Chút xao lòng

.

Thùy nhắn: “Rảnh không”. Mười phút sau, anh mới cầm đến điện thoại, gõ nhanh: “Có gì làm đâu mà không rảnh?”

Minh họa:HOÀNG ĐẶNG
Minh họa:HOÀNG ĐẶNG

Thùy có vẻ giận vì anh trả lời muộn, dưới dòng tin nhắn của anh có chữ “đã xem” nhưng Thùy không trả lời. Anh chờ một phút, thả điện thoại xuống, kéo lại cái quần short trễ lưng rồi ra sân, nơi vợ đang hí húi với mấy chậu cây, bên cạnh là thằng con nhem nhuốc bùn đất từ đầu đến chân, lấm lem cả cái áo thun trắng bà nội mới mua cho hôm qua.

Trong anh duềnh lên cảm giác khó chịu. Mẹ anh ngồi năm tiếng trên chiếc xe đò sớm để lên thăm cháu, mang theo đùm gói rúm rít nào thịt thà tôm cá rau củ, bà còn cho thằng cháu nội bộ đồ. Bộ đồ hàng chợ chỉ mấy chục nghìn đồng nhưng là bao mớ rau bà hái vườn nhà mang ra chợ sớm. Con trai anh có vẻ thích, nhưng vợ anh thì không, vợ nói thứ thun vỉa hè hàng chợ mặc vào mắc công mang bệnh, vải toàn nilon, nguyên liệu phế phẩm.

Anh đã im lặng, vì trong cuộc chiến mẹ chồng nàng dâu không có ai chiến thắng, cả hai đều tổn thương. Anh sẽ không đứng về phe ai, anh chỉ đóng vai trò cái thùng rác biết nhe răng. Vợ than, anh gật đầu và nhe răng. Mẹ mắng, anh cũng nhe răng và gật đầu.

Hai người đàn bà, ai cũng nghĩ anh đứng về phe họ. Mẹ anh hẳn nghĩ, nó là con trai mình, bao năm trời mẹ nuôi nấng, chăm bẵm, dạy dỗ, nó không bênh vực mẹ nó thì bênh ai. Mẹ anh không phải người khó tính, bà thương con dâu, nhiều khi nhún nhường vì nghĩ mình ở quê, sống khác với người thành phố. Mỗi lần nhớ con cháu lên thăm, bà luôn co mình lại, sấp ngửa nhìn quanh rồi vội vàng quay về.

Vợ anh không phải người điêu ngoa đanh đá, vợ kỹ tính và rạch ròi. Mẹ anh thương con chăm cháu rất bản năng, vợ thì không, vợ chăm chút con ra ngô ra khoai, theo khoa học kỹ thuật đàng hoàng. Nhưng như thế cũng đủ khiến mối quan hệ giữa hai người căng thẳng. Và vợ anh, hẳn nghĩ chồng mình không bênh mình thì bênh ai, mình đã sinh con cho anh ấy, vì mẹ anh ấy mà làm bao việc...

Anh ở giữa, chọn làm phe “thùng rác” dù vẫn chạnh lòng khi vợ len lén nhét bộ quần áo bà vừa cho cháu xuống đáy tủ. Anh vẫn cám cảnh khi mẹ đã sáu mấy tuổi vẫn lọm cọm nhặt nhạnh tom góp món này thức nọ mang lên cho con cháu. Nâng niu sợ dập sợ nát, thấp thỏm nhìn nụ cười gượng trên mặt con dâu.

Trong nhà chỉ có thằng con anh là vô tư, không biết có trận chiến ngấm ngầm luôn diễn ra. Anh nhìn bộ quần áo mẹ mới mua cho con trai đang lấm lem bẩn thỉu, thấy xót xa. Thằng bé thích bộ đồ nên nó đã moi từ đáy tủ lên để mặc.

Anh nhìn vợ con một lát rồi quay vào nhà, anh không muốn đứng đó rồi bị những cảm xúc tiêu cực dẫn dắt lôi kéo. Ngày trước, cái điện thoại luôn ở cạnh anh, vợ nói con trai giờ lớn, biết bắt chước người lớn, anh cứ kè kè cái điện thoại vậy em không dạy được con. Thế là anh cai điện thoại, lúc ở nhà, chỉ khi vào phòng riêng, sau khi con ngủ, anh mới được dùng.

Anh nhặt cái điều khiển tivi, tiện tay cầm điện thoại đang để bên cạnh, thấy tin nhắn của Thùy: “Cà phê nha, em đang ở rất gần anh nè”.

Anh sửng sốt, vào trang cá nhân của Thùy mới hay Thùy đang có chuyến du lịch cùng với con gái. Và theo lịch trình thì có lẽ Thùy đang ở đây thật. Anh buông điện thoại, không biết nên trả lời Thùy sao.

Ngày ấy, anh cứ nghĩ hai đứa sẽ cùng về quê sau khi học xong. Đợi khi công việc ổn định, cũng là để hai đứa thêm sâu sắc thì sẽ thưa chuyện với người lớn. Thùy là mối tình đầu của anh, anh thích Thùy từ lâu lắm, từ ngày hai đứa còn học cấp 2. Khi ấy chỉ là chút thinh thích trẻ con nhưng dần dần thứ tình cảm ấy lớn dần đến khi hai đứa cùng xa nhà đi học.

Thời gian đó, Thùy đã có vài người bạn, có cả người yêu rồi chia tay. Có lần thất tình, Thùy đã dựa vào lưng anh khóc hết buổi chiều. Bao lần anh định nói “không sao, Thùy còn có tui”, nhưng lại thôi. Anh sợ Thùy nghĩ anh là kẻ cơ hội khi lợi dụng lúc Thùy đang buồn chán, yếu đuối. Anh nghĩ nên để thêm ít lâu nữa. Cái mốc ít lâu ấy chưa đến thì anh lại nghe Thùy có người yêu mới.

Anh cứ lặng lẽ bên cạnh Thùy suốt bốn năm. Thời gian sắp ra trường, Thùy thở dài nói mệt rồi không yêu nữa. Nghe thản nhiên như người nông dân đang khom người cấy lúa, chợt ngẩng đầu phát hiện trời đã tối sập, quay nhìn xung quanh bảo, tối rồi, về thôi, mai làm tiếp.

Thời gian ấy, Thùy đã nhìn anh, thảng thốt. “Ông tốt thế, sao tui lại không thấy nhỉ, cứ đi tìm đâu xa.” Anh cười: “Chốt nhé, ra trường hai đứa về nhà nói chuyện với ba mẹ...”.
Thành thật mà nói, khi ấy Thùy đã không nói gì, chỉ là hai đứa hay gặp nhau hơn, cùng đi ăn với nhau nhiều hơn.

Ra trường, Thùy nói ở lại thành phố kiếm gì làm ít lâu lấy kinh nghiệm. Về quê tầm này làm gì, cả anh và Thùy đều không có ai quen có thể nhờ xin việc. Học hành mấy năm trời giờ quay về tay trắng khó sống lắm. Anh nói anh phải về vì mẹ còn một mình, có chí thì tìm đâu chẳng ra việc. Nửa năm sau Thùy lấy chồng và theo chồng đi ngõ khác.

Anh không biết mình có nên đến không, chín năm trôi qua rồi, cả anh và Thùy đều không còn như xưa, đều làm bố, làm mẹ trẻ con rồi. Nếu con đầu của Thùy còn thì con bé phải hơn thằng nhóc nhà anh ba tuổi. Con bé đã mất từ trong bụng Thùy vì nhau quấn cổ, khi chỉ còn một tuần nữa đến ngày dự sinh. Những ngày ấy, chồng Thùy có người khác bên ngoài, Thùy đã ôm bụng đi theo, đã bắt quả tang, đã ầm ĩ một trận. Hẳn vì vậy mà Thùy không biết con gái mình đã không đạp, không cục cựa. Khi ấy, anh đã bỏ hết công việc chạy đến. Khi ấy, anh vừa quen vợ, vợ biết nhưng không nói gì…

Sau đó, vợ chồng Thùy lại làm lành, cũng nhờ vậy mà Thùy thoát cơn trầm cảm và có đứa thứ hai...

Khi con bé hai tuổi, Thùy chính thức làm mẹ đơn thân vì chồng Thùy quen chân lối cũ. Lần này, Thùy mạnh mẽ hơn, tự quyết định chuyện đời mình, bạn bè chỉ biết khi mọi việc xong xuôi. Có lần anh tự hỏi, nếu khi ấy Thùy báo tin, anh có lại chạy đến, khi bên cạnh đã có vợ, có con? Rồi anh tự cười, “nếu” chỉ xuất hiện khi thực tế không xảy ra, cớ gì cứ phải đặt mình vào những tình huống giả định, để làm gì? Để đo tâm tính hay tình cảm? Để nuối tiếc hay sao?

Vợ gọi ngoài sân: “Anh đưa con vào đi tắm đi, nay cuối tuần nhà mình ra ngoài ăn nha. Khi nãy con nói muốn ăn nem rán”.

Dắt thằng con vào nhà tắm, anh cởi bộ quần áo bết đất, ném lại gần cống thoát nước, nhìn dòng nước lẫn đất trôi ra từ đó, bật cười khi nó nhăn mặt dậm chân.

“Ba đừng có ném, hư đồ con. Mẹ nói đồ bà nội cho không được tốt nên mặc ít thôi, phải giữ gìn kẻo hư rách, khi nào bà lên mới được mặc cho bà thấy bà vui. Ba, mấy con cá cảnh bé tí đó, ba thích ăn hả. Mẹ nói cá đó của ba, ba vẫn y con nít chỉ ưa mấy con cá rong cá rêu đó”.

Anh nhìn ra sân, vợ đang quét sân, sống với nhau gần chục năm sao rất nhiều lúc anh vẫn chưa hiểu nổi vợ.

Lúc chở vợ con đi ăn, anh luôn nhìn quanh quất như thể Thùy đang ở đâu đó gần đây, sẽ nhìn thấy gia đình anh. Lúc vào quán, anh cũng kín đáo quan sát trong quán có những ai, anh không tin tối nay mình sẽ vô tình gặp lại Thùy, nhưng làm sao biết được khi trên thế giới này còn có thứ gọi là duyên.

Rồi anh lại tự cãi mình, một kiểu cãi bướng rất trẻ con rằng anh có làm gì xấu mà phải lén lút. Anh đi với vợ con đàng hoàng, ai thấy thì sao? Thùy gặp chuyện không may, anh có thể chia sẻ bằng lời nói, đâu thể anh cũng bất hạnh như Thùy mới là đồng cảm. Và Thùy hẳn chẳng nhạy cảm đến mức thấy gia đình anh mà buồn bã sầu đau.

Cả buổi tối anh không bật 3G, đưa vợ con về nhà là anh giục con đi ngủ. Anh đã cố tình không kết nối để khỏi phải đọc những tin nhắn của Thùy, tự dưng anh thấy lo lo. Là anh lo về phía mình.

Ba giờ sáng, anh không sao ngủ tiếp. Sợ ánh sáng điện thoại làm vợ khó ngủ, anh rón rén ra phòng khách, không như anh nghĩ, có hai tin nhắn của Thùy.

Tin đầu tiên là địa chỉ, nơi mẹ con Thùy sẽ ngồi đợi anh, tin thứ hai là một câu: “Hẳn là mình không có duyên rồi, hẹn anh dịp khác nhé”.

Và có tin nhắn của Tuấn, bạn cùng lớp ngày xưa. “Hôm qua mày có gặp Thùy không, mẹ con nó tối qua ở gần chỗ mày, nó hỏi tao có nên nhắn mày ra gặp chút không vì hoàn cảnh nó giờ rất dễ gây hiểu lầm. Tao chửi nó, bạn bè gặp nhau liên quan đếch gì hoàn cảnh. Vợ chồng mà không tin tưởng, chồng mới đi gặp bạn một tí đã lồng lộn thì khó sống lắm”.

“Nó bị bệnh mày ạ, dự kiến còn khoảng một năm. Là nói vậy chứ ai biết thế nào, không chừng còn mấy tháng. Nó từ chối điều trị vì muốn để lại gì đó cho con bé. Bố nó đã có vợ mới, cũng hai con rồi, thăm cũng chẳng nói gì chu cấp. Mẹ con nó đang đi du lịch cùng nhau, thích nơi nào đi nơi đó, nó bảo muốn lưu dấu thật nhiều kỷ niệm với con gái, để sau này con gái đừng quên nó, con bé còn nhỏ quá...”.

Anh đứng bật dậy sửng sốt. Tại sao Thùy luôn gặp hết bất hạnh này đến bất hạnh khác. Ông trời ghen ghét gì với Thùy mà không ngừng thử thách. Và anh có phải là một thử thách của Thùy?

Biết Thùy đã đi từ sáng sớm, chiều đi làm về anh vẫn ghé qua khách sạn nơi Thùy ở. Gọi ly cà phê, anh dõi mắt nhìn về phía cổng khách sạn, tưởng tượng chỉ lát nữa thôi, Thùy sẽ dắt con gái ra. Anh sẽ chạy ra đón hai mẹ con Thùy, sẽ hỏi con gái uống gì, ngầm xem con gái Thùy giống ba hay giống mẹ...

Gã đàn ông râu ria ngồi gần bàn anh bắt chuyện. “Ông anh đi bắt quả tang hả, chúng nó vào đấy lâu chưa. Ông anh có cần đập cửa xông vào không, thằng em có cách đấy. Xông vào bắt quả tang nhưng nhớ là phải quay cờ líp là hết chối, chứ ngồi đây đợi chúng nó ra, chúng nó lại bảo đi ký hợp đồng với nhau. Làm gì có thứ hợp đồng trong khách sạn...”.

“Không phải!”. Ánh mắt anh tha thiết quá hay sao mà gã râu ria lại nhìn ra anh đi rình vợ ngoại tình. Anh giật mình, hành động ngồi đây, nghĩ về người đàn bà khác không phải vợ có phải là ngoại tình không?

“Cái mặt đần thối đau khổ ấy giấu được ai. Thôi, thằng em giảm giá cho ông anh hai mươi phần trăm, lịch sự và văn minh, không đánh đập kẻo vi phạm pháp luật”.

Anh xoa mặt, đứng dậy lấy xe đi về, đánh ghen còn có lịch sự và văn minh nữa.

Vợ gắn mảnh giấy lên cửa tủ lạnh: “Em nấu cơm rồi, anh ăn trước đi, em đã tìm được nơi cho con học vẽ, hôm nay mẹ con em đến học thử”.

Anh ngồi xuống bậc cửa nhìn ra mấy thùng rau của vợ, lại nhớ hình ảnh mẹ con bê bết bùn đất. Ngoài hiên là bộ quần áo của thằng con đang bay phơ phất, mấy giọt nước văng cả vào mặt anh, mát lạnh.

Cái thằng, lại lôi bộ quần áo bà nội mua cho ra mặc, rồi bị mẹ cằn nhằn.

NGUYỄN THỊ THANH BÌNH

;
;
.
.
.
.
.