Với Cảm ơn vì đã được thương (NXB Trẻ), tác giả Minh Phúc không chỉ mang đến mà còn gợi nhắc mọi người cách gieo trồng yêu thương trong cuộc sống vội vã này.
Minh Phúc hoàn thành Cảm ơn vì đã được thương sau khi trải qua những ngày chiến đấu với bệnh tật. Với chị, thời gian là thứ tài sản quý báu, nhưng chính lòng yêu thương và tinh thần sống lạc quan mới là chiếc chìa khóa vạn năng có thể giúp con người ta bật mở mọi cánh cửa…
Với hơn 30 bài viết, cuốn sách lần lượt được chia thành 4 phần có chủ đề khác nhau: “Dưới những vòm cây”; “Ăn gì cho bớt nhớ”; “Một khi còn Má” và phần cuối “Vì tôi cần thấy em yêu đời”.
Sau lời giới thiệu “Viết, để thương” biểu lộ hết tâm can và lý do của một người cầm bút mang trong mình trọng bệnh, Minh Phúc đã liên tiếp dùng gần 200 trang viết khác để “điều hướng” cảm xúc và cách nhìn nhận cuộc sống của bạn đọc. Với chị, hồi ức tuổi thơ giàu có và tinh thần sống chậm ở thì hiện tại chính là hai “công cụ” giúp bản thân tung hứng nhuần nhuyễn, để rồi mang đến cho người đọc những câu chuyện lay đọng tâm can.
Phần 1 “Thương một cái cây”, Minh Phúc tỉ mỉ quan sát về “những người bạn lớn” của đời mình. Nào là dây trầu không của ngoại, gốc xoài thanh ca nơi sân nhà ngày xưa, nào là cụm cỏ lau đi lạc dát mình vào một khoảnh sân chung cư cho đến cây điệp vàng lặng lẽ khiến góc phố thảm vàng… Mỗi cái cây, đối với chị đều là một thực thể sống biết tương tác và cảm nhận: “Những cái cây không cần đến một đời sống ảo, chúng hiện diện đó, ban tặng nhiều niềm vui, cả những sự khích lệ. Cây khiến tôi phải tỉ mỉ nhìn ngắm lại cuộc đời mình”.
Phần 2 “Ăn gì bớt nhớ”, Minh Phúc cũng viết về những món ăn với mật độ dày đặc. Với cô, căn bếp của má, những món ăn ngày xưa luôn có những mùi hương, phong vị đặc trưng không thể trộn lẫn, chúng luôn gây thương nhớ và hấp dẫn theo từng mùa. Đó là cá linh kho lạt, là rau nhút, là bánh cốm, là cá lóc nướng trui, là chuối ngào đường, mứt dừa, mứt mận… Tác giả đã cho người đọc thấy, ẩm thực chính là chất keo bền chặt để kết nối thế hệ. Chẳng thế mà cách cô nhớ và viết về những món ăn quê hương luôn thật thân thương và hồ hởi. Hình như một lần viết chính là thêm một lần nữa cô “ôn bài”, nhẩm nhắc lại công thức chế biến của từng món để mai này còn “giữ Tết cho con”.
Phần 3 “Một khi còn má” có ít bài nhất nhưng giàu tính tự sự và thật cảm động. Thông qua những câu chuyện, những lời dẫn dắt, bạn đọc biết phần nào gia cảnh của tác giả. Tuổi thơ của chị ngoài những giây phút thảnh thơi cùng cỏ cây, vườn tược, ngoài sự ngọt ngào cùng mứt bánh cũng hiện hữu những nốt trầm buồn khi gia đình thiếu sự chăm chút của người cha, ông hầu như luôn bận rộn và vắng mặt. Hình ảnh người mẹ được khắc họa bằng những nét bút gần gũi và nhân ái. Đó là một bà má cần cù, chịu khó, luôn sẵn sàng nhận lấy phần thiệt thòi để các con mình được lớn lên. Mẹ vừa là bạn, vừa là người thầy mang đến cho cô nhiều bài học quý giá về cách yêu thương, đối đãi: “Trong từng chuyện nhỏ má làm, tôi học được rằng, cái pháp dùng thuốc nam nhẹ nhàng dễ chịu cho những cơn bệnh vặt, có khi hết được là còn phụ thuộc vào sự chân thành và tình yêu bạn dành cho người mình chăm sóc. Ta không làm nó một cách thờ ơ hay trong cáu gắt dồn ép, mà ta phải làm trong sự cẩn trọng, tỉ mỉ dịu dàng nhất mà mình có thể”.
Có thể nói, hoài niệm và những hồi ức là sợi chỉ xuyên suốt, dẫn dắt toàn bộ tập sách Cảm ơn vì đã được thương. Tác giả tái hiện những câu chuyện bằng tản văn, một thể loại văn chương được ví như nhật ký ngày… tháng… năm của người cầm bút.
Trong phần cuối viết dành riêng cho phụ nữ, có thể tác giả không cố tình truyền đi quá nhiều cảm hứng bởi những “chuyện nhặt” của chị không có nhiều tình tiết, không cao trào. Thế nhưng, chính sự nâng niu và đồng cảm, chính những góc nhìn mới mẻ giúp những trang văn đượm đẫm thương yêu khi chúng chạm tay người đọc. Với chị, khi người phụ nữ tỏa ra năng lượng tích cực thì tất cả mọi gánh nặng trên vai đều bỗng nhiên nhẹ bẫng, mọi thứ sẽ trở nên giản dị, ấm cúng và an lành.
DIỆU THÔNG