Mùa heo may thương nhớ

.

Qua mùa bão lũ, trên cánh đồng, dưới tiết trời se lạnh và mưa bụi quất vào mặt, luống cày của người nông dân bắt đầu lật lên từng thớ đất nâu thẳng hàng tăm tắp để chuẩn bị một vụ mùa mới. Mùa heo may không chỉ gợi đến sự nhọc nhằn nơi bưng biền lam lũ mà đó còn là mùa chuẩn bị sự chuyển mình của trời đất, nơi bắt đầu ươm mầm cho những tươi xanh mùa kế tiếp. 

Minh họa:HOÀNG ĐẶNG
Minh họa:HOÀNG ĐẶNG

Đường về làng sau mùa lũ, bùn vẫn phủ một màu vàng xám lên từng ngọn cỏ trên triền đê, ven bờ ruộng. Dấu vết của trận đại hồng thủy vừa đi qua còn lưu lại vài cọng rác treo lơ lửng trên thân cây, quá tầm với tay người. Tháng mười hai không còn bão lũ nhưng heo may se lạnh về chạm ngõ. Trên những cánh đồng, những chiếc máy cày với tiếng nổ giòn giã thoăn thoắt đưa bánh lưỡi sắc nhọn lật lên từng thớ đất nâu đều và thẳng hàng tăm tắp. Người nông dân trong chiếc áo mưa điều khiển máy, thi thoảng xuýt xoa vì lạnh nhưng nhọc nhằn đã vơi đi nhiều so với thời ruộng đồng chưa có dấu cơ giới hóa. 

Tháng mười hai, nhìn bông lau trắng muốt nở trên bờ ruộng cũng đem lại cảm giác nôn nao đến lạ lùng. Sự nôn nao không chỉ vì mốc thời gian đếm ngược ngày một gần với mùa xuân, mà còn bởi như một mặc định của trời đất. Cha nói hoa lau nở thì đất liền hết đón bão và đó là thời điểm bắt đầu của mùa gieo hạt. Tháng mười hai của những ngày xưa cũ còn đọng lại trong ký ức đâu đó là những ngày cha mẹ quăng quật trên đồng ruộng, xáo xới mảnh đất ướt nhẹp bùn lầy, ủ giống bằng nước ấm cho nhanh nảy mầm. Mảnh ruộng thấp để dành gieo vãi cây lúa, ruộng cao thì xáo xới cho đất tơi để trồng đậu, ngô, khoai, sắn… Đôi chân trần nứt nẻ vì gió chướng và lam lũ trên ruộng bùn.

Thương nhất là những bữa gió bấc, mưa phùn nặng hạt, đôi tay trần của cha cố sức cuốc bật từng góc ruộng, hò hét đôi bò gắng sức kéo cày bừa để dẫy phẳng đều mặt ruộng, nước bùn tung tóe lấm lem. Còn mẹ gập lưng trên ruộng nước cao ngang đầu gối cặm cụi cấy xuống từng lối mạ non. Trong manh áo phong phanh, cái lạnh khiến hai hàm răng va vào nhau lập cập nhưng cha mẹ cũng như nhiều bà con nông dân khác ở làng quê tôi chỉ chịu rời mảnh ruộng trở về nhà khi trời đã sập tối. Hơi ấm nhen lên giữa bữa cơm cà mắm muối cả nhà quây quần bên bếp lửa. Câu chuyện bữa cơm chiều đông trong cái rét thấm vào thịt da sau một ngày vất vả trên đồng vẫn đầy ắp tiếng nói cười.

Nhớ nhiều bữa rét mướt, mấy anh chị em sau buổi học đội mưa trở về, ngồi thu lu bên bếp chờ củi cháy thành than để xin mẹ vài củ khoai lang lùi vào bếp nướng. Háo hức chờ đợi và chia nhau miếng khoai nướng nóng hổi, thơm lựng. Sướng nhất là những bữa mẹ mua được đôi cân bột sắn, cả nhà hì hụi nhào bột, giã đậu lạc làm nhân rồi nặn bánh. Khi cục bột vơi dần, mâm bánh nhỏ xinh đầy lên, thể nào mẹ cũng dành lại vài cục bột cuối cùng cho mấy cha con làm thành những chiếc bánh thật to, nhét hết mớ nhân còn lại vào bụng bánh rồi vùi vào bếp than đang đỏ rực. Món ăn đơn giản, vậy mà mùi vị theo suốt chặng đường ấu thơ. Nếu nói gian bếp trong mỗi căn nhà nơi thôn dã là linh hồn của tổ ấm thì điều đó đúng nghĩa nhất khi tháng mười hai mang heo may về qua ngõ. 

Tháng mười hai cũng là thời điểm của những luống cà, mướp của mẹ ươm nụ, đâm bông, trổ quả. Mẹ miệt mài bắt sâu từ sáng sớm, ủ rơm, vun gốc cho cây bớt rét rồi thu vén những quả vừa kịp lớn mang ra chợ sớm. Quày quả nguyên tháng trời với gần chục buổi chợ mới gom lại được chút đỉnh tiền để sắm sửa cho cái Tết đang đến thật gần. Tết với người nông dân có thể thiếu nhiều thứ nhưng manh áo mới cho con, nồi bánh chưng và mâm cơm có dĩa thịt luộc, chén dưa hành chiều ba mươi lúc nào cũng phải đủ đầy.

Bây giờ đang tháng mười hai, cha mẹ không còn ra đồng nhưng vẫn chờ mong hoa lau nở như tín hiệu bình yên với mọi nhà trên mảnh đất miền Trung oằn vai gánh bão lũ. Giữa vòng xe vội vã trở lại phố với ngồn ngộn cộng việc cuối năm cùng bao giấy tờ, sổ sách và con số, thi thoảng làn heo may rét mướt luồn sâu xuyên qua lớp áo ấm dày cộp khiến lòng tôi chợt nhớ về tháng mười hai năm cũ. Mấy ai không tần ngần khi nghe âm thanh của tờ lịch khẽ khàng rời khung giữa buổi hoàng hôn sà xuống phố. Nếu không có tháng mười hai hoài niệm thì lấy gì cho ta chậm lại giữa muôn vàn xanh tươi của phố phường hối hả chờ đón Tết và mái tóc mẹ bạc phía đường làng. Tháng mười hai thương nhớ!

THIÊN LAM

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích