Với lối viết nhẹ nhàng và dí dỏm, đơn giản nhưng không kém phần sâu sắc, nhà văn Eric - Emmanuel Schmitt đã mang đến cho người đọc bài học về lòng yêu thương và niềm tin vào cuộc sống thông qua tiểu thuyết Oscar và bà áo hồng (NXB Văn học và Công ty Nhã Nam).
Cuốn sách khoảng 100 trang, được trình bày dưới dạng 12 bức thư của cậu bé Oscar gửi Chúa. Oscar 10 tuổi và có biệt danh Sọ Trứng vì cậu mắc bệnh ung thư máu, sau nhiều lần trải qua hóa trị, tóc đã rụng hết. Ở cùng bệnh viện với cậu còn có rất nhiều bạn nhỏ cũng có những cái tên đặc biệt khác như anh chàng Yves - Thịt Rán (bị bỏng nặng), Einstein (cái đầu to ngoại cỡ) hay Bỏng Ngô (bị thừa cân).
Oscar tự nhận mình là một “vật cản y học”. Cậu buồn bã tâm sự với Chúa trong bức thư đầu tiên: “Bệnh viện sẽ là một nơi thật là đỉnh nếu ông là một bệnh nhân làm người khác vui. Thế mà cháu không làm cho người khác vui nữa từ sau khi ghép tủy. Cháu hiểu ra mình là một bệnh nhân tồi, một bệnh nhân ngăn người ta tin rằng y học là điều tuyệt diệu”. Tâm trạng của cậu bé càng tệ hơn sau khi lén nghe được nội dung cuộc trò chuyện giữa bác sĩ và bố mẹ cậu: Oscar chỉ còn khoảng vài tuần để sống. Điều làm cậu bé suy tư nhất không phải là quỹ thời gian hạn hẹp còn lại. Điều làm cậu suy sụp chính là thái độ của bác sĩ, bố mẹ và những người xung quanh dành cho cậu. Từ lâu, điều cậu nhận được chỉ là những ánh mắt buồn bã và những cái ôm nhuốm vẻ âu lo. Với cậu, cách cư xử như vậy là không công bằng. Theo lý của một đứa trẻ con lên 10, căn bệnh cũng chính là một phần của cơ thể cậu, của con người cậu. Vậy tại sao bố mẹ không thể đối đãi với cậu như bình thường? Nếu biết thời gian chẳng còn nhiều, sao họ không ở bên cậu nhiều hơn, sống những ngày có ý nghĩa hơn? Sao người thân phải liên tục giả vờ mạnh mẽ trước cậu, trốn tránh cậu khiến cậu cảm thấy khó hiểu và càng cô đơn? Những câu hỏi và nỗi dày vò cứ nối tiếp nhau xuất hiện.
May sao, cậu có sự đồng hành của bà Hoa Hồng - tình nguyện viên lớn tuổi làm việc trong bệnh viện, chuyên khoác áo màu hồng. Nhiệm vụ của bà Hoa Hồng là mỗi ngày gặp gỡ, trò chuyện với Oscar, giúp cậu xoa dịu nỗi đau trong những ngày chiến đấu với bệnh tật. Bà Hoa Hồng chỉ cho cậu cách tốt nhất để đối diện với sự thật: “Phải phân biệt hai loại đau khổ, Oscar bé bỏng của ta ạ, đau đớn thể xác và đau đớn tinh thần. Đau đớn thể xác ta phải chấp nhận. Đau đớn tinh thần, ta chọn lựa được”.
Bằng sự tận tụy và lòng yêu thương vô bờ bến dành cho con trẻ, bà Hoa Hồng không những chia sẻ, lắng nghe những câu chuyện vui buồn của Oscar mà còn truyền cho cậu bé niềm tin vào những điều tốt đẹp. Điều quý giá sau cùng mà Oscar nhận ra chính là: “Mỗi ngày, cháu nhìn thế giới như thể đó là lần đầu tiên. Cháu ngắm nhìn ánh sáng, màu sắc, cỏ cây, chim chóc, muông thú. Cháu cảm nhận làn hơi đi qua hai lỗ mũi, giúp cháu hít thở... Cháu thấy mình đang sống”.
Càng về sau, những bức thư dần ngắn hơn và càng lắng đọng. Thế nhưng, điều hay nhất nằm ở trang cuối cùng, khi chính bà Hoa Hồng thay Oscar biên nốt: “Cảm ơn đã cho con gặp Oscar. Nhờ cậu bé, con trở nên kỳ quặc, con chế ra các truyền thuyết. Nhờ cậu bé, con đã biết cười và biết đến niềm vui. Con tràn đầy tình yêu, nó thiêu đốt con, cháu đã trao cho con biết bao yêu thương để dành cho những năm tháng sau này”.
Với lối viết nhẹ nhàng và hài hước, cuốn sách như một viên thuốc được bào chế dành riêng cho những em bé hảo ngọt. Viên thuốc đó có vị ấm nồng và mùi hương thơm dịu. Thế nhưng, khi được nhìn ngắm và thưởng thức bởi người lớn, những người đã ít nhiều nếm trải được sự trĩu nặng từ những được - mất, dài lâu và hữu hạn, những viên thuốc ấy cũng có những vị đắng gây thổn thức và xót xa, đến mức rơi lệ.
Oscar và bà áo hồng là tác phẩm viết cho thiếu nhi, nhưng không chỉ dành cho thiếu nhi. Cuốn sách phù hợp để đọc trong dịp Giáng sinh, để mọi thành viên trong mỗi gia đình hâm nóng lại tình cảm và sự trân trọng dành cho nhau. Chúng ta sẽ biết đến niềm vui khi yêu thương và được yêu thương thật trọn vẹn. |