1. Trong lịch sử bốn ngàn năm giữ nước và dựng nước, đất nước ta đã xuất hiện nhiều phụ nữ anh hùng và tài hoa.
Họ có những đóng góp quan trọng, có thể sánh với nam giới, thậm chí còn hơn cả nam giới ở một vài lĩnh vực nào đó. Nhìn suốt chiều dài của lịch sử, ta nhận thấy hình ảnh người phụ nữ trong thế kỷ XX có nhiều bước tiến bộ khác trước rất nhiều, họ không còn phải quẩn quanh trong xó bếp với quan niệm “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” mà đã ý thức bước ra ngoài xã hội, cùng nam giới đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Trên tinh thần đó, nhà thơ Lê Minh Quốc đã viết cuốn sách Các vị nữ danh nhân Việt Nam (NXB Trẻ tái bản lần 3). Sách viết về 28 nữ danh nhân Việt Nam qua các thời kỳ: Hai Bà Trưng, Lê Chân, Bà Triệu, Ỷ Lan, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Bùi Thị Xuân, Từ Dũ, Bà huyện Thanh Quan, Sương Nguyệt Ánh, Đạm Phương, Năm Phỉ, Cô Giang, Nguyễn Thị Nhỏ, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Định, Thích nữ Huỳnh Liên, Nhất Chi Mai... Với lối viết dưới dạng kể chuyện dễ đọc, cuộc đời của các nữ nhân anh hùng được nhà thơ Lê Minh Quốc khắc họa rõ nét.
2. Phong trào Dân chủ Gwangju diễn ra ngày 18-5-1980 tại Hàn Quốc. Hơn 100.000 người (bao gồm sinh viên các trường đại học cùng thường dân ở thành phố Gwangju) đã xuống đường biểu tình đòi dân chủ từ tay Tổng thống độc tài Chun Doo Hwan, người đã lên nắm quyền thông qua đảo chính quân sự và kế tục chính sách độc tài của Park Chung Hee. Mặc dù cuộc biểu tình thất bại nhưng chính những sinh viên ngã xuống trong cuộc biểu tình ngày 18-5 là những người tiên phong đặt nền móng, biến Hàn Quốc - quốc gia độc tài quân sự trở thành quốc gia dân chủ và hùng mạnh về kinh tế như ngày hôm nay. Sự kiện này trở thành nguồn cảm hứng để tác giả Han Kang viết cuốn sách Bản chất của người (NXB Hà Nội). Đây là một trong những tiểu thuyết xuất sắc và giàu sức lay động nhất của Han Kang, được chính tác giả thừa nhận là “tác phẩm mà tôi không thể trốn tránh, không thể không viết, nếu không viết, không vượt qua, có lẽ tôi sẽ không thể đi tiếp đến bất cứ đâu”.
HẢI ÂU