Ở thôn Trước Đông (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang), có một địa danh mà thoạt nghe qua ai cũng thắc mắc: Trước Bàu. Các vị cao niên nơi đây mỗi khi cắt nghĩa cho khách phương xa về tên làng mình còn vui vẻ dành thời gian kể thêm mấy chuyện xưa lý thú.
Đình Trước Bàu đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố. Ảnh: V.T.L |
Cụ Nguyễn Nguyện ở thôn Trước Đông nếu còn sống cũng trên trăm tuổi, cùng với người anh con chú con bác của mình được cả làng quý mến, xem như hai cụ “đồ Nho” từ thế kỷ trước còn sót lại ở làng. Lúc sinh thời, cụ kể rằng, một lần có anh cán bộ ngành văn hóa ở thành phố về thăm đình Trước Bàu, duy chỉ hai anh em cụ mới có đủ kiến văn để giải thích các hoành phi, liễn đối bằng chữ Nho trong đình. Nội cái tên “Trước Bàu” không thôi cũng đủ “mắc” rồi, nói chi tới chuyện khác.
Theo lời cụ Nguyện, ngày trước có hai vị tiền hiền họ Lưu và họ Ngô đến nơi này khai cơ lập nghiệp, quy dân lập ấp quanh một vùng đất ba mặt giáp núi, riêng phía Đông Nam giáp một bàu nước dài khoảng 20 sải tay được che chắn vững chãi bởi hai lũy tre kín mít. Vì thế, người xưa đặt tên nơi này là “Bàu Tre” theo kiểu thấy chi nói nấy. Đến khi thành lập xã hiệu, tên gọi dân gian đã được thay bằng một danh xưng hành chính văn vẻ hơn là “Trúc Bào”. Các cụ giải thích, chữ trúc 竹 (nghĩa là tre, trúc) vì kỵ húy nên được đọc trại thành trước (ví như phúc thành phước); còn chữ bào 泡 (vật có hình như bọt nước) gồm chữ bao đi với chấm thủy, tiếng Nôm đọc là bàu, nghĩa là bàu nước. Vì thế, Trúc Bào hay Trước Bàu, hai nếp cũng cùng một xôi. Về sau, Trước Bàu hợp với Đông Lai thành thôn Trước Đông.
Cụ Nguyễn Lâm, dân làng gọi thân mật là Tám Lâm, năm nay gần 90 tuổi, nguyên chánh bái làng Trước Bàu kể rằng, xưa các vị lập làng theo kiểu “dĩ dương vi giới” (chữ dương 陽 nghĩa là mặt núi phía nam) - lấy núi, gò, đồi làm ranh giới. Từ gò cao tính xuống, hễ nước mưa chảy về Đông Nam là đất làng Trước Bàu; chảy về Tây Bắc là đất Ninh An, Đông Lai. Thời ông Nguyễn Phước Lương, một người con của Trước Bàu vào làm tri huyện trong Bình Định, khi về có điều kiện khai phá thêm điền bộ thổ cư, mở rộng địa giới. Lúc này, đình làng được tôn tạo, kiến trúc theo kiểu nhà rường, hầu hết cấu kiện được làm bằng gỗ mít, chạm trổ hoa văn công phu.
Đình làng Trúc Bàu gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử, văn hóa của cả một vùng đất.
Thời Pháp, khi quân giặc kéo về khủng bố khắp nơi, dân Đông Lai phải tản cư xuống Hòa Khương (nay là thôn Hòa Khương, xã Hòa Nhơn), dân Ninh An ngược lên Hội Vực (nay thuộc xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang), chỉ một mình dân Trước Bàu “gồng mình” ở lại. Bộ đội đóng quanh làng, suốt ngày đánh nhau với giặc. Dân Trước Bàu phải cấy cày ban đêm. Ông Nguyễn Cù, còn gọi là ông Hương Nhung, làm bài Vè chống Pháp có đoạn: Ruộng ta, ta cấy ban ngày/ Tội chi ta lại cấy cày ban đêm/ Trời mưa sụp té ướt mềm/ Sôi bầu máu nóng giận thêm quân thù.
Quân Pháp đóng ở Ninh An, bên cạnh đồn Tổng vệ - đồn bảo vệ cho đám lý hương, tìm cách giết dân quanh vùng - nay thuộc xã Hòa Phú và phía tây xã Hòa Nhơn. Cụ Nguyện hồi đó là cán bộ xã đội, thấy giặc giết quá nóng lòng, đưa các đồng chí đi làm công tác địch vận để tổ chức nội công ngoại kích đánh đồn Tổng vệ, đồn Ninh An, bắt gọn đám lý hương, đuổi bọn Pháp rời đồn. Bài vè của ông Hương Nhung 24 câu như 24 liều thuốc cực mạnh, nung sôi chí quật cường, bất khuất của quân và dân Trước Bàu, đứng lên kháng chiến chống ngoại xâm để giành thắng lợi như ở hai câu kết: Ngày mai độc lập hoàn toàn/ Phất cờ dựng nước vinh quang muôn đời.
Sinh thời, mỗi khi có ai hỏi tới, cụ Nguyện cắt nghĩa những tên người, tên đất gắn liền với những sự kiện nóng hổi ở làng mình năm xưa. Trong hồi ức của ông lão, hình ảnh những cuộc bố ráp của giặc Pháp còn tươi rói như mới xảy ra ngày hôm qua. Ngày trước, nơi nào có giặc lùng bắt cán bộ là huyện đưa ông tới, nhiều lần ông thoát được gọng kìm của giặc trong gang tấc nhờ vào sự nhanh trí của mình: chạy vào một nhà bên đường giật lấy dao nhập vai bằm chuối cho heo, hoặc mượn khăn đóng áo dài đen cải trang làm người đi cúng nhà mới...
Kỷ niệm buồn vui lẫn lộn của một thời vẫn là những hình ảnh gắn bó với cây đa, bến nước, sân đình - nơi chôn nhau cắt rốn của người dân quê cụ. Đình Trước Bàu, do có địa thế cây cối cổ thụ nằm tựa lưng vào núi, chung quanh có xóm làng bao bọc nên vào tháng 7-1946, ông Nguyễn Bá Phát (khi đó là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 96) đã chọn làm nơi đóng quân của Bộ chỉ huy Trung đoàn. Hai năm sau, quân Pháp phát hiện, thả bom đánh phá đình làm bay mất nóc hậu tẩm. Sắc phong, liễn đối, bài vị... ngổn ngang cùng với đất đá. Những người tâm huyết với truyền thống lịch sử - văn hóa làng nghe như có ai đó bóp nát trái tim mình.
Sau mấy đợt tôn tạo tu đình, cuối năm 2007, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 10225 về việc xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa đình Trước Bàu. Năm 2015, đình Trước Bàu được UBND thành phố phê duyệt kinh phí trùng tu với kinh phí trên 800 triệu đồng và khánh thành vào hạ tuần tháng 8 năm đó. Bài vè của ông Hương Nhung ngày nào lạc quan ở hai câu kết: Ngày mai độc lập hoàn toàn/ Phất cờ dựng nước vinh quang muôn đời. Đối với người dân Trước Bàu, việc đình làng được UBND thánh phố xếp hạng và trùng tu cũng là một “vinh quang” mà không phải nơi nào cũng tự hào có được.
Tết này, ông Nguyễn Tường, Trưởng thôn Trước Đông cho biết, ngày 24 tháng Chạp, người dân Trước Bàu cúng ông bà, vọng hương linh những người đã khuất đồng thời “đóng cửa rừng”, không cho dân vô rừng theo lệ xưa. Giao thừa, ông Nguyễn Văn Hương (79 tuổi). Chánh bái làng Trước Bàu, gióng 3 hồi trống thúc giục người dân tề tựu về đình làng dâng lễ phẩm, thắp nén nhang tưởng nhớ tổ tiên trong giờ phút thiêng liêng đầu năm mới. Sáng mồng Một, làng cử người đại diện đi thăm các vị cao niên trong làng.
Chuyện xưa Trước Bàu lại được gợi nhớ, nhắc nhở các thế hệ cháu con gắng sức giữ gìn như một vốn quý của làng...
VĂN THÀNH LÊ