Trong cuộc sống, chúng ta thấy sự phong phú, đa dạng của tiếng Việt Nam, thể hiện ở mỗi vùng, miền, trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội và cả trên các phương tiện thông tin đại chúng. Người ta thường nói vui rằng, “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”.
Minh họa:HOÀNG ĐẶNG |
Sự đa dạng đó nhiều khi không tuân thủ một quy tắc nào về ngữ pháp, chính tả. Nó có thể là từ nói lái, ví von, ẩn dụ từ nghiêm túc đến bình dân, từ dân dã đến bác học. Mọi nơi, mọi lúc, người ta đều có thể nghe và thấy đủ loại từ ngữ, trong đó có những từ lúc đầu nghe lạ tai, thậm chí khó chịu, dần dà nghe mãi hóa quen và áp dụng nó vào cuộc sống đời thường. Xin nêu ra ở đây sự phong phú, đa dạng và nhiều khi rối rắm đó để mọi người cùng suy ngẫm.
Chúng ta thường nghe nói nhiều đến từ hoành tráng. Có thể hiểu hoành tráng là có quy mô lớn, chẳng hạn quy mô của một sự kiện, một màn trình diễn nghệ thuật/ thể thao… Nhưng bây giờ người ta dùng từ này cả trong nhiều lĩnh vực khác, như đám cưới tổ được chức linh đình cũng gọi là… hoành tráng. Cả chuyện nhậu cũng có thể nói rằng, “cuộc nhậu này hoành tráng ghê”, hay chuyện ăn mặc: “Cậu diện bộ cánh này trông hoành tráng lắm”,…
Với từ vô tư, thay vì được dùng làm tính từ chỉ thái độ của con người, người ta lại linh động dùng vào ý nghĩa khác, đôi khi trở nên hơi tùy tiện. Nào là “cứ vô tư đi” hay “uống vô tư” (trong bàn nhậu), chơi vô tư…
Một từ cũng thường được được nghe trong vài năm trở lại đây là hoàn cảnh. Thông thường, nếu sử dụng một cách chính thống, từ này chỉ toàn thể những hiện tượng liên quan với nhau ở một nơi và có tác động thường xuyên đến mọi sinh hoạt của nơi đó. Nhưng giờ đây, mỗi khi nghe nhắc đến từ này, người ta còn liên tưởng đến sự khó khăn, vất vả, thiếu thốn. Chẳng hạn: “Mình dạo này hoàn cảnh lắm”, “Trông vậy chứ đang hoàn cảnh đây”…
Ngoài ra, thỉnh thoảng vô tư và hoàn cảnh còn được gắn với một từ cũng khá phổ biến là “hơi bị”, chẳng hạn như “hơi bị vô tư”, “hơi bị hoàn cảnh”. Nghe nó vừa bình dân, vừa lạ tai, dùng mãi rồi thành thói quen và những cụm từ như vậy bỗng đi vào đời sống.
Từ y án thường được dùng để nói về quyết định của tòa án cấp trên bác kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án hoặc quyết định của tòa án cấp dưới. Ấy thế mà trong công việc thường ngày, đôi khi người ta cũng “hình sự hóa” bằng cách dùng từ này để chỉ sự đồng ý, chấp thuận. Chẳng hạn, thống nhất một kế hoạch, một phương án gì, hay một giao ước nào đó, người ta nói “cứ y án như vậy nhé”.
Trường hợp khác là những từ có nguồn gốc dân dã nhưng lại được áp dụng vào công việc nghiêm túc. Ví dụ, từ chủ xị chỉ người giữ vai trò chính trong một bữa nhậu có đông người. Nhưng bây giờ, trong các cuộc họp, người ta dùng từ này để chỉ người hoặc đơn vị chủ trì một nội dung hoặc chủ đầu tư một dự án, phương án nào đó. Chẳng hạn: “Vấn đề này do Sở A (hoặc anh B) làm chủ xị, v.v…
Để chỉ sự phong phú trong việc sử dụng ngôn từ, có lẽ không có nơi nào đa dạng như trong các bàn nhậu. Xin nêu một số dẫn chứng vui vui dễ bắt gặp: Nâng ly, uống hết mình là uống “sơn trạch” (tức là sạch trơn). Uống tới Mộ Đức (một huyện thuộc tỉnh Quảng Ngãi) là uống chừng chừng, có “mức độ”. Uống cạn ly là tới “uống tới Bắc Cạn”, …
Bên cạnh đó, còn nhiều cụm từ “vô thưởng vô phạt” (nhưng lại có ý nghĩa ở một góc độ nào đó) được người ta áp dụng, đặc biệt là trong giới trẻ hoặc trong các cuộc nhậu. Một số từ ngữ tuy xuất hiện từ một vài năm nay nhưng tần số sử dụng tăng vọt, chẳng hạn chảnh (tự phụ, kênh kiệu, kiêu căng…); sửu nhi (trẻ trâu, từ Hán - Việt, chỉ người có tính cách trẻ con, thiếu chín chắn, thích thể hiện ra vẻ người lớn); ném đá (sự phản đối gay gắt một người/một vấn đề/một hành động nào đó)…
Cùng với quá trình hội nhập thế giới, sự giao thoa văn hóa xã hội cũng cần ngôn ngữ phải có những thay đổi để đáp ứng các nhu cầu giao tiếp mới. Nhưng bạn cũng đừng quên việc cần phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, như Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam từng nói: “Giữ gìn sự trong sáng đi đôi với phát triển, làm mới tiếng Việt. Tuy nhiên, sự tiếp thu phải có chọn lọc và không đánh mất bản sắc”.
DÂN HÙNG