1. Đứng sau lưng, hai tay nắn nắn bờ vai tôi, thằng Trực nói, vừa như với tôi, vừa với thằng Út:
- Anh Bảy gầy quá. Bỏ phố về quê đi. Bọn em rau vườn, cá đồng nuôi anh vài tháng là ú ù… Cái giọng sao nghe thấy thương thương.
Tôi cười:
- Tụi bây đứa làm ruộng, đứa thợ nề, lo vợ con chưa đủ, lấy chi nuôi tau.
Thằng Trực đa cảm nhưng cũng thật tinh quái. Không biết vì nhạy cảm hay do nét mặt tôi không giấu được nội tâm, để hắn đọc được cảm xúc:
- Anh lấy xe em ra đồng, chạy dọc dọc bờ sông sẽ hết buồn. Chút nữa xong mồi em gọi anh về.
Nó nói cũng hay. Tôi lấy chiếc Wave cà tàng chở phân bón ruộng của nó chạy ra đồng. Cái xe made in China phế liệu nổ như máy cày, chạy đến đâu khói mù mịt đến đó. Nhưng ra đồng thì chỉ có chiếc xe này là đúng sách.
Đồng làng tôi xưa nay thuộc hạng thượng đẳng điền, cắm bất cứ cây gì xuống là cứ thế mọc lên xanh tốt.
Lúa Đông Xuân đang thì con gái xanh mượt, tràn đầy sức sống. Những bãi bồi ven sông, rau cuối vụ mơn mởn. Những giàn khổ qua, bí xanh trĩu quả. Mấy đám cải cay trổ ngồng vàng ươm cả góc trời chiều...
Dừng xe. Tôi mở căng lồng ngực hít lấy khí trời mênh mông, trong lành, nghe như trong huyết quản dòng máu cha ông đang chảy, mặn nồng, ấm áp tình cảm cố hương…
2. Dễ đã năm mươi năm tôi mới trở lại nơi đây. Đời người trầm luân, dâu bể. Đâu rồi những ngày xưa. Đâu những bến sông. Đâu những thằng Anh, thằng Thà, thằng Biên, thằng Mau… Đâu những trò nghịch ngợm. Đâu những chiều hè cả bọn đắm mình dưới làn nước mát lặn tìm những con bống dừa, bống cát để mẹ nấu canh chua…
Tuổi thơ đã xa lắm rồi. Những bến bờ đã xa tít mờ xa…
Tôi nhìn qua bên kia sông. Một mảng xanh chỉ còn trong ký ức. Những đồi Sim, đồi Mua hoa tím. Những chùm Chà là chín mọng, những tổ chim non chiêm chiếp nằm dưới lớp gai nhọn đầy quyến rũ … Những vạt đồi Bướm Trắng, Rang Rang ngút ngàn, suông óng… những gánh củi ướt đẫm mồ hôi chị em tôi cùng sương sớm núi rừng ban mai…
Tất cả đã đi vào quá vãng…
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
3. Dừng chân nơi Bến Tiễn. Phía trên là cánh đồng Thủ Lọ huyền thoại. Đây là ngã ba sông, nơi hợp lưu giữa dòng Vu Gia và dòng Túy Loan. Đây cũng là ranh giới, nơi giao nhau giữa thôn Bồ Bản - Hòa Phong với Cẩm Hòa - Hòa Thọ và Cẩm Nê - Hòa Tiến quê tôi. Hai con nước gặp nhau, giao duyên tạo nên dòng nước hiền hòa yên lành như mong ước bao đời cha ông gởi gắm vào tên sông, tên đất...
Bên kia là Bến Hưởng. Bến sông ghi dấu thời thơ dại. Cái bến mỗi năm mỗi lở, hỏng đứng, lội ra vài mét đã ngập đầu. Thế nhưng, có lần bọn thằng Anh, thằng Cương, thằng Thơ, thằng Mau, thằng Khôi… rủ tôi mạo hiểm qua đó thi bơi. Tôi biết, khả năng trong bọn, thằng bơi giỏi nhất cũng chỉ năm mươi mét là cùng.
Kết quả giải bơi tử thần đó, phần thưởng đồng hạng là… mỗi thằng “ôm” một bụng đầy nước sông Yên! Riêng thằng Khôi đã kịp nôn thốc nôn tháo cả nước sông lẫn mật xanh, mật vàng trước khi thất thểu theo chúng tôi về nhà trong nơm nớp lo sợ.
4. Con sông Túy Loan và Vu Gia hiền hòa nhưng điểm hợp lưu lại vô cùng hung dữ. Hai con nước gặp nhau xung đột dữ dội, tạo nên một vực xoáy. Cha tôi nói, chỗ vực sâu thăm thẳm đáng sợ đó có một cặp thuồng luồng, một đỏ, một vàng ẩn náu. Chúng là con một mẹ nhưng lại thường xuyên đánh nhau. Mỗi lần chúng giao tranh là nước sông cuồn cuộn, sóng dữ. Những ngày hè sau khi thi đại học cùng cha mẹ đi củi Dốc Kiềng, mỗi khi chèo ghe qua đây, tôi luôn nơm nớp lo sợ. Cũng may là chưa bao giờ tôi được chèo lái. Chèo lái ghe đầy, be khẳm, chỉ cần vụng một chút có thể bỏ mạng. Nhưng chèo mũi lại càng đáng sợ, vì mỗi khi qua đây phải đối diện với con nước xoáy và hai con thuồng luồng trong tưởng tượng luôn ám ảnh. Có lần hãi quá quần tôi ướt sũng, và chiếc dầm cũng đã rời khỏi tay rơi xuống sông tự bao giờ…
Thế nhưng, tại ngã ba sông này, tôi cũng có những ngày êm đềm và những kỷ niệm đẹp. Một trong những kỷ niệm đẹp và êm đềm đó là ngày chị Ba qua sông theo chồng.
Sáng hôm đó, con nước lên sớm. Trời lặng gió. Mặt sông phẳng lặng, trong veo, không một gợn sóng. Bên kia bờ đám rước dâu thong thả xuống thuyền. Trong đầu tôi đang nghĩ không biết đến khi nào anh em tôi được ngồi vào bàn tiệc… thì đoàn ghe nhà trai đã ra đến giữa dòng. Những chiếc dù, chiếc lọng, những tà áo dài màu sắc lung linh, trong phút chốc đã cập bờ… Những tiếng chào hỏi lịch sự, thân tình xôn xao… Pháo vu quy nổ vang. Rồi tiệc tùng chúc tụng...
Xế trưa. Đoàn rước dâu và đoàn đưa dâu cùng xuống bến. Không còn những lời thưa gửi, chúc tụng. Cũng không pháo nổ tiễn đưa… Tất cả lặng lẽ và nhẹ nhàng. Con nước sắp ròng… Chiếc ghe chở chị Ba rời bến. Tôi có cảm giác chiếc ghe tròng trành… Chị cầm chiếc nón vẫy vẫy tạm biệt bọn tôi.
Ngã ba sông hôm đó đẹp đẽ và yên bình biết mấy. Hình như hai con thuồng luồng vàng, đỏ cũng “đình chiến” để tiễn chị tôi qua sông…
5. Cha tôi kể, năm 1965, làng tôi bị giặc đốt. Cha đưa cả nhà ra Bến Đò. Dựng sơ sài ngôi nhà bên bến ngã ba sông. Cha nói, ở đây vừa được tiếng là dân “trụ bám”, vừa thuận tiện trong việc đồng áng. Nhưng ở đây là ở giữa hai làn đan, hiểm nguy luôn rình rập. Cái chết sẽ ập đến bất cứ lúc nào.
Đúng như vậy. Vào một đêm mưa gió tơi bời, hai chiếc xe tăng lội nước từ Cầu Đỏ ì ầm lội lên. Đến trước bến sông nhà tôi, hai chiếc xe tăng dừng lại. Có tiếng súng nổ từ trên bờ. Ngay tức khắc, đạn từ hai xe lội nước xối xả dội lên. Tiếng AR 15 đì đoàng, chiu chíu, tiếng AK 47 đanh như thép.
Thỉnh thoảng có tiếng nổ to của lựu đạn… Tiếng súng đạn vang rền cùng tiếng gió mưa sấm sét, kinh hoàng… Cha mẹ ôm lấy chúng tôi cầu trời khấn Phật, mong tai qua nạn khỏi… Đến khoảng giữa đêm thì dứt tiếng súng. Trời cũng dứt mưa. Hai chiếc xe tăng hình như đã quay đầu rút về Cầu Đỏ… Tất cả lại rơi vào im lặng. Im lặng đến đáng sợ. Cả nhà tôi vẫn chưa dám rời căn hầm chữ A.
Suốt đêm nằm giữa hai làn đạn, may thay cả nhà tôi đều sống sót. Đó là một điều kỳ diệu. Sáng ra, khi mọi sự im ắng, những người bà con, hàng xóm đến thăm hỏi gia đình tôi. Mọi người vui mừng vì cả nhà tôi sống sót. Nhưng khi nhìn đống rổ rá, nồi niêu, bát đĩa nát bươm, tơi bời vì đạn, ai cũng lè lưỡi, hãi hùng. Vài ngày sau cha tôi quyết định di tản.
Mỗi lần dời nhà là mỗi lần khốn khổ. Ngoài việc tháo dỡ, thu gom, lại phải tìm nơi ở mới, lại dựng nhà. Thế nhưng, một lần nữa, ngay tại ngã ba sông này, cha đã có một quyết định sống còn cho cả gia đình.
Chiếc ghe nhôm nhỏ gò bằng vỏ đạn pháo sáng, phương tiện vận chuyển duy nhất bấy giờ của gia đình tôi đã từ giã Bến Đò, xuôi dòng sông Yên xuống neo Bến Cát, Cầu Đỏ. Cha mẹ gửi chị em tôi “ở đậu” nhà bác Dung, Yến Bắc, chờ dựng xong nhà mới đón chúng tôi về.
Căn nhà mới gia đình tôi vách đóng bằng ván thùng đạn Mỹ, mái lợp tôn dựng trên góc vườn một người bà con trong họ, gần Chợ Ga, ngã tư Hòa Cầm. Quanh đó, gia đình bọn thằng Anh, thằng Cương, thằng Mau, thằng Khôi cũng đã cư ngụ trước tôi mấy tháng... Chúng tôi bắt đầu làm “dân tản cư” từ đó cho đến ngày quê nhà im tiếng súng...
6. Mãi miên man trong dòng ký ức, tôi không biết thằng Trực đã gọi mấy lần. Đến khi mở máy, giọng nó ơi ới:
- “Anh bỏ máy đâu? Xong rồi. Anh về nhậu !”
- Ừ, anh về đây.
Đầu tôi nặng trĩu. Ra đồng tưởng sẽ thư giãn, thảnh thơi, ngờ đâu lòng trĩu những u hoài. Đường về nhà trở nên xa thẳm…
Tôi nhớ những bến bờ, nhớ ngã ba sông…
NGÔ TRƯỜNG THỌ