* Để chỉ người cha, văn học cổ có khi dùng từ “xuân đường”, có khi dùng từ “thung đường”. Trong hai từ này, từ nào đúng? Huyên trong từ “huyên đường” (chỉ người mẹ) có nghĩa ra sao? (Nguyễn Ngọc Hòa, quận Thanh Khê, Đà Nẵng).
- Trong tiếng Hán, từ 椿 có hai cách đọc xuân hoặc thung. Hán Việt Tự điển của Thiều Chửu giảng 椿 là: “Cây xuân. Ông Trang Tử nói đời xưa có cây xuân lớn, lấy tám nghìn năm làm một mùa xuân, tám nghìn năm là một mùa thu, vì thế người ta hay dùng chữ xuân để chúc thọ. Nay ta gọi cha là xuân đình cũng theo ý ấy. Tục đọc là chữ thung”.
Người xưa dùng từ xuân để chỉ người cha với ý mong cầu cha sống lâu như cây xuân.
Theo Từ điển Phật học, trong sách Trang Tử, phần Tiêu Dao Du có đoạn chép: “Thượng cổ hữu đại Thung giả, dĩ bát thiên tuế vi Xuân, bát thiên tuế vi Thu” (thời xưa có cây thung lớn, lấy tám ngàn năm làm một mùa Xuân, tám ngàn năm làm một mùa Thu)”. Vì vậy, sau này cây Thung được dùng thể hiện sự trường thọ và mượn thay thế cho người cha. Nơi người cha ở được gọi là Thung đình, Thung đường hay Thung phủ. Từ đó có câu “Thung đường trường thanh” (Nhà có cây thung xanh mãi) để chúc thọ cho phụ thân.
Từ cũ gọi cha mẹ là “Xuân huyên”, ví cha mẹ như cây xuân và cỏ huyên, hai loài cây cỏ sống lâu. Có thể thấy trong Truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du dùng cả hai cách gọi xuân và thung chỉ người cha: “Xuân huyên lo sợ xiết bao/ Quá ra khi đến thế nào mà hay!”; “Thung huyên tuổi hạc đã cao”; “Ở trên còn có nhà thung/ Lượng trên trông xuống biết lòng có thương”.
Trong truyện thơ Nhị độ mai cũng có cách dùng tương tự: “Chị nhờ em gánh hiếu trung/ Chồi huyên gần cỗi gốc thung gần già”. Hoặc trong ca dao: “Em về thưa với thung huyên/ Chốn này ta đã thành duyên nhau rồi”.
Về từ huyên 萱, Hán Việt Tự điển của Thiều Chửu giảng: “Cỏ huyên. Một tên là vong ưu, lại gọi là nghi nam, hoa lá đều ăn được cả. Kinh Thi có câu Yên đắc huyên thảo, ngôn thụ chi bối (sao được cỏ huyên, ở sau nhà phía bắc), tức là hoa này vậy. Nhà phía bắc là chỗ đàn bà ở, vì thế gọi mẹ là huyên đường”.
Từ điển Phật học giảng cụ thể hơn. Theo đó, huyên là loại cây cỏ sống lâu năm, Huyên thảo là loại Kim châm, tương truyền khi ăn vào thì làm cho người ta quên đi ưu sầu, phiền muộn; nên được gọi là Vong ưu thảo (Cỏ quên buồn) và thường được dùng thay thế cho người mẹ. Nơi người mẹ cư ngụ được gọi là Huyên đường, tức là nơi có trồng nhiều loại cỏ huyên để giúp mẹ quên đi mọi ưu phiền.
Nếu như cả cha lẫn mẹ đều song toàn, tức vẫn còn sống thọ, thế gian thường dùng câu chúc thọ là “Thung Huyên tinh mậu” (cây Thung và cây Huyên cùng tươi tốt). Trong bài thơ Tống Từ Hạo của Mâu Dung nhà Đường có câu: “Tri quân thử khứ tình thiên cấp/ Đường thượng thung huyên tuyết mãn đầu” (Biết người đi mãi tình ngăn cách/ Nhà vắng mẹ cha tóc bạc đầu). Hay trong Nhất chi hoa, Tử đệ mỗi tâm ký thanh lâu thọ nhân khúc của Thang Thức (nhà Minh, Trung Hoa) có đoạn: “Thung huyên suy mại, tùng cúc tiêu điều (Mẹ cha suy yếu, tùng cúc tiêu điều)”. Hoặc trong bài Mẫu đơn đình của Thang Hiển Tổ nhà Minh cũng có câu: “Đương kim sanh hoa khai nhất hồng, nguyện lai sanh bả huyên thung tái phụng” (Ngày nay đơm hoa nở nụ hồng, nguyện đời sau gặp mẹ cha cung phụng).
ĐNCT