Nỗi day dứt về phận người

.

Nhà thơ Dư Thị Hoàn có bài thơ Đi lễ chùa được nhiều người yêu thích. Bài thơ là tấm lòng chân thiện của năm người phụ nữ ngồi cùng một xe, trên con đường hành hương về cõi Phật.
          
Đi lễ chùa là bài thơ ẩn chứa về thân phận người phụ nữ nói riêng và phận người nói chung. Đi chùa, lễ chùa là sinh hoạt tinh thần của người Việt. Xuất phát từ tâm niệm tin yêu, người ta đến chùa để cầu phúc, cầu lộc, cầu bình an cho gia đạo. Đây là nét đẹp trong tâm thức người phương Đông, mong tìm kiếm sự thanh thản cho tâm hồn thông qua con đường viếng chùa, lễ Phật.

Bài thơ là câu chuyện kể về 5 người phụ nữ, gói gọn trong 88 từ. Mỗi người một số phận. Mỗi người một hoàn cảnh. Mỗi người một nỗi niềm. Mỗi người một tâm sự. Không ai giống ai, song họ có mẫu số chung: nỗi đau trước cuộc đời. Yếu tố tự sự làm bài thơ như cuộc đối thoại ngoài đời, có thể hình dung cuộc đời mỗi nhân vật hiện ra trong mỗi câu thơ. Câu thơ có độ dài, ngắn khác nhau, tùy thuộc vào mỗi tâm trạng.

Người thứ nhất thở dài:

- Tội nghiệp nhất người đàn bà không chồng!

Một tiếng thở dài, não nuột, nghe như ai oán về số phận. Thời nào cũng vậy, khi người con gái trưởng thành, mẹ cha, họ tộc đều mong con cháu mình yên bề gia thất. Có chồng để thực hiện thiên chức làm mẹ, làm vợ, có cuộc sống lứa đôi hạnh phúc. Ca dao có câu: Gái không chồng như nhà không nóc/ Trai không vợ như cọc long chân, hay Chòng chành như nón không quai/ Như thuyền không như ai không chồng. Người xưa thường nói, trai, gái lớn lên phải có vợ, có chồng. Không chồng, không con, về già nương tựa vào đâu! Khi trái gió, trở trời, khi thất bại trên đường đời, biết dựa vào ai chia sẻ ấm lạnh. Cho nên, Tội nghiệp nhất người đàn bà không chồng!

Người thứ hai chép miệng:

- Vô phúc nhất người đàn bà không con!

Hạnh phúc của một người phụ nữ đi liền với hạnh phúc gia đình, chồng con. Không chồng đáng thương một, không con đáng thương mười. Niềm vui lớn lao nhất của một phụ nữ có chồng là được làm mẹ. Làm mẹ là tình cảm thiêng liêng. Đứa con là nguồn sống, nguồn hy vọng lớn lao nhất của người mẹ. Dân gian vẫn nói, Có chồng mà chẳng có con/ Khác gì hoa nở trên non một mình. Có vàng, vàng chẳng hay phô/ Có con ăn nói trầm trồ mẹ nghe. Vì thế, Vô phúc nhất người đàn bà không con!

Người thứ ba cười buông:

- Bất hạnh nhất người đàn bà không khóc nổi trước mặt chồng.

Đằng sau câu chữ, hiện lên nỗi đau thắt quặn, lặng thầm những giọt nước mắt thương cảm về nỗi khổ của người đàn bà không khóc nổi trước mặt chồng, dẫu buồn hay vui. Vì sao vậy? Vì nhiều lẽ. Khóc đã nhiều, không còn nước mắt nữa. Hoặc chỉ có thể khóc thầm hay khóc trước người thân, không thể khóc nổi trước mặt người chồng. Một người chồng bội bạc, vô tâm, vắng bóng sự sẻ chia, đồng cảm. Không là bờ vai để nương tựa. Cho nên, chỉ biết “cười buông” trong xót xa, cay đắng, bất hạnh và ngậm ngùi. Người đàn bà này có chồng mà cũng như không. Lẻ loi và cô đơn.
Đến người đàn bà thứ tư, nhà thơ cố ghìm cảm xúc:

Người thứ tư điềm đạm:

Tuyệt vọng nhất người đàn bà không cười được khi thấy con!

DƯ THỊ HOÀN

Đi lễ chùa

Năm người đàn bà cùng ngồi trên xe ngựa          
Tay khư khư ôm đầy vật tế lễ
Người thứ nhất thở dài:
- Tội nghiệp nhất người đàn bà không chồng!
Người thứ hai chép miệng:
- Vô phúc nhất người đàn bà không con!
Người thứ ba cười buông:
- Bất hạnh nhất người đàn bà không khóc nổi trước mặt chồng.             
Người thứ tư điềm đạm:
- Tuyệt vọng nhất người đàn bà không cười được khi thấy con!               
Người thứ năm:
- Mô Phật
Lão xà ích giật dây cương
Roi quất
Tung bụi đường.

Không cười được khi thấy con - câu thơ với 6 từ diễn tả nỗi bàng hoàng, rùng mình và tê lạnh của người mẹ không cười được khi nhìn thấy con. Có thể đấy là một hình hài không nguyên vẹn khi chào đời, cũng có thể đấy là những ứng xử vô tâm, bất hiếu của đứa con, khiến người mẹ thấy tuyệt vọng và đau đớn. Dẫu cảnh ngộ nào chăng nữa, với người mẹ, đó là một bất hạnh. Thái độ “không cười” nói lên nỗi đau chất ngất trong tâm hồn người đàn bà khốn khổ này. Ở đời, không gì đau đớn bằng thấy con mà không cười, không nói.

Từ trái tim yêu thương của người phụ nữ, qua quan sát và cảm nhận thực tiễn, Dư Thị Hoàn chỉ nói đến hai đối tượng: chồng và con. Người thứ nhất không chồng, người thứ hai không con, người thứ ba không khóc được trước chồng, người thứ tư không cười được khi thấy con. Đó là 4 bi kịch về tình yêu và hạnh phúc.

Sau khi nghe 4 người đàn bà kia bộc lộ sự Tội nghiệp, Vô phúc, Bất hạnh, Tuyệt vọng với tiếng thở dài, chép miệng, cười buông, điềm đạm nói, người đàn bà thứ năm chỉ biết cúi đầu: Mô Phật. Tiếng niệm Mô Phật, sự kết tinh của lục tự Nam mô A Di Đà Phật, là kính lễ, ước nguyện cứu ngã, giác ngộ, là xoa dịu nỗi đau của mình và những người chung quanh, là hướng thiện lành, thanh tịnh của thân tâm. Người đàn bà thứ năm đốn ngộ chân lý về cứu khổ cứu nạn của Phật pháp. Còn nói gì hơn, ngoài lời cầu niệm màu nhiệm ấy. Không bày tỏ trực tiếp ý kiến, không phản đối cũng không đồng tình, một thái độ trầm tĩnh đáng trọng. Đằng sau câu niệm Mô Phật, ta nhận ra một con người đã thấm thía mọi nỗi đau, đã chứng được “tu là cỗi phúc”, đã trút đi những vô phúc, bất hạnh, tuyệt vọng của trần gian để đi về cõi Phật.
Cũng nói thêm về lão xà ích, người đàn ông duy nhất của cuộc hành hương. Lão lắng nghe đầy đủ cuộc đối thoại, không nói gì, im lặng suốt chuyến đi. Sự im lặng ngỡ như đấy là sự thực. Nghĩ kỹ, không vậy. Chuyến xe là cuộc hồng trần, đi trong những nỗi niềm nhân thế. Trong lão cũng ngổn ngang bao tâm sự. Nghe xong câu chuyện:                       

Lão xà ích giật dây cương
Roi quất
Tung bụi đường.

Nhân vật thứ sáu này, xét về phía nhà Phật, là người chứng kiến, chia sẻ và thông cảm. Xong câu niệm Mô Phật, lão giật dây cương/ Roi quất/ Tung bụi đường và con đường hành thiền ngắn lại, nỗi đau vợi bớt, hơi ấm thiện hạnh lan tỏa... Chiếc xe ngựa đưa năm người đàn bà đi lễ chùa không như ban đầu. Ban đầu, chùa chưa tới, vật tế lễ còn khư khư trên tay, mới trên đường đến với Phật, tâm trạng bời bời, ngổn ngang. Bây giờ khác trước. Vì thế, câu niệm của người đàn bà thứ năm là thứ năng lượng, thứ ánh sáng xua đi nỗi khổ trần gian.

Bài thơ của Dư Thị Hoàn để lại một cảm giác khó tả, vừa mênh mang nỗi buồn trần thế, vừa thương cảm, day dứt khôn nguôi cho phận người… Đời và Đạo xuyên thấm nhau, ý nghĩa luân lý và triết luận đan lồng vào nhau, làm cho bài thơ có một đời sống riêng.

Lê Hữu Trác (1720-1791) nói: “Thơ cốt ở ý, ý có sâu xa, thơ mới hay. Phải làm cho người đọc suy nghĩ mới hiểu được thì mới hay. Không phải bất cứ điều gì cũng phải nói ra bằng lời”. Đi lễ chùa của Dư Thị Hoàn là bài thơ như thế, vừa có ý sâu xa, vừa mang lại nhiều nghĩ suy cho người đọc.

HUỲNH VĂN HOA

;
;
.
.
.
.
.