Sách mới nhưng ngữ liệu không chuẩn?

.

Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các trường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng chủ yếu lựa chọn 2 bộ sách: “Kết nối tri thức với cuộc sống” và “Cánh diều”. Trong đó, có 13 trường (Ngũ Hành Sơn: 6 và huyện Hòa Vang: 7) lựa chọn bộ sách “Cánh diều”, do GS Nguyễn Minh Thuyết chủ biên.

Nhiều học sinh đã viết, đọc được sau 1 tháng học chương trình mới, bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”.  Ảnh: NGỌC PHÚ
Nhiều học sinh đã viết, đọc được sau 1 tháng học chương trình mới, bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”. Ảnh: NGỌC PHÚ

Chị L.T.T (trú thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) nhận xét: “Trong sách Tiếng Việt 1 “Cánh Diều” có quá nhiều từ “lạ”, mang tính địa phương, không phù hợp với học sinh. Đặc biệt, nhiều bài tập đọc sơ sài, ngắn gọn, không có ý nghĩa. “Người lớn đọc còn chưa hiểu huống gì là học sinh mới rời trường mầm non lên lớp 1”, chị T. nhận xét. Anh V.A  (phụ huynh Trường tiểu học Lê Lai, quận Ngũ Hành Sơn) cũng cho rằng, sách có nhiều từ ngữ địa phương, không trong sáng như sách tiếng Việt trước đây.

Đặc biệt, trong sách có nhiều đoạn văn mô phỏng truyện cổ tích, ngụ ngôn nước ngoài, với nhiều câu chuyện không có tính giáo dục hoặc ý nghĩa quá “cao siêu”, không phù hợp với lứa tuổi lớp 1. Chị Huyền T. (ngụ Hải Châu) đưa ra ví dụ, trong bài tập đọc “Quạ và chó” ở trang 99 (Tiếng Việt 1, bộ sách Cánh diều), có nhiều từ rất “thô” và “địa phương”, trẻ nhỏ không thể hiểu được. Cụ thể như từ “cuỗm”, “bộp”, “tợp”. “Với học sinh lớp 1, tác giả soạn sách đưa những từ này vào chương trình dạy học thì các cháu học kiểu sao, hiểu như thế nào khi đọc đến đây. Tại sao có nhiều từ rất rõ nghĩa, trong sáng lại không đưa vào?”, chị T. nói. Theo chị T., nhiều câu chuyện khó hiểu đến mức cả phụ huynh và giáo viên cũng đành lắc đầu thì làm sao học sinh lớp 1 có thể tiếp thu.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Hằng (nghiên cứu sinh ngôn ngữ học tại New Zealand, trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) nhận xét, sách Tiếng Việt 1, bộ sách “Cánh diều” về văn bản, có 46 bài/82 bài đọc là các văn bản sao phỏng từ các truyện ngụ ngôn nước ngoài, trong đó có 8 bài được tách ra thành 2 phần cho 2 bài, làm lệch lạc về nội dung. Về nội dung: có gần 50% các bài đọc dựa trên các cốt truyện có nội dung liên quan đến các yếu tố bạo lực, thói xấu hoặc xa lạ với trẻ (đe doạ, bắt nạt, lừa đảo, lười biếng, sinh đẻ), không có tính giáo dục. Tuy nhiên, sách bài tập tiếng Việt của bộ sách Cánh diều lại dễ hiểu, bố trí khoảng cách giữa chữ và hình hợp lý, logic hơn sách bài tập của bộ sách khác.

Thầy Nguyễn Đình Hòa, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Trần Phú cho rằng, về nội dung bài học cho trẻ lớp 1 nên hướng tới giáo dục cái tốt hơn là răn đe cái xấu. Không né tránh cái xấu nhưng nên “giảm xấu tăng tốt” ở lứa tuổi này. “Tâm hồn trẻ lớp 1 trong sáng, đơn giản nên cần đưa nội dung trong sáng, đẹp đẽ và nó sẽ ấn tượng, đi theo các em suốt đời, cần chắt lọc về từ ngữ lẫn nội dung bài dạy, từ sách giáo khoa đến sách tham khảo. Đừng để tâm hồn trẻ thơ phải mang những vết sẹo, dù rất nhỏ. Không được phép sai sót ở sách giáo khoa, đặc biệt là sách giáo khoa tiểu học càng không thể sai. Phải bảo đảm các em được bảo vệ tối đa”, thầy Nguyễn Đình Hòa phân tích.

Vì vậy, theo thầy Nguyễn Đình Hòa, không thể ngụy biện đưa bài dạy những tính xấu vào cho trẻ nhận biết, khi các em đang độ tuổi bắt chước. “Chưa phân tích đúng sai, tốt xấu. Nói nôm na là tâm hồn các em như tấm gương phẳng siêu sạch nên cuộc sống xung quanh thế nào sẽ phản chiếu vào tâm hồn các em thế đó. Những bài học trong sách giáo khoa cũ rất hay đã được kiểm chứng qua thời gian sao không sử dụng ngữ liệu cũ cho phương pháp học mới rồi đưa thêm ít ngữ liệu mới vào cho có tính thời sự. Ca dao, tục ngữ, truyện dân gian, thơ dân gian và cả văn học Việt Nam nhiều bài rất hay sao không chọn những ngữ liệu phù hợp để đưa vào”, thầy Hòa băn khoăn.

Theo Sở GD&ĐT, khi mới lựa chọn sách, các trường trên địa bàn thành phố đa số chọn bộ sách “Cánh diều”, vì sách này rất tiện cho giáo viên. Tuy nhiên, hạn chế của bộ sách là gò bó sự sáng tạo của giáo viên, nhiều mẫu chuyện chưa phù hợp nên sau khi được các nhà chuyên môn phân tích thiệt - hơn, các trường đã chọn bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” để giảng dạy.

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.