Bạn thế nào nếu có một đứa con khuyết tật?
Câu hỏi này thật khó trả lời vì tùy từng biểu hiện khuyết tật khác nhau thì thái độ của cha mẹ cũng khác nhau. Đó là điều chúng tôi chiêm nghiệm được, khi mình là cha mẹ của một đứa trẻ khuyết tật. Bởi có người giấu giếm, có người xuề xòa bỏ qua không muốn nhắc đến với người không thân, có người xem đó là điều bình thường, vì mỗi đứa con suy cho cùng đều là món quà của tạo hóa.
Nhưng để bình tĩnh vượt qua điều đó không hề dễ dàng, dù trước đó, khi sàng lọc sơ sinh, bác sĩ thông báo “con anh chị có vấn đề abc” thì điều đầu tiên là tin tưởng vào y học hiện đại có thể chữa các khiếm khuyết; hoặc khi con được vài tuổi, phát hiện ra con có “vấn đề” về sức khỏe thì chạy đôn chạy đáo chữa bệnh cho con, hy vọng một phép màu.
Vậy mà, dù bình tĩnh, dù tin vào phép màu, dù đồng hành với con để chữa bệnh, để học, chúng tôi đều từng nếm trải hàng chục lần cảm thấy trái tim mình bị bóp nghẹt vì tổn thương bởi ánh mắt, hay một câu nói vô tình của người đối diện. Chồng tôi đã từng rất sốc và mất ngủ nhiều đêm vì có lần chúng tôi đưa con đi ăn cùng bạn bè, một bà đáng tuổi bà ngoại nhìn con chằm chằm, như kiểu trên đời bà chưa hề gặp một con người nào như thế, và không hề rời đi khi thấy chúng tôi để ý đến thái độ của bà. Hay có lần ở trong quán ăn sáng, một anh trạc tuổi tôi tiến đến sát bàn, nhìn con tôi và hỏi dồn dập mà hình như không cần câu trả lời, mắt không rời khỏi cháu dù ánh mắt ấy đầy sự thông cảm và ít thái độ tò mò.
Chúng tôi học cách bỏ qua. Và bình tĩnh đối diện với sự thật, thật từ tốn. Tôi luôn cảm ơn một cô em gái đã nói hồi con mình còn bé xíu “ba mẹ tự tin thì con mới tự tin”. Chúng tôi học cách tự tin. Chúng tôi dạy con cách biểu hiện ý muốn, thái độ. Chúng tôi xem những khiếm khuyết về nghe nói, về hình thể, về một chút “kỳ quặc” trong hành động của con là một điều bình thường như bao người bình thường khác.
Tôi đã trả lời câu hỏi này hàng ngàn lần: “Dạ, cháu đi học ở trường chuyên biệt”, hoặc “Cháu nghe được, nhưng nói không rõ”. Hình như ai cũng mặc định rằng khuyết tật thì không thể đến trường, không thể sống hay làm việc bình thường như bao người khác. Tôi biết bạn bè của con ở trường có nhiều bé học rất giỏi, vẽ rất đẹp, và sống rất tình cảm như đứng chờ bạn ở cổng trường mỗi lần đến lớp, chúng ôm cô giáo như ôm một bà mẹ, cầm mũ nón cho nhau, đi tìm bạn giúp ba mẹ giờ tan trường… Ở giữa chúng bạn của con, tôi học được sự sẻ chia, học cách yêu thương và hiểu từng cuộc đời không có gì là cá biệt. Mọi người khuyết tật đều được tạo hóa bù đắp bằng những kỹ năng nào đó, bằng những thấu cảm, bằng sự chậm rãi, từ tốn để nhìn nhận, bằng sự trong sáng và chân thành trong ngôn từ mà không cần làm màu hay tạo dựng hình ảnh bản thân trước ai đó.
Một người khuyết tật về hình thể, một người mắc hội chứng tự kỷ tuy khó khăn trong cuộc sống, trong giao tiếp nhưng không đồng nghĩa với bất hạnh. Hơn 10 năm sống cùng một đứa trẻ đặc biệt, tôi thầm cảm ơn những nhọc nhằn khiến tôi nhận ra vẻ đẹp trong trái tim trong sáng, thơ ngây của con mình, cũng như dễ dàng gần gũi những ai có vẻ khác thường. Chấp nhận sự khác biệt của người khác, không phải là tư duy của riêng người phương Tây nữa, mà đó chính là đồng cảm, là sự thấu hiểu, là tôn trọng điểm khác biệt cá nhân, đừng bao giờ đồng nhất ai với ai và sợ hãi tiếng nói khác với mình. Để hiểu được điều đó, đôi khi bạn phải sống nhiều hơn, yêu thương bằng trái tim nhiều hơn.
Người khuyết tật hình thể, thần kinh khó có thể đi học, tự lập, khó giao tiếp như người thường, kém tập trung, hành vi lập dị, luôn để đồ vật một chỗ và sinh hoạt theo công thức của họ. Số lượng người khuyết tật nói chung và người tự kỷ vẫn không hề giảm đi trên toàn cầu, dù y học có tiến bộ đến đâu. Việt Nam được ước đoán có khoảng 500.000 người tự kỷ và hơn 6 triệu người khuyết tật; khoảng 12 triệu gia đình đang chật vật đối mặt với những khó khăn của tình trạng người thân khuyết tật hay hội chứng của tự kỷ.
Trong số những khuyết tật được gọi tên, hội chứng “tự kỷ” không được định nghĩa và không có trong Luật Người khuyết tật, chưa có thống kê nào của Bộ Y tế về số người tự kỷ. Học sinh khuyết tật gặp khó khăn khi học hòa nhập cộng đồng, nhiều trường học từ chối nhận trẻ tự kỷ với nhiều lý do khác nhau, và nhiều em không thể học lên cao khi chương trình học chưa có ở cấp THPT, chương trình đào tạo nghề còn là một bức tranh mù mịt.
Nhiều người khuyết tật tại Việt Nam đang cần chúng ta thấu hiểu và tôn trọng. Chấp nhận sự khác biệt ở người khác, là bạn đã biết đến sự cảm thông, đó chính là chìa khóa để bạn hiểu về người khác. Và sự thấu cảm của bạn, có thể là cơ hội để nhiều người khuyết tật có một cuộc sống an toàn và trưởng thành.
HOÀNG NHUNG