Nếu ai đã từng bước vào một quán cà phê sách với những giá kệ sách đa dạng, trình bày tinh tế trong không gian mát mẻ, tràn ngập cây xanh, ngồi giữa gam màu tươi tắn lẫn mùi cà phê thoang thoảng, hẳn sẽ lý giải được vì sao hệ thống thư viện, phòng đọc sách cơ sở ít thu hút người đọc như hiện nay.
Được đánh giá là phòng đọc sách cấp phường quy mô nhất trên địa bàn thành phố, song đầu sách tại phòng đọc Xuân Hà vẫn ít, trên 80% là sách cũ.Ảnh T.Y |
Không gian cà phê sách:Thu hút người đọc
Nguyễn Thị Diệu Hiền, sinh viên khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng cho biết, bạn sẵn sàng dè sẻn tiền ăn sáng để đến quán cà phê sách đọc sách. Đơn giản nhiều quán cà phê sách hiện nay có sách hay, đa dạng, thậm chí có cả sách chuyên ngành hỗ trợ sinh viên cần đọc. Những đầu sách được sắp xếp bài bản, nơi Hiền có thể vừa đọc sách văn học, vừa có thể tìm thấy cuốn sử hay ho.
“Không gian cà phê sách vừa đủ nhưng bài bản, tinh tế, có chọn lọc khiến những cuốn sách trở nên hấp dẫn, thu hút. Ngoài ra, đa phần những ông chủ, bà chủ quán cà phê sách là người yêu sách. Trong hành trình tìm kiếm những cuốn sách hay, sách quý, họ sẵn lòng chia sẻ niềm đam mê sách đến khách cà phê. Nhờ thế, tôi có thể trao đổi, nhờ họ hỗ trợ tìm sách, sự dễ chịu này khó tìm thấy ở thư viện hay phòng đọc cơ sở”, Hiền nói.
Không chỉ Hiền mà một số cán bộ thư viện cũng nói rằng, họ rất mong thư viện hoặc phòng đọc cơ sở được đầu tư không gian như các quán cà phê sách. Một không gian rộng thoáng, gam màu tươi mát, sạch sẽ với hệ thống máy lạnh, giá kệ bài bản, thẩm mỹ, khoa học và các đầu sách được liên tục thay mới.
Ông Lê Đinh Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao (VH-TT) huyện Hòa Vang cho rằng, hiện nay hệ thống thư viện tuyến quận, huyện còn nặng về nhiệm vụ tuyên truyền, trưng bày ấn phẩm sách chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Trong khi đó, số lượng bạn đọc đến thư viện, phòng đọc cơ sở ngày càng thưa thớt, chủ yếu là người già và trẻ nhỏ, thiếu hẳn đối tượng đọc ở độ tuổi từ 20-50.
Được đầu tư không gian rộng 300m2, nhưng Thư viện Hòa Vang chỉ mới tiếp nhận hơn 800 người đến làm thẻ bạn đọc. Một số nguyên nhân, theo ông Hải, do kiến trúc tòa nhà khô cứng, nguồn sách nặng về nội dung tuyên truyền pháp luật, khoa học đời sống, chăn nuôi - trồng trọt, sách bồi dưỡng chính trị mà ít có các tác phẩm văn học, lịch sử có giá trị. Chưa kể, tổng số sách của thư viện hiện nay chỉ trên 16.000 bản nhưng trên 80% là sách cũ, nhiều cuốn hư hỏng cần thanh lý.
Phát triển thư viện, phòng đọc sách cơ sở: Nhiều khó khăn
Nguồn sách không bảo đảm, nội dung lỗi thời, mô típ trưng bày khô cứng, thiếu sinh động tại thư viện, phòng đọc cơ sở là những điểm trừ khiến thư viện kém hấp dẫn bạn đọc. Nhiều ý kiến cho rằng, đa phần trụ sở thư viện, phòng đọc sách cơ sở nằm trong trụ sở UBND phường, xã, hoặc ghép chung với nhà truyền thống phường, xã, nhà sinh hoạt cộng đồng tại các khu dân cư.
Ông Lê Hữu Việt, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT và Học tập cộng đồng phường Xuân Hà, người được giao quản lý phòng đọc sách Xuân Hà (địa chỉ 570 Trần Cao Vân) cho biết, phòng đọc rộng 90m2 chỉ đủ để bố trí bàn ghế, tủ sách, chưa có không gian dành cho cây xanh.
Ngoài việc trông chờ nguồn hỗ trợ, luân chuyển sách, báo từ Thư viện Khoa học Tổng hợp (KHTH), phòng đọc Xuân Hà kêu gọi người dân địa phương đóng góp nhưng chủ yếu nhận về sách cũ hoặc sách giáo khoa, sách tham khảo của phụ huynh học sinh.
Ngoài ra, cán bộ kiêm nhiệm, đa phần công tác tại bộ phận văn hóa thông tin, tổ chức đoàn thể cũng là những rào cản khiến chất lượng hoạt động thư viện, phòng đọc sách cơ sở không được đánh giá cao.
Ngay bản thân ông Lê Hữu Việt có nhà đối diện phòng đọc Xuân Hà cũng không thể có mặt 100% tại phòng đọc trong khung giờ hành chính. Là Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT và Học tập cộng đồng phường Xuân Hà, ông Việt có nhiệm vụ không chỉ coi ngó phòng đọc, ghi chép việc mượn - trả sách mà đảm trách luôn các hoạt động liên quan tới văn hóa trên địa bàn phường.
Ông bảo, nhiều dịp phường tổ chức sân chơi văn hóa, văn nghệ, ông phải tập trung công tác tổ chức nên phòng đọc chỉ mở cửa một số giờ nhất định trong ngày.
Hầu hết người thích đọc sách văn học đều muốn được đọc sách trong một không gian thoáng đãng, nơi họ có thể “sống chậm” với từng con chữ. Đối với sách có nội dung khoa học nghiêng về học thuật, kiến thức khô cứng, người đọc cần thêm sự yên tĩnh, ngăn nắp, trong căn phòng đủ sáng với gam màu tinh tế, nhẹ nhàng.
Bà Nguyễn Thị Hội An, Phó Giám đốc Sở VH&TT, nhìn nhận: Đề án “Phát triển hệ thống thư viện công cộng thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2017-2020” đã giúp ngành thư viện Đà Nẵng có bước phát triển mới khi 100% quận, huyện có hệ thống thư viện (riêng quận Hải Châu không thành lập thư viện do trên địa bàn quận đã có Thư viện KHTH), 17 phòng đọc sách phường, xã.
Các thư viện được trang bị máy tính, kết nối mạng nội bộ, truy cập sử dụng chung thư viện điện tử từ Thư viện KHTH Đà Nẵng. Song song mô hình thư viện truyền thống, Thư viện KHTH Đà Nẵng tích cực số hóa nguồn tài liệu, tạo cơ hội tiếp cận cho bạn đọc không đủ điều kiện đến thư viện…
Tuy nhiên, trước nhu cầu ngày càng đa dạng của người dân, hệ thống thư viện, phòng đọc sách cơ sở cần tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, con người, đổi mới hình thức lẫn tư duy mới mong tiếp cận được độc giả.
TIỂU YẾN