Vào mỗi tối cuối tuần, câu ca, nhịp phách, tiếng đàn lại ngân vang tại các giáo phường, CLB ca trù. Nơi đây đã trở thành điểm hẹn quen thuộc của những người yêu di sản.
Ngày càng nhiều người trẻ tìm đến và gắn bó với ca trù. Ảnh: BÙI ANH TUẤN |
Niềm tin từ những nhân tố mới
Trong một lần đến nghe CLB ca trù Hà Nội tại đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc, Hà Nội), chúng tôi không rời mắt khỏi một bé gái tầm 7 tuổi đang say sưa trong làn điệu “Tự tình”. Cô bé với giọng hát trong trẻo, tay gõ phách, điềm đạm “nhả” từng câu hát vang, nảy, “tròn vành rõ chữ”. Đó là con của ca nương Kim Ngọc. Chị Ngọc kể, hằng tuần chị dẫn con gái theo để làm quen với ca trù. Chị không muốn ca trù mai một nên muốn gieo tình yêu ca trù cho thế hệ trẻ, trước hết là con mình.
Ca nương Đặng Thu Hường năm nay 21 tuổi, được đánh giá là một tài năng trẻ hát ca trù ở Hà Nội. Hường nhỏ nhắn, giọng hát cuốn hút, cách đánh phách không kém đàn anh, đàn chị. Mặc dù gia đình em không ai gắn bó với ca trù nhưng niềm đam mê nghệ thuật cùng sự hướng dẫn của cố nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc - một trong những đại thụ của ca trù đất Bắc - giúp em theo đuổi và gắn bó với loại hình nghệ thuật truyền thống này suốt 15 năm qua.
Hiện Thu Hường hát được nhiều thể cách. Sự say mê trong từng câu hát, từng nhịp phách, tiếng đàn đã gieo vào lòng người xem niềm tin về một tài năng trẻ tuổi. NSƯT Bạch Vân, Chủ nhiệm CLB ca trù Hà Nội chia sẻ: “Thu Hường có sức hút đặc biệt với khán giả. Ca nương trẻ này như thổi một làn gió mới nhưng vẫn giữ được những giá trị xưa của ca trù”.
Hằng tuần, Hường vượt quãng đường 20km để tới CLB. Những lúc diễn xong, Hường thường ở lại giao lưu cùng khán giả đến đêm muộn. Khó khăn, vất vả là thế nhưng chưa bao giờ Hường nghĩ sẽ rời bỏ ca trù. “Ca trù là truyền thống dân tộc, hát ca trù là cách thể hiện tình cảm và trách nhiệm của con cháu với thế hệ cha ông”, ca nương trẻ bộc bạch.
Cần những chiến lược dài hơi
Ghi nhận những nỗ lực của các CLB suốt 10 năm qua để ca trù từ một di sản có nguy cơ mai một, cần được bảo vệ khẩn cấp nay đã phát triển mạnh, GS.TS Tô Ngọc Thanh, nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam chia sẻ: “Tôi rất xúc động khi thấy sự lan tỏa mạnh mẽ của ca trù, từ chỗ chỉ có 23 nghệ nhân lúc ca trù mới được vinh danh, đến nay đã có hơn 300 người biểu diễn ca trù với 14 CLB trên địa bàn Thủ đô. Điều đó chứng tỏ sức sống và vị trí quan trọng của nghệ thuật ca trù trong xã hội. Gần đây có cả sự tham gia của các cháu 4-5 tuổi và rất nhiều bạn trẻ. Đây là bước tiến không nhỏ của môn nghệ thuật này”.
Tuy nhiên, theo GS.TS Tô Ngọc Thanh, cần quan tâm hơn đến chất lượng của đội ngũ thực hành ca trù. Hiện nay, chất lượng chuyên môn của các kép đàn, đặc biệt là các kép đàn trẻ đang ở mức báo động. Kép đàn yếu sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng biểu diễn của các ca nương. Từ hiện tượng này, GS.TS Tô Ngọc Thanh cho rằng, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cần thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao kỹ năng cho các kép đàn để tăng chất lượng cho nghệ thuật ca trù nói chung. Cùng quan điểm, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan (Hội Nhạc sĩ Việt Nam) cho rằng: “So với đào nương, kép đàn đang là vấn đề đáng báo động, vì đào nương phát triển rất nhanh nhưng số lượng kép đàn tăng rất chậm, trong khi kép đàn phải là người có trình độ, năng lực thực sự”.
Cũng theo nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, kép đàn thường là người dạy các đào nương hát bởi họ buộc phải nắm được các khổ đàn, tiết tấu, ngón đàn phải điêu luyện và đặc biệt là phải thuộc tất cả các bài hát, thể cách. Vì thế, đào tạo kép đàn chính là đào tạo “cái lõi” của nghệ thuật ca trù. Điều này đặt ra cho Hà Nội và các địa phương trên cả nước bài toán làm thế nào để đào tạo được lớp kép đàn có nghề thực thụ. “Cần ươm mầm tình yêu ca trù cho thế hệ trẻ một cách bài bản, từ đó tài năng chắc chắn xuất hiện. Phải trên cái nền ấy, nghệ thuật ca trù mới lan tỏa, đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc”, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan nhận định.
BÙI ANH TUẤN