"Chìa khóa" thành công của doanh nghiệp

.

Cùng với vốn, cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật... thì nguồn nhân lực là nguồn vốn quan trọng nhất đối với doanh nghiệp, con người được xem là nhân tốt quyết định mọi hoạt động. Để bảo đảm sức khỏe cho người lao động (NLĐ) khi tham gia sản xuất, kinh doanh, hằng năm các doanh nghiệp (DN) đều tổ chức khám sức khỏe định kỳ (KSKĐK). Đây cũng được xem là chìa khóa thành công của DN trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực - chỉ tiêu quyết định đối với sự thành công của doanh nghiệp.

Người lao động của Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng được kiểm tra sức khỏe tại phòng y tế của công ty. Ảnh: MAI HIỀN
Người lao động của Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng được kiểm tra sức khỏe tại phòng y tế của công ty. Ảnh: MAI HIỀN

1. Hằng năm, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng) tổ chức 2 đợt KSKĐK cho cán bộ, công nhân viên (CBCNV). Đợt 1 khám sức khỏe cho tất cả CBCNV trong công ty. Đợt 2 khám sức khỏe cho các CBCNV làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại (công nhân quản lý vận hành đội lưới điện cao thế, đội hotline, công nhân quản lý vận hành các đường dây và trạm biến áp các Điện lực, công nhân xây lắp và sữa chữa lưới điện của Xí nghiệp Điện cơ, nhân viên thí nghiệm điện) và CBCNV nữ.

Công ty tổ chức KSKĐK 6 hạng mục theo quy định của Bộ Y tế tại Thông tư số 14/2013/TT-BYT: khám tổng quát, xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm đường máu, xét nghiệm nước tiểu, chụp XQ phổi, siêu âm bụng. Ngoài ra, công ty tổ chức khám thêm 10 hạng mục chung (đo điện tim, siêu âm tim, xét nghiệm mỡ máu, xét nghiệm chức năng gan, xét nghiệm chức năng thận, xét nghiệm axit uric, tầm soát ung thư phổi, tầm soát ung thư gan, tầm soát ung thư đại tràng, tầm soát ung thư dạ dày); tầm soát ung thư tiền liệt tuyến đối với nam; tầm soát ung thư vú, ung thư cổ tử cung, soi cổ tử cung, siêu âm vú, siêu âm phụ khoa đối với nữ và xét nghiệm nhóm máu đối với những nhân viên mới vào công ty.

Thông qua KSKĐK, nhiều CBCNV tại PC Đà Nẵng đã phát hiện bệnh tật, kịp thời điều trị. Như trường hợp anh N.H.Đ, nhân viên Phòng Kiểm tra giám sát mua bán điện từng phát hiện hẹp van hai lá, suy tim cấp độ 3 trong lần KSKĐK năm 2000. Tiếp đó, trong lần KSKĐK năm 2016, anh Đ. phát hiện huyết khối lớn trong nhĩ trái và có chỉ định thay van tim hai lá. Anh Đ. chia sẻ: “Nhờ KSKĐK, tôi biết tình trạng sức khỏe của bản thân và đã hai lần thực hiện phẫu thuật can thiệp xử lý hẹp van tim hai lá. Đến nay, tôi vẫn luôn nhận được sự quan tâm, thăm hỏi của lãnh đạo công ty, Công đoàn, CBCNV trong đơn vị. Nhiều đồng nghiệp khác cũng được phát hiện sớm và điều trị kịp thời qua các đợt thăm khám sức khỏe. Nhận được sự quan tâm chăm lo sức khỏe của công ty là niềm vui, động lực giúp tôi yên tâm công tác và hoàn thành tốt công việc”.

Tại Công ty TNHH Pi Vina Đà Nẵng (Khu Công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu), việc KSKĐK cho người lao động cũng luôn được lãnh đạo công ty quan tâm, chú trọng. Hằng năm, công ty tổ chức KSKĐK cho người lao động 2 lần/năm vào tháng 6 và tháng 12. Người lao động được khám đầy đủ các chuyên khoa lâm sàng với trị giá gói khám 84.000 đồng/năm. Bà Nguyễn Thị Cẩm Thơ, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pi Vina Đà Nẵng cho hay: “Thông qua KSKĐK hằng năm, công ty chúng tôi chưa phát hiện trường hợp nào bị bệnh nghề nghiệp. Bên cạnh tổ chức KSKĐK, công ty còn thành lập Phòng y tế, trang bị các thiết bị cần thiết tại Phòng y tế; thành lập, đào tạo định kỳ về sơ cấp cứu cho đội sơ cấp cứu; tổ chức đào tạo về sơ cấp cứu cho toàn thể người lao động; trang bị tủ thuốc y tế tại nơi làm việc, thường xuyên kiểm tra tủ thuốc để bảo đảm luôn có đầy đủ thuốc và thiết bị y tế”.

2. Ông Nguyễn Thái Hùng, Trưởng phòng An toàn PC Đà Nẵng cho biết, hiện PC Đà Nẵng có 881 CBCNV, trong đó có 836 biên chế, 45 hợp đồng lao động thời vụ. Với lao động thời vụ, công ty tổ chức KSKĐK giống như nhân viên biên chế. Bên cạnh thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách, PC Đà Nẵng nhận thấy việc chăm lo đời sống sức khỏe cho CBCNV và tổ chức KSKĐK là “chìa khóa” thành công của DN, giúp họ gắn bó với DN, góp phần tạo dựng môi trường làm việc an tâm, an toàn, giúp người lao động hoàn thành tốt công việc được giao. Đây cũng là cơ sở để công ty đánh giá tình trạng sức khỏe của người lao động so với công việc thực tế đảm nhiệm để có phương án bố trí công việc phù hợp, đặc biệt là đối với người lao động trực tiếp làm việc trên cao và có tiếp xúc với nguồn điện. “Việc KSKĐK cũng như chăm lo sức khỏe tốt cho người lao động góp phần bảo đảm công việc sản xuất kinh doanh điện trong công ty luôn đạt được kết quả tốt, hiệu suất cao và góp phần tăng năng suất lao động”, ông Nguyễn Thái Hùng nhấn mạnh.

Công ty TNHH Pi Vina Đà Nẵng cũng nhận thấy rằng, nhờ KSKĐK mà công ty nắm được tình hình về sức khỏe của người lao động để từ đó có các biện pháp chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Nếu phát hiện người lao động bị bệnh nghề nghiệp, sau khi KSKĐK, công ty sẽ có cơ sở đề ra các biện pháp để cải thiện môi trường lao động, tạo môi trường làm việc an toàn.

Bác sĩ Dương Ấm Mậu, Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng cho hay: “Những năm gần đây, ngành Y tế đã có các nỗ lực triển khai sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp. Vì vậy, ý thức của những người sử dụng lao động về công tác chăm sóc sức khỏe người lao động tại các cơ quan, DN đã có những chuyển biến rõ rệt, ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị, DN chưa thật sự quan tâm, chú trọng đến bệnh nghề nghiệp và sự ảnh hưởng của bệnh nghề nghiệp đến sức khỏe người lao động nên công tác phòng chống bệnh nghề nghiệp chưa được thực hiện đầy đủ và thường xuyên”. Bác sĩ Mậu cho rằng, vì một số đơn vị, DN chưa hiểu rõ về bệnh nghề nghiệp và tác hại đến sức khỏe người lao động. Hơn nữa, số ít ngại tốn kinh phí cho lĩnh vực này nên công tác phòng chống bệnh nghề nghiệp chưa được quan tâm.

Để công tác chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động tại các DN thực sự hiệu quả, trước hết cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành, đoàn thể chuyên môn. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về Bộ luật Lao động; Luật An toàn, Vệ sinh lao động, hướng dẫn người sử dụng lao động và người lao động nâng cao nhận thức, tự giác thực hiện các quy định về an toàn vệ sinh lao động.

Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng, trong năm 2020 có 112/276 đơn vị, doanh nghiệp do Trung tâm quản lý tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 27.625 người lao động. Trong đó, 5.510 người lao động có sức khỏe loại 1 (chiếm 19,95%), 12.670 người lao động có sức khỏe loại 2 (chiếm 45,86%), 7.150 người lao động có sức khỏe loại 3 (chiếm 25,88%), 1.824 người lao động có sức khỏe loại 4 (chiếm 6,60%), 471 người lao động có sức khỏe loại 5 (chiếm 1,70%).
 
Trong năm 2020, có 13 đơn vị, doanh nghiệp do Trung tâm quản lý tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho 1.846 người lao động. Các bệnh nghề nghiệp mà người lao động tại Đà Nẵng thường mắc phải gồm: bụi phổi silic, điếc nghề nghiệp do tiếng ồn. Tỷ lệ người lao động bị bệnh nghề nghiệp có xu hướng giảm qua các năm và khoảng 3 năm trở lại đây thì 100% người lao động bị bệnh nghề nghiệp rơi vào trường hợp bị điếc nghề nghiệp.

MAI HIỀN

;
;
.
.
.
.
.