Thời gian qua, lực lượng Công an, cán bộ tổ dân phố (TDP) tại các địa phương đồng hành chặt chẽ trong công tác quản lý cư trú, đặc biệt quản lý người nước ngoài đến lưu trú trên địa bàn. Cùng với đó, việc tuyên truyền, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm giúp nâng cao ý thức của người dân trong phòng, chống tội phạm, bảo vệ tài sản, sức khỏe cũng như góp phần gìn giữ an ninh trật tự tại các khu dân cư.
Tăng cường bám sát địa bàn
Công an phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà) trong quá trình tuần tra, quản lý địa bàn phát hiện một khách sạn dùng chứng minh nhân dân người Việt để che giấu 2 khách Trung Quốc lưu trú bất hợp pháp hồi đầu tháng 12-2020 khiến những cán bộ TDP như bà Nguyễn Thị Tuyết Lê lo lắng. TDP 48 phường Phước Mỹ - nơi bà Lê làm tổ trưởng tập trung nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú. Do vậy, làm thế nào để quản lý tốt việc khai báo lưu trú, tạm trú, tạm vắng, giữ vững mô hình “TDP không có tội phạm và tệ nạn xã hội” là điều mà bà Tuyết Lê cũng như các thành viên Ban Công tác Mặt trận Mỹ Tân 3, Chi bộ Mỹ Tân 3 quan tâm.
Công an phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà) kiểm tra hoạt động lưu trú của khách trên địa bàn phường trong những tháng cuối năm 2020. (Ảnh do Công an phường An Hải Bắc cung cấp) |
Có thể nói, công tác điều tra dân số và nhà ở từ năm 2019 giúp TDP 48 có thêm dữ liệu quản lý tốt dân cư trên địa bàn. Nhờ các ứng dụng công nghệ thông tin, bà Lê thường xuyên cập nhật những thay đổi về trình tự, thủ tục, quy định trong công tác quản lý cư trú, từ đó hướng dẫn người dân cách khai báo, kinh doanh đúng luật. “Việc quản lý cư trú trên địa bàn thời gian qua diễn ra khá thuận lợi do đa phần người dân nghiêm túc khai báo lưu trú, tạm trú, tạm vắng với cảnh sát khu vực, tổ trưởng TDP. Tuy nhiên, tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp nên rất dễ xảy ra việc các cơ sở trốn tránh khai báo, đây là điều khiến chúng tôi lo lắng nhất”, bà Tuyết Lê chia sẻ.
Bà Đoàn Thị Thuận (tổ 48, phường Phước Mỹ) có 3 phòng trọ cho thuê. Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng Covid-19 nên việc kinh doanh không thuận lợi. Tuy nhiên, bà vẫn giữ mối liên lạc thường xuyên với lực lượng cảnh sát khu vực, Tổ trưởng TDP, cung cấp đầy đủ thông tin lưu trú khi có khách đến ở. Theo bà Thuận, việc nắm rõ thông tin khách đến thuê trọ vừa bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, vừa giúp việc kinh doanh của gia đình an toàn và thuận lợi hơn.
Thiếu tá Hoàng Phan Nông Hòa, Trưởng Công an phường Phước Mỹ cho biết, thời gian qua, đơn vị tăng cường công tác quản lý địa bàn, quản lý người nước ngoài đến lưu trú, tránh sót lọt trường hợp người nước ngoài nhập cảnh trái phép. “Địa bàn phường tập trung rất nhiều khách sạn, căn hộ cao cấp cho thuê nên dễ nảy sinh các vấn đề phức tạp. Việc quản lý tốt địa bàn dân cư hỗ trợ rất nhiều cho công tác phòng dịch cũng như trấn áp tội phạm, đặc biệt tội phạm ma túy, mại dâm. Hiện chúng tôi yêu cầu toàn lực lượng bám sát địa bàn, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định cư trú, không khai báo khi có người nước ngoài đến ở tại địa phương”, Thiếu tá Hoàng Phan Nông Hòa cho hay.
Quận Sơn Trà là địa bàn có nhiều người nước ngoài đến lưu trú hoặc tạm trú thời gian dài. Từ đầu năm đến nay, Công an quận yêu cầu Công an các phường tập trung rà soát, thống kê, lập danh sách những cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, nhà cho thuê, nhà trọ, thực hiện chế độ thông tin báo cáo thường xuyên để chủ động phòng ngừa các hành vi nhập cảnh trái phép hoặc phát sinh tệ nạn xã hội. Thượng tá Phan Minh Mẫn, Trưởng Công an quận Sơn Trà cho biết, ngoài việc tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, rà soát, quản lý người nước ngoài đến lưu trú trên địa bàn, lực lượng Công an đang cử một số cán bộ tham gia các lớp học ngoại ngữ để phục vụ việc trao đổi thông tin, tuyên truyền cho khách nước ngoài hiểu về các quy định, chính sách của Việt Nam trong hoạt động lưu trú.
Nghiêm túc chấp hành Luật Cư trú
Trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn hiện có hơn 2.500 người nước ngoài đăng ký tạm trú trong các khách sạn, căn hộ cho thuê. Trước tình hình dịch bệnh, UBND quận Ngũ Hành Sơn mới đây đã triển khai quy chế phối hợp quản lý người nước ngoài sinh sống và làm việc trên địa bàn; trong đó tập trung vào các vấn đề quản lý Nhà nước như thủ tục nhập cảnh, cư trú, các hoạt động liên quan đến yếu tố nước ngoài, đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến người nước ngoài.
Ông Nguyễn Hòa, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết, UBND quận vừa giao cho Công an quận, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội rà soát, cập nhập thông tin mới nhất về tình hình đăng ký tạm trú của người nước ngoài sinh sống và làm việc trên địa bàn cũng như việc lưu trú đối với khách du lịch là người nước ngoài. Điều này tạo sự đồng thuận, phối hợp chặt chẽ giữa chủ cơ sở kinh doanh lưu trú với lực lượng chức năng. Theo ông Hòa, do ảnh hưởng dịch bệnh nên số lượng người nước ngoài lưu trú, tạm trú trên địa bàn thời gian qua có giảm, đây là cơ hội tốt để địa phương cập nhập số liệu, thông tin mới nhất.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, chủ một khách sạn nhỏ tại khu phố An Thượng (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) cho hay, theo quy định hiện nay, việc lưu trú và thông báo lưu trú khá đơn giản, được cơ sở thực hiện trực tiếp hoặc qua điện thoại, email đến lực lượng Công an phường. “Thông thường khi nhận khách, chúng tôi đều yêu cầu cung cấp giấy chứng minh nhân dân và thông báo lưu trú đến cảnh sát khu vực trước 23 giờ; đối với trường hợp người đến thuê sau 23 giờ sẽ thực hiện thông báo lưu trú vào sáng hôm sau. Hiện nay, việc khai báo lưu trú, tạm trú cũng có thể thực hiện qua trang thông tin điện tử, giúp rút ngắn thời gian và dễ dàng sao lưu lại thông tin mình đã trình báo”, bà Hạnh chia sẻ.
Luật Cư trú 2020 vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10, trong đó điểm mới nhất là thay đổi phương thức quản lý cư trú từ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sang quản lý điện tử, công nghệ số, hình thành nên cơ sở dữ liệu quốc gia. Luật sư Đỗ Thành Nhân (Văn phòng Luật sư Đỗ Thành Nhân) cho biết, Luật Cư trú 2020 khi được áp dụng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương triển khai công tác kiểm tra, giám sát việc lưu trú, tạm trú, tạm vắng trên địa bàn. Còn theo Thiếu tá Đoàn Hoàng Linh, Trưởng Công an phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà), ngoài việc phối hợp chặt chẽ với lực lượng nòng cốt cơ sở xử lý kịp thời tin báo tố giác tội phạm, kêu gọi người dân thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, chấp hành Luật Cư trú, Công an phường yêu cầu lực lượng cảnh sát khu vực nắm chắc địa bàn, chịu trách nhiệm trước lãnh đạo đơn vị nếu để xảy ra các vấn đề vi phạm về cư trú gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị tại địa bàn mình quản lý.
Điểm mới nhất của Luật Cư trú năm 2020 vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10 là thay đổi phương thức quản lý cư trú từ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sang quản lý điện tử, công nghệ số, hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia. Theo luật sư Đỗ Thành Nhân (Văn phòng Luật sư Đỗ Thành Nhân), việc triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (thông qua mã định danh kỹ thuật số - PV) giúp việc di chuyển tạm trú, tạm vắng của người dân được quản lý tốt hơn. Đồng thời, các thủ tục hành chính cũng được rút ngắn khi loại bỏ một số nội dung như tách sổ hộ khẩu, thay đổi thông tin cư trú, điều chỉnh thông tin trong sổ hộ khẩu. Người dân cũng yên tâm bởi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú được cấp trước đây sẽ có giá trị đến hết ngày 31-12-2022 trước khi chuyển hoàn toàn qua kênh thông tin điện tử. |
HUỲNH LÊ