữ này chính là phân thân của Soko, sống cuộc đời mà nhân vật chính từ bỏ lúc 23 tuổi.
Năm ấy, Soko đối diện với lựa chọn khó khăn: kết hôn với ai, một người là Sasaki, làm việc cho một công ty quảng cáo, phóng khoáng, dịu dàng; và một người là Kawami, anh chàng đầu bếp chăm chỉ, chung thủy. Nếu Soko kết duyên với Sasaki thì bản phân thân gắn bó với Kawami. Họ sống hai cuộc đời độc lập cho đến khi tình cờ nhìn thấy nhau. Từ sự ngạc nhiên ban đầu, cả hai táo bạo quyết định tráo đổi thân phận, thể nghiệm cuộc sống của nhau trong một tháng.
Bằng sự khéo léo trong cách kể chuyện, nữ nhà văn Fumio Yamamoto lột tả tinh tế sự thay đổi tâm lý của hai người phụ nữ cũng như khát vọng tiềm ẩn của họ. Cách xây dựng tiết tấu dồn dập khiến người đọc không thể rời mắt khỏi trang sách, dõi theo từng nhịp sống đầy biến chuyển của Soko và bản phân thân. Ban đầu là niềm phấn khởi khi phát hiện một-cuộc-đời-khác, tiếp nối là sự tò mò về sự “nhập vai”, sau đó hồi hộp đến vỡ òa khi bản phân thân không muốn trở về vị trí vốn có của mình...
Khi hai người phụ nữ trong truyện nhận ra ý nghĩa cuộc đời của mình cũng là lúc người đọc chìm vào dòng chảy miên man của niềm suy tư rồi tự vỡ lẽ câu trả lời cho vấn đề của bản thân. Xanh một màu xanh khác không đơn thuần là câu chuyện của tình yêu.
Cái kết lưng chừng của truyện có thể khiến nhiều người không thỏa mãn, nhưng ở góc độ nào đó lại vô cùng hợp lý và vừa đủ. Cuối cùng, cuộc sống vẫn luôn tồn tại song song mặt trái và mặt phải, không thể toàn bích. Hơn hết, hạnh phúc hay khổ đau không phụ thuộc vào bề mặt vấn đề mà bởi chính cảm nhận và góc nhìn của mỗi người.
“Nhiều lúc, lựa chọn duy nhất chúng ta có chỉ là không quay đầu nhìn lại và bình thản cảm nhận rằng, ai là người thiết tha chân thành với mình một đời. Đúng vậy, con người ta có lúc thật khó hiểu, luôn hối hận về điều đã lựa chọn, nuối tiếc về điều đã vứt bỏ, song chúng ta đâu biết rằng hoàn mỹ chỉ là một loại lý tưởng mà không hề tồn tại”.
Những lời đề dẫn của truyện hóa ra lại thấm thía khi gấp lại trang sách cuối cùng. Lựa chọn con đường này hay con đường kia, ở thời điểm đó, đều có lý do riêng. Chưa chắc điều bỏ lỡ đã khiến bạn hạnh phúc và thỏa mãn hơn điều bạn dấn thân. Nếu cứ mãi ngoái đầu về quá khứ, đôi khi chúng ta lại bỏ quên nhiều điều thú vị của hiện tại…
Fumio Yamamoto sinh năm 1962, là tiểu thuyết gia đương đại nổi tiếng của Nhật Bản. Với giọng văn mộc mạc, sâu lắng và đầy trải nghiệm, các tác phẩm của bà nhanh chóng nhận được sự yếu thích của độc giả trong và ngoài nước, như: Bến bờ thơm mùi dứa, Anh chắc chắn sẽ khóc, Trúng độc yêu, Không phải nơi khác mà ở ngay đây... Năm 1999, bà nhận giải thưởng văn học Yoshikawa Eiji lần thứ 20 dành cho các tác phẩm mới xuất sắc. |
KHA MIÊN
(*) Đọc Xanh một màu xanh khác - Fumio Yamamoto, Đỗ Thu Thủy dịch. NXB Văn học và Công ty CP sách Alpha phát hành.