Vì môi trường học đường hạnh phúc

.

Bắt nạt học đường trở thành nỗi ám ảnh với nhiều học sinh. Làm thế nào giúp các em vượt qua chuyện này, cách ứng phó và mức độ stress tâm lý của các em khi gặp phải? Nhóm 3 sinh viên Khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học (ĐH) Sư phạm - ĐH Đà Nẵng đã bắt tay nghiên cứu đề tài về tình trạng bắt nạt học đường của học sinh (HS) THCS trên địa bàn Đà Nẵng, từ đó đưa ra những giải pháp có tính nhân văn và ứng dụng thực tiễn cao.

Nhóm 3 sinh viên Khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng nhận giải Nhất cuộc thi Nghiên cứu khoa học cấp trường năm 2020. Ảnh: T.L
Nhóm 3 sinh viên Khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng nhận giải Nhất cuộc thi Nghiên cứu khoa học cấp trường năm 2020. Ảnh: T.L

Nhóm sinh viên gồm Lê Văn Hiền, Huỳnh Tấn Thành và Huỳnh Thị Hạ Uyển, cùng là sinh viên khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng, với sự hướng dẫn của TS. Hoàng Thế Hải - giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục.

Nói về ý tưởng của mình, Trưởng nhóm Lê Văn Hiền cho biết, bắt nạt học đường đang trở thành vấn nạn đáng báo động không chỉ ở Việt Nam mà còn ở rất nhiều nước trên thế giới. Trên toàn cầu, theo số liệu mới nhất từ Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF - 2018), cứ 3 HS trong độ tuổi 13-15 thì có hơn 1 em từng bị bắt nạt. HS thường không nhận thức đúng đắn về các tình huống và hành vi bị bắt nạt, không nhận thức đúng đắn về các rối loạn liên quan đến stress và tự thử nghiệm với đủ loại ứng phó một cách may rủi, vừa có lợi, vừa có hại khiến trạng thái stress dường như càng thêm phức tạp.

Trên thế giới đã có khá nhiều nghiên cứu về bắt nạt học đường, ứng phó với tình huống bị bắt nạt, stress tâm lý, cũng như mối quan hệ giữa chúng. Ở Việt Nam, vấn đề bắt nạt học đường cũng được quan tâm nghiên cứu trong những năm gần đây. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa bị bắt nạt học đường, cách ứng phó và mức độ stress tâm lý của HS THCS, nhất là ở Đà Nẵng, chưa được quan tâm nghiên cứu nhiều. Từ đó, đề tài “Mối quan hệ giữa bị bắt nạt học đường, cách ứng phó và mức độ stress tâm lý của HS THCS trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” của các bạn ra đời.

Cả nhóm trải qua hơn 7 tháng nghiên cứu, điều tra trên 420 HS THCS tại các trường ở Đà Nẵng và sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau, xử lý số liệu bằng thống kê toán học với các cách tiếp cận khoa học đa dạng để đưa ra kết quả chính xác cũng như đề xuất giải pháp thiết thực. Hiền cho biết, ngoài những khó khăn như kinh phí để khảo sát thực trạng, bố trí thời gian hợp lý để vừa nghiên cứu, vừa thực tập, bảo vệ đề tài theo chương trình chính khóa, việc tiếp cận khảo sát HS cũng là vấn đề khó khăn. Các em thường không muốn bày tỏ vấn đề mình bị bắt nạt. Để có kết quả, nhóm tiếp cận và chia sẻ một cách cởi mở nhất để tạo cho các em sự thoải mái. Đồng thời, với các em bị bắt nạt, nhóm tham vấn tâm lý cá nhân giúp các em mở ra hướng giải quyết vấn đề.

Đề tài hoàn thành đã có nhiều đóng góp hữu ích; về mặt thực tiễn, đánh giá được thực trạng bị bắt nạt học đường, vấn đề ứng phó với hành vi bắt nạt học đường, mức độ stress tâm lý của HS; chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng đến cách ứng phó khi bị bắt nạt của HS THCS tại Đà Nẵng; chỉ ra mối quan hệ giữa bị bắt nạt học đường, cách ứng phó và stress tâm lý của HS. Từ đó, nhóm đề xuất các biện pháp giúp HS ứng phó tích cực với bắt nạt học đường. Hiền cho biết: “Quá trình nghiên cứu, bước đầu nhóm đưa ra một số biện pháp phù hợp với lứa tuổi, như giúp các em nâng cao nhận thức về dấu hiệu, nguyên nhân dẫn đến tác hại của bắt nạt học đường; về tính hiệu quả của các cách ứng phó tích cực và tác hại của các cách ứng phó tiêu cực; hình thành và phát triển kỹ năng ứng phó cho HS THCS; cải thiện và phát triển mối quan hệ bạn bè, gia đình và nhà trường với HS; phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc phòng ngừa và ứng phó với bắt nạt học đường cho HS; tổ chức tham vấn tâm lý chuyên nghiệp giúp HS có cách ứng phó tích cực khi bị bắt nạt và phòng ngừa giảm thiểu các stress do bắt nạt học đường gây nên”. “Kết quả nghiên cứu đưa ra các giải pháp giúp nâng cao khả năng ứng phó với hành vi bắt nạt học đường, góp phần giảm thiểu những ảnh hưởng của bắt nạt trực tiếp đến vấn đề học tập, đời sống hằng ngày và sức khỏe tâm thần của HS, qua đó giảm thiểu cả những ảnh hưởng tiêu cực và gánh nặng cho xã hội”, Hiền chia sẻ thêm.

Với tính ứng dụng thực tiễn cao, đề tài đã được tham gia nhiều hội thảo từ cấp trường đến cấp bộ. Gần đây nhất, đề tài được trao giải Ba cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2020, do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức. “Đó là vinh dự, nhưng với nhóm, hạnh phúc nhất chính là mục tiêu mà đề tài của nhóm hướng tới: Vì hạnh phúc trong môi trường học đường”, Hiền trải lòng.

THIÊN LAM

;
;
.
.
.
.
.