Các hiệp hội sản phụ khoa trên thế giới qua các nghiên cứu khẳng định độ tuổi tốt nhất để sinh con của phụ nữ là trong khoảng từ 20 đến dưới 35 tuổi.
Nhân viên Trạm y tế xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) tư vấn dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai.Ảnh: H.N |
Ở Đà Nẵng, các phòng Dân số thuộc Trung tâm Y tế quận, huyện cũng như bệnh viện chuyên khoa chưa có các cuộc khảo sát chuyên đề về độ tuổi phụ nữ có con lần đầu hay lần thứ hai. Song, theo chia sẻ của những người làm công tác dân số ở một số địa phương, tuổi mang thai của phụ nữ đã tăng lên trong những năm gần đây.
Đẩy mạnh khám sức khỏe tiền hôn nhân
Trạm Y tế xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) bên cạnh việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, tuyên truyền phòng chống lao, HIV/AIDS, các chương trình y tế học đường, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, tiêm chủng mở rộng, khám chữa bệnh cho người dân…; còn cung cấp các dịch vụ tư vấn sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ - trẻ em, kế hoạch hóa gia đình, thực hiện các biện pháp tránh thai. Nhiều năm rồi trạm không đỡ đẻ dù đây là một nhiệm vụ, do người dân lựa chọn sinh con ở các bệnh viện.
Tổng số phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (từ 15-49) của xã Hòa Tiến là 8.126 người, trong đó có 3.021 người đã có gia đình. Chị Nguyễn Thị Phương Thảo, Trạm trưởng Trạm Y tế xã cho biết, với 32 cộng tác viên dân số và 13 nhân viên y tế thôn hoạt động trên địa bàn 12 thôn, xã có đội ngũ khá hùng hậu tuyên truyền, vận động về các chính sách dân số. Từ năm 2020, trạm y tế của hai xã Hòa Tiến và Hòa Sơn được huyện Hòa Vang chọn thí điểm thực hiện chương trình tư vấn tiền hôn nhân cho các cặp đôi sắp kết hôn (thuộc Chương trình Mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2021-2025).
Sau tư vấn, các cặp đôi được khám sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân tại Bệnh viện đa khoa huyện Hòa Vang. “Các cuộc họp do Hội LHPN tổ chức cũng chỉ toàn phụ nữ đến dự, nên chúng tôi sẽ tuyên truyền lồng ghép vào các cuộc họp thôn. Vấn đề sức khỏe sinh sản không phải của riêng phụ nữ mà đó là chuyện của cả hai giới. Muốn chú trọng chất lượng dân số, phải quan tâm đến sức khỏe của bố mẹ trước khi mang thai”, chị Thảo nhấn mạnh.
Xét nghiệm sàng lọc trước hôn nhân có thể phát hiện bất thường trong cơ quan sinh sản của phụ nữ và đàn ông, xử trí các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng sinh sản. Việc khám sức khỏe tiền hôn nhân để xét nghiệm sàng lọc bệnh lý, bác sĩ sẽ có những tư vấn, phương pháp điều trị kịp thời.
Sinh đủ 2 con
Hiện nay, Đà Nẵng đạt mức sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ, thuộc nhóm 22 địa phương có tổng tỷ suất sinh dưới 2,1 con/phụ nữ (dưới mức sinh thay thế). Ông Nguyễn Công Tín, Phó phòng phụ trách Phòng Dân số - Trung tâm Y tế quận Hải Châu đánh giá, số ca sinh giảm có thể đi kèm với yếu tố tuổi sinh con của phụ nữ tăng lên so với trước đây.
“Từ năm 2000, Hải Châu bước vào giai đoạn mức sinh thay thế giảm, với đà giảm như hiện nay, địa phương đang bước vào giai đoạn già hóa dân số”, ông Tín cho hay. Ông Tín cũng cho rằng, với thực trạng dân số như vậy, chính sách dân số cần có nhiều thay đổi. “Đà Nẵng được Chính phủ đưa vào nhóm khuyến khích sinh, song có chính sách tăng sinh hay không phải chờ UBND thành phố quyết định và Quyết định số 588/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030” vẫn chưa được cụ thể hóa trong thực tế. Đến nay, thành phố vẫn áp dụng chính sách hỗ trợ giảm sinh và câu tuyên truyền vẫn là “Sinh đủ 2 con”, chính sách dân số không cưỡng chế mà kêu gọi sự tự nguyện”, ông Tín chia sẻ.
Nguồn: Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Đồ họa: THANH HUYỀN |
Thực tế, hiện nay độ tuổi kết hôn lần đầu của nam nữ thanh niên là 25,2 tuổi, tăng 0,7 tuổi so với năm 2009, trong đó nam giới kết hôn muộn hơn nữ giới 4,1 năm (tương ứng 27,2 tuổi và 23,1 tuổi). Kéo theo, tỷ suất sinh đặc trưng theo tuổi (ASFR) của phụ nữ nhóm 25-29 tuổi có mức sinh cao nhất, bình quân có 130 trẻ sinh sống/1.000 phụ nữ; nhóm phụ nữ từ 30-34 tuổi có ASFR là 84 trẻ sinh sống/1.000 phụ nữ.
Kết quả điều tra cũng cho thấy, ASFR của khu vực thành thị không những thấp hơn mà còn có độ “trễ” so với khu vực nông thôn, nghĩa là phụ nữ thành thị sinh muộn và sinh ít con hơn phụ nữ nông thôn. Ở khu vực thành thị, mức sinh cao nhất thuộc về phụ nữ 25-29 tuổi với 127 trẻ sinh sống/1.000 phụ nữ; trong khi ở khu vực nông thôn, mức sinh cao nhất thuộc về nhóm tuổi 20-24 với 147 trẻ sinh sống/1.000 phụ nữ. Nếu so với mức sinh của phụ nữ cùng nhóm tuổi 20-24 ở khu vực thành thị thì con số được sinh ra của những phụ nữ sống ở khu vực nông thôn cao gần gấp đôi (147 trẻ em sinh sống/1.000 phụ nữ so với 78 trẻ em sinh sống/1.000 phụ nữ)(*).
Vì Đà Nẵng chưa có một cuộc điều tra riêng ở cấp quận, huyện cũng như bệnh viện chuyên khoa về độ tuổi bà mẹ sinh con/ sinh lần 1 hoặc 2, nên chúng tôi hỏi trực tiếp những người làm công tác dân số lâu năm, thì được các chị chia sẻ rằng tuổi có con của phụ nữ ở Hòa Vang hiện nay tăng khoảng 2 tuổi (trong 5 năm gần đây) và tăng khoảng 5 tuổi (trong 10 năm gần đây).
Việc tăng độ tuổi kết hôn, sinh con gây ra nhiều hệ lụy về sự phát triển giống nòi, tăng chi phí điều trị vô sinh khi có nhiều cặp vợ chồng rơi vào tình trạng hiếm muộn sau 3-5 năm kết hôn; chưa kể nhiều người được chẩn đoán là “vô sinh thứ phát” (khó/không đẻ được con thứ hai sau khi có con thứ nhất) mà không rõ nguyên nhân. Chị N.T.P.T (thôn Yến Nê 1, xã Hòa Tiến) cho biết, con đầu của chị đã 8 tuổi, 3 năm nay, chị và chồng phải đi chữa ở phòng khám tư cũng như ở khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng nhưng chưa có kết quả.
Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Lê, Trưởng khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho biết, độ tuổi tốt nhất để sinh đẻ là từ 25-30 tuổi, không nên trì hoãn việc mang thai, có con sau khi lập gia đình. Đối với phụ nữ sau tuổi 35, chất lượng trứng và số lượng trứng đã giảm dần theo thời gian, vì vậy khả năng thụ thai ở phụ nữ cũng giảm, nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể ở em bé càng cao. Đặc biệt, càng lớn tuổi phụ nữ càng dễ bị các bệnh như tăng huyết áp, tiểu đường, nguy cơ thai kỳ cao như sẩy thai, sinh non, thai chậm phát triển cũng gia tăng. Qua theo dõi thực tế, bác sĩ Phương Lê cũng nhận thấy là tuổi hiếm muộn cũng trẻ hóa khi rơi vào độ tuổi 31-32.
Sau hơn 5 năm được nâng lên thành chuyên khoa của bệnh viện, đội ngũ y bác sĩ chuyên về hiếm muộn đã giúp tỷ lệ đậu thai của nhiều cặp vợ chồng tăng lên 45-50%, tỷ lệ này khá cao so với nhiều chuyên khoa của các bệnh viện có khoa hiếm muộn.
HOÀNG NHUNG
(*) Số liệu được trích từ Thông cáo báo chí kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê.