1. Cuối mùa lũ, thỉnh thoảng có vài cơn mưa nhẹ hạt, rồi trời hửng nắng hanh hao nhưng đêm về càng se lạnh. Ngày trước, đây cũng là khoảng thời gian bọn trẻ chúng tôi đi bắt cá đồng nhưng ghiền nhất là đặt trúm nhử lươn. Cánh đồng làng quê tôi thấp trũng, được cái khe bắt nguồn từ chân núi quanh năm róc rách bao bọc nên mỗi khi nước lớn, cá, lươn từ khe ngoi lên đồng kiếm ăn khá nhiều.
Hồi ấy, mỗi năm lúa cấy hai vụ nên đất có thời gian nghỉ ngơi. Các đám ruộng đều lấp lóa nước, cỏ dại phủ kín bờ, cả cánh đồng vắng người, hiu hắt. Phía xa xa, từng đàn cò chăm chỉ cả trưa lặn lội tìm mồi, những chú chim bói cá xanh lè rình mò trên các cành cây gạo cổ thụ bên bờ tre thỉnh thoảng lao vụt xuống mặt ruộng để đớp những con cá bơi lượn lờ đến khi no kềnh mới chịu bay về phía cuối làng…
Tôi vác cuốc chỉa ra sau vườn nhà đào bới để bắt những con trùn khoang cổ to bằng chiếc đũa đem băm nhuyễn, rồi bốc từng vốc thoa vào hom các ống trúm và cột thành bó để sẵn trên sân. Khi những sợi khói trắng mỏng tang từ các chái bếp bay nhè nhẹ theo gió chiều, tôi gánh hai bó trúm ra đồng lội hết bờ này tới bờ khác để chọn vị trí đặt trúm. Trên các bờ ruộng lúc này cũng xuất hiện một số người trong làng, bởi ngoài những lũ trẻ choai choai như chúng tôi, còn có cả các chú, bác điền thổ đi thả lờ, đặt đụt.
Tát đìa bắt cá ở làng quê xứ Quảng. Ảnh: THÁI MỸ |
Chiều buông dần, cánh đồng đắm chìm trong làn mưa bụi, tiếng ếch nhái bắt đầu gọi nhau tìm bạn, tôi rửa vội cặp chân trần dính đầy bùn về tới ngõ là lúc bầy gà lục tục nhảy lên chuồng. Tờ mờ sáng hôm sau, tôi ra đồng gỡ trúm, bó lại gánh về, tháo hom trút ra rổ những con lươn to bằng ngón tay da vàng hươm và cũng có không ít con đen bóng. Có người bảo loài lươn đen trũi ấy chuyên sống trong lớp bùn dưới khe, gặp nước lụt mới chui lên ruộng, ngon lắm. Lươn đồng chế biến được nhiều món ăn cực kỳ hấp dẫn. Tôi nhớ mãi lươn luộc chín xong đem gỡ thịt khỏi xương sống rồi trộn với các thứ gia vị um dầu phụng nguyên chất để làm nồi nhưn cho tô mì Quảng thì mùi thơm và vị ngon hết chỗ chê.
2. Đầu tháng 11 âm lịch, các đám ruộng cạn dần, nước xuôi về các ao, đìa, nơi có độ sâu hơn không thể cày cấy. Cá, lươn cũng theo nước về ao, đìa để sinh sống. Hết mùa đặt trúm, thả lờ, nhiều thanh niên, trai tráng trong làng rủ nhau tát đìa, bắt cá. Hai người cầm bốn sợi dây dừa của chiếc gàu đầu trâu được đan bằng nan tre, quét dầu rái cứ múc đổ nhịp nhàng từng gàu làm nước trong đìa vơi dần. Tát đìa là công việc của người lớn nên đám trẻ như tôi chỉ ngồi trên bờ xem.
Thích thú nhất là lúc đáy đìa chỉ còn nước xâm xấp, các loại cá chen nhau nhung nhúc như tìm đường chạy trốn, nhiều con hoảng hốt trườn lên mặt đất. Bắt xong các con cá tràu, cá trê, cá rô và một số loài cá sông thân trắng, người ta tiếp tục tát cạn đáy đìa rồi dùng đôi bàn tay xén từng lát bùn để bắt những con cá nhét rúc sâu trong lớp bùn nhão nhoẹt. Không phải loài cá này trốn tránh chui nhủi mà môi trường sống của chúng thường như thế và ra khỏi hang hốc về ban đêm để kiếm ăn.
Đến khi các giỏ cá nặng trịch của người lớn được mang lên bờ thì còn phần “hôi cá” của đám trẻ chúng tôi. Đứa nào cũng cởi trần ào xuống, hai tay liên tục sục sạo dưới lớp bùn để tìm những con cá còn sót lại. Đứa nào mò trúng những con cá trê, cá tràu to bằng cổ tay liền giơ lên cao hò reo vui mừng. Những đứa khác tung hứng theo bằng những cục bùn đen sì dính đầy mặt mũi, song miệng ai cũng toe toét nụ cười.
Cứ tưởng xâu cá vừa “hôi” được sẽ làm mẹ vui, song mới bước tới đầu ngõ chưa kịp khoe đã thấy bà cầm chiếc roi dâu đợi sẵn, tôi liền quăng xâu cá co giò chạy ra bến sông tắm gội sạch sẽ mới dám mò về…
Rồi tôi xa nhà, xa quê đi học, đi làm, không còn cơ hội đặt trúm vào những buổi chiều đông giá lạnh, không còn đội sương đi gỡ trúm vào mỗi sáng tinh mơ, không còn túm tụm năm bảy đứa chực chờ những người tát đìa thả cửa… Song, hình ảnh về đám bạn da đen nhẻm, tóc vàng sạm nắng đùa giỡn trong vũng bùn lầy ngày nào vẫn là ký ức khó phai. Tôi vẫn nhớ mùi ngai ngái của bùn đìa. Gói gém trong cái mùi hăng hắc của bùn ao ấy là hương vị ngọt ngào với bao niềm thương nỗi nhớ quê hương.
THÁI MỸ