Phim điện ảnh Bố già (Trấn Thành và Vũ Ngọc Đãng đồng đạo diễn) hiện là tác phẩm Việt có doanh thu và tổng suất chiếu nguyên ngày cao nhất với 30 tỷ đồng (tính đến ngày 8-3). Phim vượt kỷ lục trước đó của Cua lại vợ bầu (19,6 tỷ đồng một ngày) chiếu dịp Tết 2019, cũng do Trấn Thành đóng chính.
Trấn Thành trong tạo hình Ba Sang trong phim Bố già. |
Hơn cả những con số thống kê trên, bộ phim Bố già đang tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ từ khán giả. Có lẽ lâu lắm rồi mới có một bộ phim thuần Việt (từ đạo diễn, diễn viên đến kịch bản, nhạc phim…) chứ không phải phim làm lại (remake) nhận được nhiều phản hồi tích cực như thế. Bắt nguồn từ dự án web-drama cùng tên do Trấn Thành đầu tư 4 tỷ đồng vào năm 2019 nhưng Bố già phiên bản điện ảnh lại khác hoàn toàn, dẫu vẫn là câu chuyện về tình cảm gia đình. Phim xoáy sâu vào sự khác biệt quan điểm giữa các thế hệ - người cha Ba Sang (Trấn Thành) và người con trai Quắn (Tuấn Trần) - cũng như xung đột gia đình giữa 4 chị em: Hai Giàu (NSND Ngọc Giàu), Ba Sang, Tư Phú (Hoàng Mèo) và Út Quý (La Thành) cùng sống trong một xóm lao động nghèo nơi con hẻm nhỏ thường xuyên ngập nước tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh diễn xuất tốt của dàn diễn viên, khung hình hài hòa về bố cục, cảnh trí và những góc quay giàu sức gợi, những cú máy giàu tính thẩm mỹ, một trong những điều làm nên thành công của phim phải kể đến những cốt lõi giá trị về gia đình và nguyên tắc sống được biểu thị đầy chất thơ. Trong nhiều triết lý được chuyển tải, nổi bật nhất vẫn là thông điệp về tình yêu thương với nhiều câu thoại day dứt. Đó là tình thương của một người đàn ông có phần bao đồng khi suốt cuộc đời luôn nhường nhịn và “giành” phần hy sinh về mình. Đó là tình yêu sâu đậm dành cho cha của đứa con trai nhưng lại vụng về trong cách thể hiện… Tình yêu thương - ba chữ giản đơn - nhưng hóa ra lại vô cùng phức tạp và rộng lớn.
Trong Bố già, một lần nữa cung bậc cảm xúc này lại được nhìn nhận ở nhiều góc độ thú vị khác nhau. Tình thương không hẳn là những lời ngọt ngào, mà còn ăm ắp trong từng câu chửi. Tình thương có lúc là nụ cười, đôi khi là nước mắt, là cả sự bất lực khi một người muốn trao nhưng người kia lại từ chối nhận: “Tại sao ba cứ hy sinh cho người khác mà không quan tâm người ta có cần hay không?”. Tình thương giúp mỗi thế hệ tìm cách rút ngắn khoảng cách để thấu hiểu, cảm thông và học hỏi những điều tốt đẹp của đối phương… Suy cho cùng, dẫu hiển thị dưới dạng hình nào, yêu thương luôn tồn tại trong cuộc sống của mỗi người bằng cách này hay cách khác và là một phần của quá trình trưởng thành về nhận thức. Điều quan trọng là chúng ta nhìn nhận tình cảm ấy ra sao và đón nhận với tâm thế nào. Và Bố già đã làm rất tốt trong việc chuyển tải giá trị nhân văn ấy trong câu chuyện quen thuộc tưởng chừng cũ mà không cũ.
Phải thừa nhận rằng, mặc dù bộ phim nhiều triết lý nhưng lại không nặng nề, dễ dàng lắng đọng trong tâm thức người xem bởi sự thân thuộc và đậm chất đời thường, từ lời thoại, xây dựng nhân vật, tình tiết…, đến cách kể mang hơi hướm phong cách slice-of-life (lát cắt cuộc sống). Xem Bố già, khán giả đôi khi nhìn thấy hình ảnh của mình trong câu chuyện dung dị hay những thước phim được tính toán tỉ mỉ, chỉn chu với những hình ảnh đầy hoài niệm, như là: con hẻm nước ngập, cãi nhau, chặn xe khi nhà có đám, hát karaoke nơi công cộng… Xem Bố già, để nhận ra mình đã yêu thương và được yêu thương ra sao, để thấu hiểu những người thương và dành nhiều thời gian hơn nữa gắn kết tình thân… Và mặc dù Bố già vẫn còn một vài hạn chế như đôi chỗ dài dòng, khâu mỹ thuật tạo hình chưa hoàn chỉnh, không mạnh về ngôn ngữ điện ảnh mà vẫn còn chất truyền hình, nhưng không thể phủ nhận đây là tác phẩm xứng đáng khuynh đảo phòng vé Việt Nam đầu năm nay.
"Chúng ta còn nhiều thời gian nhưng cha mẹ thì không. Hãy dành thời gian cho những người thương yêu nhất” Phim Bố già |
MỘC NHIÊN