Tình nghĩa láng giềng

.

Mới bước chân xuống giường đã thấy chỗ bàn ăn bốc khói nghi ngút rổ đậu luộc má vừa vớt khỏi nồi. Năm nay chỗ đất trong vườn má để dành trồng bí, không tỉa đậu mà lại có đậu vậy ta?

Má lom khom từ ngoài sân vô nhà thấy thằng con mắt tròn mắt dẹt ra điều thắc mắc thì má nói luôn. Cô Bảy cho má chỗ đậu này hồi tối đó con. Bảy nói đỗ người ta để già dùng nấu cháo, ăn chè thì đã thông dụng lắm rồi, nhưng với món luộc thì hầu như ít ai nghĩ ra.

Vậy nên Bảy hái chia mỗi nhà một ít ăn thử. Nghe chừng vậy mà ngon bá cháy bọ chét đó nghen. Má cười khề khề. Cái cô Bảy lạ thiệt là lạ, cứ có đồ gì nhà trồng được là lại mang chia cho mọi người, mà nhà có khá giả gì đâu.

Thằng con trai nghe má kể vậy thì thấy vui vui. Má trách cô Bảy mà đâu có nghĩ tới mình hồi nào. Cái tính má cũng y chang vậy luôn. Không chỉ cô Bảy, má, mà hầu như ai ai trong chòm này cũng đều như vậy. Cả chòm vỏn vẹn gần hai chục hộ gia đình, vì một lý do gì đó mà gắn bó với mảnh đất này rồi nương tựa nhau mà sống, “tối lửa tắt đèn” có nhau.

Người ngoài nhìn cách mọi người quan tâm, hỏi han nhau cứ ngỡ là anh em họ hàng, khi biết nhà này với nhà kia đều là... người dưng thì hơi ngỡ ngàng. Vườn tược rộng rãi, nhà này cách nhà kia chỉ một giậu mồng tơi, giậu dâm bụt hay dãy chè tàu chứ không phải tường cao xi-măng, sắt thép.

Thi thoảng có chú chó nghịch ngợm chạy qua phá nát luống rau tần ô, hàng xóm bên kia ngó qua lắc đầu ngán ngẩm nhưng mà cái tình dễ thương gì đâu. Coi bộ con chó tính nết không ưa tẹo nào, mai kia lớn chút nữa bán đi cho rồi. Nhà tui con chó phèn đang đẻ, giống hiền ngoan, dễ bảo, mấy nữa lớn lên tui mang cho bác một con cho nó canh nhà nghen. Nghe vậy có dễ thương không!

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Ở quê nhà nào nhà nấy chẳng khấm khá gì. Họ đều từ hai bàn tay trắng an cư lạc nghiệp, lợp được vài ba gian nhà, sắm được con trâu, con bò vừa lấy sức cày kéo, vừa lấy phân chăm bón lúa má, cây trồng ở vườn. Nhớ những mùa gặt nắng chang chang, cả chòm xúm tay lại gặt cho nhà có lúa chín trước, nhà lúa chín sau thì gặt sau. Ngày gặt lúa đông hệt như ngày hội.

Rổn rang tiếng nói cười, ai cũng quên đi những giọt mồ hôi đang ướt đẫm lưng áo. Rồi thì mùa dỡ củ mì, dỡ dây lang, bắt cá dưới đìa…, nhiều khi không cần mượn, nhác thấy bóng nhà ai đó đang làm mà hàng xóm láng giềng rảnh là xúm vào làm giúp.

Những đêm trăng nông nhàn, chuyện đồng áng coi như thu xếp xong. Tối tối trên khoảnh sân gạch đỏ au, người ta thấy các bà các mẹ, các bác, các chú tụ tập nhau hàn huyên chuyện trò.

Người nói trông nông dân ấy vậy mà sướng, khổ cực trong mấy ngày mùa, còn mưa, nắng cứ nhởn nhơ, thảnh thơi, ưng thì ra vườn cuốc cỏ trồng cây, không nữa thì xuống đìa mò cua, bắt cá, đi loanh quanh cũng có ngay nhúm rau dại để nấu nên không sợ đói.

Những người xa quê hương, vì cuộc sống mưu sinh phải tới một vùng đất khác thì họ nhớ nhất là tình làng nghĩa xóm.

Họ gọi điện về cho người thân nói nhớ vô cùng chòm xóm nhà mình. Nhớ vô cùng! Thèm được “trổ” cái chất quê giữa chòm xóm của mình vô cùng! Chẳng phải ý tứ ngó trước ngó sau gì cho mệt.Vậy nên, dường như những người xa quê hương đều muốn trở về với đất mẹ.

Hôm bữa có cụ già nói ước nguyện trước khi rời cõi tạm là được sum vầy trong vòng tay con cái, chòm xóm láng giềng, nghe xong má rưng rưng và hình như ai cũng thấy rưng rưng…

ĐÀO THANH TÙNG

;
;
.
.
.
.
.