Thời gian qua, những tranh cãi về bộ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 của nhóm Cánh diều chỉ dừng lại khi Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tăng cường chỉ đạo việc nghiên cứu các ý kiến góp ý, có quyết định kịp thời, phù hợp theo đúng thẩm quyền như quy định tại Điều 32 Luật Giáo dục (Luật số 43/2019/QH14) để bảo đảm chất lượng của sách giáo khoa mới đáp ứng yêu cầu, mục tiêu giáo dục. Bộ GD&ĐT cũng đã yêu cầu nhà xuất bản và nhóm tác giả xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính, gửi hội đồng thẩm định để thẩm định, báo cáo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét nội dung chỉnh sửa trước ngày 15-11-2020.
Ở bài viết này, người viết muốn bàn về một vấn đề khác, cũng quan trọng không kém, đó là áp lực đối với việc học của trẻ lớp 1 và phải làm sao để mỗi ngày đến trường là một này vui của trẻ.
Có lần, tôi đi đón đứa cháu (học lớp 1) ở lớp học thêm thì gặp một phụ huynh khác cũng đi đón con. Đứa bé nhỏ choắt khiến tôi buột miệng hỏi cháu mình: “Bạn kia 6 tuổi mà nhỏ xíu con hè”. “Dạ không, em đó mới 5 tuổi thôi. Em đó cầm bút chưa vững, cứ bị rớt miết. Có khi đang học, em còn ngủ gật nữa!”. Cả đoạn đường về tôi cứ ám ảnh hình ảnh cậu bé đó. Mới 5 tuổi mà tại sao phải xách cặp đi học, trong khi có thể chưa biết tự đánh răng, chưa mặc được quần áo, đi vệ sinh xong chưa biết chùi rửa…
Một chị bạn tôi, có con năm nay vào lớp 1, nhắn tin thở than: “Chị lo quá. Nghĩ đến những ngày tháng sắp tới con vào năm học mới, trong khi con nhà người ta đã biết rõ mặt chữ, thậm chí có thể ghép vần được thì con mình chỉ mới đọc được bảng chữ cái rời rạc, không biết con có bị tụt lại đằng sau không”.
Đây cũng là tâm tư của rất nhiều phụ huynh có con sắp vào lớp 1. Nhiều khi đi trên đường, tôi thấy có phụ huynh chở con phía sau, cháu mặc quần xanh, áo trắng ở trong và bộ đồ bộ bên ngoài, áo quần xộc xệch cái trong cái ngoài. Dừng đèn đỏ, tôi quay sang hỏi một phụ huynh: “Sao cháu mặc đồ lạ vậy ạ?”, “Cháu mới vào lớp 1, ở lại bán trú mà không biết mở nút áo, không biết thay quần áo. Ngày nào mẹ cũng bỏ bồ đồ cho con thay mà không tự thay được, cứ tròng đại vào vậy đấy”, chị ấy thở dài.
Chuẩn bị cho trẻ bước vào lớp 1, làm sao để mỗi ngày con đến trường thật vui, không phải là nhồi nhét cho trẻ các mặt chữ, các con số mà là chuẩn bị cho trẻ về mặt tinh thần, những kỹ năng tối thiểu. Phụ huynh nên đặt câu hỏi rằng, làm thế nào để con luôn tự tin, yêu thích được đi học, đến trường, yêu thích khám phá, học hỏi. Mỗi ngày, hãy khơi lên cho trẻ những điều tích cực về trường, lớp bằng những câu chuyện và tâm trạng tích cực, cùng con làm quen với mặt chữ để con thấy sự thú vị trong việc học. Còn gì vui bằng một đứa trẻ mỗi ngày được ba mẹ đưa đến cổng trường là nhảy chân sáo vào lớp, gặp bạn bè tay bắt mặt mừng, ríu rít chuyện trò!
Quan trọng nhất, hãy trang bị cho trẻ những kỹ năng chăm sóc bản thân cơ bản, đó là tự thay quần áo; là đi vệ sinh đúng nơi đúng chỗ, tự biết chùi rửa; ăn cơm xong biết rửa tay, súc miệng; đi ngủ nếu thấy trời lạnh thì biết tự đắp mền… Đó mới là điều cần thiết với trẻ trong giai đoạn này.
Với trẻ em lớp 1, chuyện ăn, ngủ, vui chơi phải được đặt trước chuyện học, cùng lắm, thì phải song hành với chuyện học. Nếu phải chọn lựa, đánh giá giữa hai đứa trẻ: một bên có thể viết, đọc ro ro nhưng tù mù với thế giới xung quanh; một bên chưa hề biết đọc, biết viết nhưng vui vẻ, tự tin, ăn nói dõng dạc, mạnh dạn, tôi tin phụ huynh sẽ thích con mình là đứa trẻ thứ hai. Dù biết hay không biết chữ trước thì chỉ khoảng vài tuần, hoặc chậm nhất hết học kỳ 1, các bé sẽ có trình độ tương đương nhau.
Không hẳn các em không học chữ trước sẽ gây khó cho thầy cô mà chính những trẻ được học chữ trước lại khiến thầy cô gặp khó trong việc dạy dỗ, uốn nắn. Đầu năm học nào cũng có giáo viên than rằng, các bé biết hết rồi, cô dạy gì cũng… ngó lơ, khó tập trung khiến các bé khác cũng mất tập trung theo.
Khi trẻ lớp 1 phải học nhiều hơn chơi, tất sẽ phải chịu áp lực. Với trẻ con, chịu áp lực sớm như thế thì không có lợi cho sức khỏe, cho sự phát triển bình thường của thể chất và trí tuệ. Khi chuyển từ môi trường chỉ có vui chơi sang môi trường phải vào nền nếp, khuôn khổ, thời gian đầu trẻ sẽ không tránh khỏi những bỡ ngỡ, có thể hơi… sốc, thậm chí có trẻ sợ phải đến trường. Lúc này, cha mẹ cần đóng vai trò là người bạn. Đừng cuống lên khi thấy đứa trẻ khác viết chữ đều tăm tắp, cầm sách đọc ro ro, trong khi con mình nét chữ còn nguệch ngoạc. Hãy hỏi trẻ những câu hỏi tạo sự khích lệ, động viên như hôm nay con được học gì, con có vui không, con ngồi cùng bàn với bạn nào…? Hãy suy nghĩ từ chính bản thân mình để có cách ứng xử với con cho phù hợp. Hãy để trẻ bình tĩnh lớn và vui đến trường.
HẢI ÂU