Ở Đà Nẵng, nhiều nơi đã "lên" phố từ lâu nhưng vẫn không phôi phai nếp văn hóa làng xưa cũ. Mỗi khi có lễ tế, hội hè, bà con các họ tộc trong làng tề tựu về đình theo thứ lớp trên dưới, trước sau dưới sự cắt đặt của các vị “tiên chỉ” thời hiện đại.
Theo từ điển, “tiên chỉ” là từ cũ, chỉ người đứng đầu ngôi thứ trong làng thời phong kiến, thường được cử làm chủ các cuộc tế lễ, hương ẩm (cùng nhau ăn uống, sau các cuộc tế lễ ở nông thôn, theo tục lệ thời trước). Ngày nay, chức vị này tương đương với trưởng ban hội đồng các gia tộc, trưởng ban tế lễ đình làng hay chánh bái của làng.
“Trung tâm đoàn kết” của làng
Hội làng Hòa Mỹ (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) được khôi phục năm 1994, khi đó nơi này còn trực thuộc xã Hòa Minh, huyện Hòa Vang. Năm nay, cụ Nguyễn Nghĩa bước qua tuổi 90 có lẻ. Người dân địa phương thân mật gọi người 20 năm (1994-2014) giữ chức Trưởng ban Hội đồng các gia tộc làng, Trưởng ban Tổ chức Hội làng Hòa Mỹ này là “cụ Sáu Nghĩa”.
Hội đồng các gia tộc điều hành nhiều hoạt động của địa phương như lễ hội, tang ma, hiếu hỉ, thăm viếng ốm đau, khuyến học... Với tinh thần khách quan vô tư, vì cái chung, cụ biết động viên kịp thời mọi người, nhất là giới trẻ, để tất cả đều làm tốt phần việc được giao. Nóng tính, bộc trực, quyết đoán, nhưng cụ biết lắng nghe ý kiến tham mưu, sẵn sàng tiếp thu cái mới, loại bỏ cái cũ. Như hội làng chẳng hạn, một số ý kiến cho rằng chỉ lo phần lễ là được rồi, mắc chi phải lo phần hội cho mệt. Sau khi nghe nhiều anh em trẻ giải trình, ông quyết cái rẹt, dù có một số ý kiến không tán thành. Kết quả, nhờ kết hợp hài hòa giữa lễ và hội, cuối năm 2006, làng Hòa Mỹ được Bộ Văn hóa - Thông tin tặng Bằng khen lần thứ 3 trong công tác xây dựng đời sống văn hóa và tổ chức lễ hội đình làng lần đầu tiên trên đường phát triển lễ hội truyền thống của Đà Nẵng.
Ông Phạm Chính đánh trống khai hội tại Hội làng Hòa Mỹ. Ảnh: V.T.L |
Ở làng Trung Nghĩa bên cạnh, có cụ Châu Tập (Bốn Tập), 83 tuổi, cũng từng là Trưởng ban Tổ chức Hội làng trước khi chuyển qua làm Chánh bái 4 năm nay thay cho vị tiền nhiệm đã qua đời. Cụ Bốn Tập chủ công trong việc vận động khối đại đoàn kết toàn dân, không phân biệt người ở lâu hay kẻ mới đến, không còn tình trạng tộc to, họ lớn. Tất cả đều chung lòng hướng về cội nguồn, soi xưa mà sống nay. Nhỡ như trong làng có chuyện gì xào xáo mất đoàn kết, đến hội làng, cụ nhỏ nhẹ mà cương quyết nhắc nhở: “Việc làng là chỗ để tỏ lòng tưởng nhớ tổ tiên, ông bà, có chuyện chi thì để sau giải quyết, không nên nói qua nói về giữa chốn trang nghiêm mà thất lễ với tiền nhân”.
Các cụ Sáu Nghĩa, Bốn Tập là những “cây cổ thụ” của các “làng trong phố” ở Đà Nẵng. Với tuổi cao, đức trọng, các cụ giải quyết một cách có tình có lý những khúc mắc xảy ra trong đời sống và được mệnh danh là “trung tâm đoàn kết” của các họ tộc cũng như các tổ dân phố, điều không phải ai cũng làm được. Thấy cụ Sáu Nghĩa tuổi cao, bà con đề nghị cho cụ được “nghỉ hưu” và chọn ông Phó trưởng ban Thường trực Hội đồng các gia tộc lên thay, ông này (mới ngoài 60 tuổi) không dám nhận: “Làng Hòa Mỹ đã trên 400 năm tuổi nên người đứng ra làm trưởng ban ít nhất cũng phải đủ 70 tuổi thì mới tương xứng”.
Lo lắng người truyền thừa
Chánh bái làng Hòa Mỹ gần 10 năm nay là ông Phạm Chính, 70 tuổi. Tháng 4-2020, khi vợ ông qua đời, Hội đồng các gia tộc làng Hòa Mỹ tổ chức họp khẩn để tìm người tạm quyền. Bởi lẽ, một trong các tiêu chuẩn để chọn Chánh bái là không mắc trọng tang, gồm vợ và tứ thân phụ mẫu (cha, mẹ chồng; cha, mẹ vợ). Như ở làng Thái Lai (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang), Chánh bái Đỗ Hữu Minh có tang cha vợ nên làng chọn cụ Nguyễn Mốt, 92 tuổi, một trong hậu duệ 3 vị tiền hiền tạm quyền Chánh bái.
Chánh bái, theo lệ xưa truyền lại, cụ Sáu Nghĩa kể, có vai trò rất quan trọng, là người trực tiếp giao cảm với thần linh trong các lễ tế ở đình nên phải là người đạo đức, mẫu mực, gia đình một vợ một chồng (ngay cả người mất vợ, tục huyền với người khác cũng không được), con cái thảo thuận... nghĩa là gia đình không có điều tiếng gì.
Sau khi mọi người thống nhất chọn ông Lê Văn Mẫn tạm thời làm Chánh bái, các ông Trưởng ban Tổ chức hội làng Phan Minh Quý và phụ trách tài chính làng Nguyễn Đức đi tìm 3 lần mới gặp ông Mẫn. Ông này 77 tuổi, hiền từ, đức độ, không dùng điện thoại. Ông tận dụng khu đất trống các dự án chưa triển khai để trồng hoa màu các loại cho vợ đem bán ở chợ Hòa Mỹ. Thực ra, cũng có nhiều người giỏi giang, hoạt bát, có tài ăn nói, nhưng chỉ thích hợp với việc đối ngoại ở làng. Với việc tế lễ, hầu thần ở đình, làng chọn người chuẩn mực, không có điều tiếng để làm Chánh bái.
Chánh bái phải giữ mình tinh nghiêm trong việc tế lễ ở làng theo quy định ở hương ước, khoán ước của các làng quê xưa. Như Hương ước làng Thái Lai (lập năm Thành Thái thứ mười bốn, 1902) quy định về lễ cầu an năm mới: “Mọi người phải tắm gội sạch sẽ, chuẩn bị áo khăn chỉnh tề”. Làng Hòa Mỹ cũng theo lệ đó. Ông nội ông Nguyễn Đức kể rằng, ngay cả học trò dâng lễ phẩm lên tiền nhân cũng phải chọn trong đám trai tân, sạch sẽ, tinh nghiêm, huống gì Chánh bái!
Ông nội ông Phạm Chính cũng là Chánh bái làng. Đến 30 tháng Chạp hằng năm, ông được nội dặn phải ở nhà thắp hương để nội để tâm lo việc cúng kính ở đình, mãi đến chiều mồng 1 Tết nội mới về.
Chánh bái được ví như “linh hồn” của làng. Cụ Bốn Tập, Chánh bái làng Trung Nghĩa, dẫn lời các bậc trưởng thượng kể lại rằng, xưa vị nào lên làm Chánh bái mà dân làng đột nhiên xảy ra lộn xộn, trong làng nhiều người chết (nhất là chết trẻ) thì dân người ta gọi ông Chánh bái này có tay “sát dân”, phải xem xét lại.
Chánh bái thường là các cụ cao niên. Vì thế, các làng thường để tâm đi tìm người truyền thừa xứng đáng để các vị “tiên chỉ” luôn mang lại sự bình an cho dân làng trong thời hiện đại.
VĂN THÀNH LÊ