Ông Nguyễn Thế Sáu - đỡ đầu nhóm sản xuất chổi đót của nạn nhân da cam và người khuyết tật xã Đại An (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) - vừa gửi thư cảm ơn các trường học và một số cá nhân đã giúp cơ sở tiêu thụ sản phẩm trong đại dịch Covid-19. Song, “công lao” thực sự thuộc về đôi bạn trẻ ở Đà Nẵng.
Hàng tồn kho
Ở xã Đại An có nhiều người bị nhiễm chất độc da cam, đời sống khó khăn. Từng là Chủ tịch UBND xã Đại An trước năm 1975, nghỉ hưu, làm Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và người khuyết tật xã, ông Nguyễn Thế Sáu nghĩ đến việc phải cho hội viên “cần câu” chứ không thể “xâu cá”.
Nguyễn Văn Thái trong một lần “ship” chổi. Ảnh: M.H |
Nghề làm chổi đót được ông chọn như một phương án tối ưu bởi điều kiện sẵn có, đặc biệt là mặt bằng được UBND xã tạo thuận lợi tối đa. Qua 5 năm, cơ sở duy trì khoảng 15 người làm việc. Người thiếu chân, bị liệt một bên, người mất tay, có người còn lành lặn nhưng cứng cơ, trí tuệ chậm phát triển. Người khỏe (số này không nhiều) vô ván, khoan lỗ, may đường con rết trên chổi; người yếu hơn thì phơi, lựa, chuốt đót.
Đã có nhiều tổ chức từ thiện giúp cơ sở tiêu thụ sản phẩm nhưng hai lần xảy ra Covid-19 trong tháng 3 và tháng 8-2020, mọi hoạt động xã hội ngưng trệ, cơ sở chổi đót cũng lao đao theo. Chổi sản xuất ra không tiêu thụ được, tồn đọng hàng ngàn chiếc chổi trong kho.
Không có tiền để bù đắp cho người lao động, ông Sáu nhắn tin bày tỏ lo lắng với cô Trần Thị Lệ, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Du (Đà Nẵng). Đây là trường từng mua hàng trăm chiếc chổi của cơ sở Đại An.
Chị Nguyễn Minh Hằng (SN 1996) - con gái cô Lệ, du học sinh từ Canada trở về - biết chuyện nên xin giúp mẹ và bác Sáu. Hằng đăng thông tin và hình ảnh về chổi Đại An trên trang facebook của mình. Rất nhiều phản hồi từ bài viết này. Số lượng người đăng ký mua chổi tăng nhanh chóng. Lúc này, Hằng có được sự hỗ trợ khá hiệu quả của anh Nguyễn Văn Thái (SN 1988, ở phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu).
“Shiper” không phí
Kể lại hành trình chở chổi giao cho khách, anh Thái vẫn không nghĩ vì sao đợt ấy mình liều thế. Thái kể: “Khi Hằng đăng thông tin trên facebook, rất nhiều người muốn mua chổi để ủng hộ nạn nhân chất độc da cam nhưng yêu cầu phải giao hàng tận nhà. Giữa tháng 8, đợt cao điểm Covid-19, việc vận chuyển chổi từ Quảng Nam đã khó, nếu đưa chổi đến từng nhà thì càng gian nan hơn. Có kinh nghiệm trong nghề giao ớt bột cho các đại lý trước đây nên tôi nhận giao chổi miễn phí, mong góp một tay giúp các mảnh đời bất hạnh”.
Thái đã liên lạc chặt chẽ với ông Nguyễn Thế Sáu, tìm xe chở hàng thực phẩm từ tỉnh Quảng Nam ra (được cấp phép lưu thông) để kết hợp chở chổi ra Đà Nẵng.
Từ một điểm tập kết chổi trên địa bàn quận Hải Châu, Thái bắt đầu ship khoảng trên 100 chiếc chổi mỗi lần, bó gọn lại vào bao và cột chặt sau yên xe máy. Thái thường chuyển chổi đến các nơi đặt hàng lớn trước (trường học), số còn lại là các hộ gia đình. Không chỉ trang bị kỹ áo bảo hộ, khẩu trang, Thái còn mang theo chai sát khuẩn tay thuận tiện khi giao chổi và nhận tiền. Có ngày Thái vừa chở chổi đến quận Ngũ Hành Sơn, lại cấp tốc lấy chổi đi giao ở quận Sơn Trà. Nắng nóng, hàng kềnh càng, nhưng nghĩ đến niềm vui bán được nhiều chổi, anh lại tiếp tục rong ruổi. Nhiều khi còn vài chục cây chổi chưa thể giao hết, anh nhờ mẹ mình bán giúp ở nhà.
Hơn chục ngày trôi qua như thế. Với sự kết nối của chị Hằng và anh Thái, các đơn đặt hàng cứ dày lên. Nhiều nhà hảo tâm ở xa đăng ký chuyển tiền mua ủng hộ hàng trăm chiếc dù không lấy chổi, để các bạn tiếp tục bán quay vòng. Chỉ trong hai tuần, hơn 1.400 cây chổi được tiêu thụ, bằng số lượng tiêu thụ trong cả năm 2019. Hiện nay, cơ sở Đại An tiếp tục sản xuất, hướng đến những đơn đặt hàng cố định có số lượng lớn, đồng thời tiếp tục bán nhỏ lẻ từ các địa chỉ đã được đăng ký.
Ông Nguyễn Thế Sáu cho rằng, cùng với nhóm Hướng Thiện (Đà Nẵng) vẫn đồng hành với cơ sở Đại An nhiều năm nay, sự giúp đỡ của gia đình cô giáo Trần Thị Lệ và chàng trai Nguyễn Văn Thái thật sự quý giá và đáng trân trọng.
HỒNG VÂN