CHĂM SÓC NGƯỜI CAO TUỔI

Sưởi ấm tuổi già cô quạnh

.

Không vợ, chồng, con, cháu bên cạnh, những người già neo đơn, không nơi nương tựa trên địa bàn Đà Nẵng tìm đến và gửi trọn phần đời còn lại tại các cơ sở chăm sóc người cao tuổi: Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng (gọi tắt Trung tâm) thành phố Đà Nẵng (64 Phan Tứ, quận Ngũ Hành Sơn), Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố Đà Nẵng (148 Đà Sơn, quận Liên Chiểu) và Mái ấm tình thương (18 Phan Tứ, quận Ngũ Hành Sơn). Với các cụ, những nơi ấy chẳng khác gì là nhà bởi ở đó các cụ được yêu thương, được quan tâm, được chăm sóc.

Nhân viên y tế của Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố hỗ trợ người cao tuổi tập vật lý trị liệu. Ảnh: MAI HIỀN
Nhân viên y tế của Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố hỗ trợ người cao tuổi tập vật lý trị liệu. Ảnh: MAI HIỀN

1. Một ngày của các cụ tại Trung tâm thường bắt đầu lúc 5 giờ vào mùa hè và lúc 5 giờ 30 vào mùa đông. Bao giờ cũng vậy, khởi đầu ngày mới không thể thiếu những bài thể dục; tiếp đó là ăn sáng, vui chơi, tập vật lý trị liệu. Sau khi ăn trưa, nghỉ ngơi, các cụ tiếp tục sinh hoạt cùng nhau. Có cụ chọn đọc sách, có cụ rủ cụ khác chơi cờ domino, cờ cá ngựa… Nhưng có những cụ không thể đi lại được, chỉ nằm một chỗ.

Chuyển đến “tạm trú” tại Trung tâm hơn 24 năm nay, với cụ Trần Thị Minh (SN 1929) xem Trung tâm này là ngôi nhà thứ hai. Cụ Minh chia sẻ: “Chồng tôi mất sớm. Chúng tôi không có con. Vì vậy, khi về già, tôi xin vào ở tại Trung tâm. Ở đây, tôi có thêm những người bạn già, cùng động viên, tâm sự, chia sẻ và được các nhân viên chăm sóc tận tình. Không chỉ lo từng miếng ăn, các nhân viên trung tâm còn tắm, giặt đồ cho chúng tôi. Tôi cảm nhận sự đầm ấm của gia đình khi ở đây, từ đó tôi có được niềm vui thực sự trong cuộc sống”.

Nhiều năm nay, đều đặn vào chiều thứ 6 hằng tuần, các cụ tại Trung tâm lại quây quần bên nhau ở nhà ăn, cùng xem thời sự, xem phim. Tiếng cười, tiếng nói râm ran. Trung tâm còn kết nghĩa với Làng Hy vọng, Làng trẻ em SOS Đà Nẵng. Rồi dịp Quốc tế Thiếu nhi 1-6, Tết Trung thu, các cụ đến thăm các cháu nhỏ tại Làng Hy vọng, Làng SOS. Trung tâm còn xây dựng hai góc thư giãn ngay trước nhà ăn, nơi các cụ có thể đọc sách, báo, nghe nhạc, cùng nhau chơi cờ…

Còn cụ Ngô Thị Hồng (SN 1943) tìm đến Trung tâm Bảo trợ xã hội và gắn bó với nơi đây. Cụ Hồng có chồng và 4 người con nhưng mất liên lạc 42 năm nay. Thời trẻ, cụ sống một mình. Khi về già, thấy cô quạnh nên cụ bán nhà, về ở cùng một người cháu, gọi bằng dì, đến cuối năm 2019 thì vào Trung tâm Bảo trợ xã hội.

“Vào đây, tôi có thêm những người bạn già, chuyện trò, chia sẻ nên tinh thần thoải mái, phấn chấn hơn, bệnh tình theo đó cũng nhẹ đi. Những lúc đau ốm sẽ có nhân viên y tế đến khám bệnh”, cụ Hồng bày tỏ. Việc Trung tâm Bảo trợ xã hội quan tâm, chăm sóc đời sống tinh thần của những người già neo đơn bằng sự hỏi thăm thường xuyên, hay tổ chức các hoạt động gặp gỡ, giao lưu, có khi đi cà phê, đi du lịch, có khi tổ chức trò chơi, giao lưu văn nghệ ngay tại trung tâm..., làm các cụ cảm thấy ấm lòng. “Thỉnh thoảng còn có các cháu sinh viên, các đoàn từ thiện ghé thăm hỏi, vui chơi cùng chúng tôi, vui lắm!”, cụ Hồng tâm sự.

Ở Mái ấm tình thương, cụ Lê Thị Hiền (SN 1933) không chồng, không con nên xin vào đây “tạm trú” 10 năm nay. Một ngày của các cụ tại Mái ấm bắt đầu bằng việc vệ sinh cá nhân, tắm rửa, tập thể dục nhẹ, đọc kinh, ăn sáng rồi về phòng chơi, xem tivi, trò chuyện. Ngày mới vào Mái ấm, lúc đó cơ sở này có nuôi heo, cụ Hiền thường phụ băm rau heo, rồi phụ làm bếp. Mấy năm gần đây, sức khỏe ngày một yếu đi nên cụ không phụ được gì.

Cụ Hiền chia sẻ: “Không chỉ chăm lo miếng ăn giấc ngủ, Mái ấm còn chú trọng đời sống tinh thần, tâm linh, tạo cho chúng tôi cảm giác thoải mái”.

Đồ họa: THANH HUYỀN
Đồ họa: THANH HUYỀN

2. Bà Phạm Thị Oanh, Giám đốc Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng thành phố Đà Nẵng cho hay: “Các cụ đang được phụng dưỡng tại trung tâm nhận đầy đủ, kịp thời, đúng quy định các chế độ, chính sách đối với người có công cách mạng theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng. Riêng thành phố Đà Nẵng có thêm chính sách hỗ trợ tiền ăn 1,5 triệu đồng/cụ/tháng từ nguồn ngân sách thành phố”. Theo đó, nguồn hỗ trợ 1,5 triệu đồng/cụ/tháng từ nguồn ngân sách thành phố được dùng để phục vụ hai 2 bữa ăn trưa và tối. Bữa sáng được sử dụng kinh phí từ nguồn quỹ của các đoàn đến thăm. Ngoài ra, các cụ còn được hưởng chế độ nâng cao sức khỏe từ kinh phí của Trung ương. Theo đó, tùy tình trạng bệnh tật của các cụ, trung tâm mời bác sĩ về khám, kê toa thuốc bổ cho các cụ và định kỳ tổ chức các bữa ăn tươi với chất lượng cao hơn ngày thường.

56 cụ đang được phụng dưỡng tại Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng có độ tuổi trung bình 78 tuổi, các cụ ở độ tuổi từ 80 tuổi trở lên chiếm khoảng 59%; cụ cao tuổi nhất là 105 tuổi. Đi kèm với tuổi cao là sự suy giảm về sức khỏe, số cụ nằm một chỗ ngày một nhiều hơn, trong khi nhân viên trực tiếp chăm sóc cho các cụ thì có hạn. Có những thời điểm nhiều cụ đi bệnh viện thì phải tăng cường cấp dưỡng, y tế qua hỗ trợ các hộ lý. Cùng với đó là sự suy giảm về trí nhớ, tình tính của các cụ ngày một thất thường, dẫn đến dễ xảy ra những khúc mắc, vui buồn trong sinh hoạt đời thường giữa các cụ. Vì vậy, trong năm 2020, trung tâm đã tăng cường các hoạt động sinh hoạt nhóm, nâng cao hoạt động tinh thần để gắn kết các cụ với nhau hơn nữa.

Bà Hệ Thị Thanh Hương, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố Đà Nẵng cho biết, theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21-10-2013 về quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng BTXH, tại Điều 4, Chương I quy định mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp xã hội là 270.000 đồng. Tại Đà Nẵng có mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp xã hội là 350.000 đồng. Kinh phí chăm sóc các cụ tại trung tâm 100% từ sự hỗ trợ của thành phố. Bên cạnh đó, trung tâm còn nhận được sự hỗ trợ từ các cá nhân, tổ chức khác.

Bà Hương cho hay, hầu hết các cụ trước khi vào Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố đều không được chăm sóc sức khỏe chu đáo nên sức khỏe của các cụ, đặc biệt là sức khỏe của các cụ khuyết tật về vận động, có vấn đề về tâm thần, lãng trí, các cụ lớn tuổi luôn là gánh nặng cho trung tâm. Càng lớn tuổi thì sức khỏe của các cụ ngày một yếu, phải điều trị tại bệnh viện nhiều.Trung tâm Bảo trợ xã hội có 42 cán bộ, nhân viên; trong đó có 15 nhân viên trực tiếp chăm sóc các cụ. Số lượng nhân viên ít như vậy, trong khi có nhiều cụ cần được chăm sóc đặc biệt nên áp lực công việc rất lớn. Song, ai cũng bảo nhau cần cố gắng hơn để các cụ luôn thấy vui và ấm áp.

Bà Huỳnh Thị An, Giám đốc Mái ấm tình thương cũng cho hay: “Mái ấm này được thành lập vào năm 1996, khoảng 3 năm sau đó hoàn toàn tự túc về tài chính. Để phục vụ nhu cầu ăn uống hằng ngày cho các cụ, Mái ấm tổ chức trồng rau, chăn nuôi. Bên cạnh đó, để có thêm kinh phí hoạt động, khoảng 10 năm nay, mái ấm làm rượu dâu và bán tại các nhà thờ”.

MAI HIỀN

;
;
.
.
.
.
.