Chạy bộ để vượt qua chính mình

.

Với văn phong sống động, đơn giản nhưng độc đáo, Tôi nói gì khi nói về chạy bộ (NXB Hội nhà văn, 2020) của Haruki Murakiami thôi thúc độc giả mua một đôi giày và tham gia chạy bộ vào mỗi sáng. Chạy để nâng cao sức khỏe, để vượt qua chính mình, chạy để vươn tới một cuộc đời trọn vẹn hơn.

Khác với không khí bí ẩn tiêu biểu cho chủ nghĩa hiện thực huyền ảo của phương Đông đầy quyến rũ thường thấy trong những tác phẩm trước đó của nhà văn Nhật Bản Haruki Murakiami, Tôi nói gì khi nói về chạy bộ là cuốn tự truyện đơn giản kể về việc chạy bộ của cá nhân ông. Có thể nói, chất liệu lớn nhất làm nên sự thành công cho tác phẩm này không phải là ngôn ngữ hay sự sáng tạo về cấu tứ mà chính là tinh thần trung thực. Bằng những trải nghiệm thực tế của bản thân, tác giả đã nói đúng tim đen của “dân trong nghề”: Điều tuyệt nhất của việc chạy bộ không phải là sự thỏa mãn hay hài lòng mà là cảm giác được nghỉ ngơi sau một quãng đường dài lê lết. “Tôi không phải chạy nữa, thật tuyệt”, nghe thật hài hước nhưng lại rất thuyết phục.

Một người bình thường khi nói về chạy bộ có lẽ câu chữ sẽ lấp kín chưa đầy một trang giấy. Nhưng với một tiểu thuyết gia đam mê lao động nghệ thuật như Murakami thì khác, cuốn tự truyện dài hơn 200 trang với 9 chương có những tựa đề riêng biệt: Mẹo trở thành tiểu thuyết gia chạy bộ, Phần lớn những gì tôi biết về viết truyện là do học được từ chạy bộ mỗi ngày, Mùa thu ở New York, 18 tuổi đến khi tôi chết… Bằng cách chia sẻ những suy nghĩ về việc chạy bộ, Murakami đã tự bóc tách, lần giở những ý niệm và quan điểm về nghề viết của một tiểu thuyết gia. Theo tác giả, việc viết lách và chạy bộ là 2 hình thức lao động có nhiều điểm tương đồng: cô độc, bền bĩ và cần tính tập trung. Một tác giả khi khởi sự con đường văn chương sẽ không khác mấy một người lần đầu tham gia chạy bộ. Họ sẽ hăng hái, vui vẻ, yêu đời, phơi phới nhìn mây bay và nghe gió thổi. Thế nhưng, điều khẳng định giá trị của một hành trình luôn nằm ở chặng cuối. Liệu mỗi người sẽ làm gì để vượt qua cảm giác mệt mỏi đến kiệt sức, vượt qua tiếng gào thét từ bên trong đòi ta phải bỏ cuộc? Murakami đã dùng chính cuộc đời chạy bộ và viết lách của mình để trả lời những câu hỏi đó. Ông là người viết, người chạy có những nguyên tắc nghiêm cẩn: Mỗi ngày chạy bộ chừng 1 tiếng, chạy 6 ngày/tuần, mỗi năm tham gia một cuộc thi marathon trong hơn 20 năm. Đến nay, Murakami đã chạy bộ được ¼ thế kỷ và tham gia thi ở một số cuộc đua marathon tầm cỡ thế giới được tổ chức tại New York, Boston (Mỹ), Hokkaido (Nhật Bản)… Theo triết lý của Murakami, “hầu hết những người chạy bộ chạy không phải vì họ muốn sống lâu hơn, mà vì họ muốn sống trọn vẹn. Ngay cả khi ta chỉ định sống cho qua ngày đoạn tháng thì vẫn sẽ tốt hơn nhiều nếu sống những năm tháng ấy với những mục đích rõ ràng và sống động trọn vẹn thay vì bối rối hoang mang, và tôi tin rằng chạy bộ giúp ta làm được điều đó”.

Có thể nói, Tôi nói gì khi nói về chạy bộ là tác phẩm dễ đọc nhất, dễ hiểu nhất của Murakami. Đây cũng là tác phẩm có sự định hướng độc giả khá rõ ràng và chuyên biệt: Dành cho những độc giả yêu thích bộ môn chạy bộ, những người làm nghề viết, hoặc người có liên quan đến cả hai việc chạy bộ và viết. Ông tâm sự: “Trong nghề viết tiểu thuyết, đối với tôi, không có những chuyện gì như thắng hay thua. Có lẽ con số sách bán ra, số giải thưởng giành được, và lời khen ngợi của các nhà phê bình cũng là những tiêu chuẩn bên ngoài đối với một thành tựu văn chương, nhưng không có gì trong những thứ ấy thực sự quan trọng. Điều quan trọng là việc viết lách của anh có đạt đến những chuẩn mực anh đã tự đặt ra cho mình hay không. Cơ bản thì một nhà văn có một động cơ âm thầm, nội tại, và không tìm kiếm sự công nhận ở cái nhìn thấy được bên ngoài”.
Bằng lối dẫn dắt sống động và đầy tính ẩn dụ, Tôi nói gì khi nói về chạy bộ mang đến những suy ngẫm và bài học về một lối sống đầy nguyên tắc nhưng cũng dạt dào khát khao cống hiến. Cuốn nhật ký về chạy bộ này như một gạch nối đầy khăng khít và tin tưởng khiến độc giả khắp nơi sẽ tiếp tục chờ đợi, tìm đọc, khám phá những tác phẩm chưa ra đời của Murakami.

Nhà văn Haruki Murakiami sinh năm 1949 tại Kyoto (Nhật Bản), hiện sống ở Boston (Mỹ). Ông là một trong những tiểu thuyết gia, dịch giả văn học người Nhật Bản được biết đến nhiều nhất hiện nay cả trong lẫn ngoài xứ sở hoa anh đào.
Ông Murakiami là tác giả của Biên niên ký chim vặn dây cót, Rừng Na Uy, Kafka bên bờ biển, Cuộc săn cừu hoang…
 

DIỆU THÔNG

;
;
.
.
.
.
.