Thương nhớ ngày tháng Chạp

.

Chưa bao giờ cái lạnh hanh khô trong những tháng ngày này đánh thức mọi giác quan, cả những miền nhớ của mùa cuối năm!

Minh họa:HOÀNG ĐẶNG
Minh họa:HOÀNG ĐẶNG

Mùa cuối năm, có những nợ nần phải trang trải cho kịp ngày kịp tháng. Cái gì cũng chắt chiu suy trước tính sau để cho vừa, cho đủ. Ai cũng đầy ắp lo toan, dù ít, dù nhiều.

Tôi vẫn thường thừ người ra trong những buổi chiều của tháng Chạp để nhìn ngắm thật kỹ sự đổi thay trở mình của nụ mầm hé nở trên tán cây, sự non mởn của đám rau gieo từ trước đó vài tuần, để nghe thật rõ những thanh âm tưởng chừng như tất bật hơn, rộn rã hơn, lao xao hơn, nhịp trôi đi nhanh hơn; và để sờ nắm cảm xúc của chính mình…

Cảm xúc đã dừng lại nơi căn nhà nhỏ của Má, cạnh con đường đất đỏ ngày xưa, có cô bé lủi thủi tự tay làm bao nhiêu món bánh, mứt, rồi ngồi một mình, tự hít hà lấy thành quả giữa mùi ngọt lựng của đường hòa lẫn mùi dầu hỏa của chiếc lò xô bé bé con con…

Cảm xúc đã dừng lại nơi hàng dậu thưa của nhà Beo hàng xóm, cái dáng lêu khêu tần ngần với cây bông vạn thọ ươm trồng, đã ra hoa và ngập ngừng chờ tôi nhận lời mang về chưng Tết. Rồi như sợ nhận lời là sẽ “bị” rong ruổi đi xa hơn tình bạn nên cây bông vạn thọ cứ vậy mà mãi mãi im lìm rung rinh trong gió Xuân nơi hàng dậu thưa…

Cảm xúc đã dừng lại nơi hàng hoa quả, bánh mứt, rau trái… tập trung nơi ngã ba đầu làng. Cứ đông đúc, nhộp nhịp không ngớt của dòng người qua lại cho đến tận đến giờ phút sắp Giao thừa. Cảm xúc đã bật khóc khi bao nhiêu chậu cúc, chậu quất không bán được xếp hàng dài từ ngã ba đầu làng, chừng như dài hơn cả tiếng thở ra của người chăm bón…

Cảm xúc đã dừng lại nơi tiệm gội đầu, làm móng tay móng chân của cái Cúc, cái Tâm trong xóm nhỏ. Những bàn chân, bàn tay vàng ố, lấm lem bùn đất của các cô, các chị tranh thủ ngớt việc đồng áng, ngớt việc dọn dẹp nhà cửa là lại đến nơi này, chờ đợi để được cắt tỉa, để làm sạch sẽ móng tay, móng chân. Lạ thật! Tôi hay nhìn thật sâu, ngắm thật lâu, và chìm trong cảm xúc thương da diết những thật thà chân chất mà cũng thật hồn hậu trong từng câu nói cười rổn rảng, trong những bàn tay, bàn chân đầy vết ố vàng kia đến rưng rưng…

Cảm xúc mang tên “ngày xưa” đã dừng lại, hay đã nằm thật sâu trong tôi, để những ngày tháng Chạp lại rưng rức quay về. Vừa nhắc nhớ, vừa pha trộn với thực tại, đủ vừa vặn cho tôi chìm đắm, mân mê như cứ sợ một sự trôi tụt đến hụt hẫng. Những ngày tháng Chạp, khi mà chỉ còn mấy ngày nữa thôi là thời gian cuối cùng của năm sẽ đổ về phía cạn ngày cạn tháng. Vòng tròn này khép lại, một vòng tròn khác mở ra và con người cứ thế đi trong những vòng tròn của cuộc đời mình, đi từ những vui và buồn, những bất hạnh và hạnh phúc, đi từ những điều có được và những điều mất mát...

Những ngày tháng Chạp, cho tôi ngoảnh nhìn, một năm qua tưởng chừng sẽ tròn trĩnh theo con số 2020 thì lại không biết bao nhiêu điều xảy ra, từ thiên tai, dịch bệnh cho đến những tang thương, mất mát. Một năm buồn nhiều hơn vui. Rét mướt nhiều hơn ấm áp. Lo toan nhiều hơn nhàn nhã. Những ngày tháng Chạp, thêm lần nữa, cho tôi kịp ngoảnh nhìn, có thể, một năm dở dang của nhiều dự định; có thể, một năm bộn bề của những nỗi lo không đếm xuể; nhưng có hề gì đâu, bởi tôi vẫn thương, vẫn nhớ, vẫn tha thiết yêu những ngày tháng Chạp của cũ xưa, của hiện tại, của mơn mởn khoảnh sân trước nhà với nhành mai nở sớm, cải đã xanh ươm, xà lách, ngò gai… nõn nường trong từng luống vuông vức.

Bất giác, tôi nghêu ngao theo lời ca của Thu Phương: “Sáng hăm ba, ra đầu ngõ, tôi gặp cây bông, cây bông vạn thọ. Bông vạn thọ dáng hơi to to. Mùi hương đơn sơ mà nồng ấm...”. Tự nhiên, tôi xòe tay ôm trọn cảm xúc của mình, nghe thật ấm nồng với những ngày tháng Chạp, chưa một lần phôi phai…

NGHI THẢO

;
;
.
.
.
.
.