Chợ Thu Bồn quê tôi, xứ sở của lễ hội bà Thu Bồn, đang bày bán rất nhiều cá mòi, thứ đặc sản được thiên nhiên ban tặng vào độ từ đầu xuân đến chớm hè hằng năm. Cá mòi vào giữa vụ nên giá rất rẻ, tôi mua trọn một rổ đầy mang ra Đà Nẵng để gia đình xay làm chả và biếu bạn bè chút quà quê. Nhìn rổ cá mòi, chợt nhớ tới truyền thuyết của loài cá này đã được nghe từ thời niên thiếu mà lòng thêm chênh chao.
Cá mòi trông giống như cá trích, vảy li ti, thân dẹp, dài, nhiều xương nhỏ, thịt hơi dai. Ảnh: chosachaloha.vn |
Chuyện kể rằng, ngày xưa chim cu ngói sinh sản vào mùa thu hằng năm. Khi trứng nở ra chim con, cu mẹ suốt ngày tần tảo tìm mồi nuôi con cho đủ lông cánh và bắt đầu tập bay cho bầy chim non. Khi những đứa con của mình đến độ chập chững vỗ cánh và biết đi tìm thức ăn nuôi sống bản thân mình thì cu ngói mẹ quyết định dứt tình mẫu tử.
Chim mẹ sải cánh bay lên cao rồi ngoái đầu nhìn lại cái tổ để vĩnh biệt đàn con thân yêu rồi bay về phía biển xa tít tắp. Ở nơi cửa biển, cu ngói vắng con và cô đơn trống trải đến chạnh lòng nên đã hóa kiếp thành con cá mòi trắng bơi lội trong vùng nước lợ. Đến đầu mùa xuân năm sau, khi bụng cá mòi no tròn hai buồng trứng, cá mòi lại bơi ngược dòng sông tìm về cố hương để đẻ trứng. Sinh sản xong, cá mòi lại hóa thành cu ngói…
Khúc sông Thu Bồn từ bến đò ngang Phú Thuận, huyện Đại Lộc qua Thu Bồn, huyện Duy Xuyên cho đến làng chài Khe Cát, Thạnh Xuyên cá mòi tập trung nhiều nhất. Chưa có ai lý giải vì sao dòng Thu Bồn dằng dặc từ non xanh xuống biển cả êm đềm như dải lụa mà chỉ có mỗi đoạn chưa tới bốn cây số lại có cá mòi tập trung nhiều. Không ít người đưa ra nguyên do… này nọ, song cũng chỉ là dự đoán mà thôi.
Chỉ biết rằng vào mùa cá mòi, bà con ngư dân Khe Cát quăng chài, thả lưới, đóng nò bắt hàng tạ cá cung cấp cho các chợ Phú Đa, Phú Thuận, Thu Bồn tiêu thụ hằng ngày. Theo kinh nghiệm của mấy lão ngư làng chài, khi những cây gạo trong làng bung hoa đỏ cháy thì cá mòi sông Thu xuất hiện rất nhiều, nhất là những ngày nắng nóng mà hây hẩy gió nồm thì cá mòi đầy ghe. Cá mòi trông giống như cá trích, vảy li ti, thân dẹp, dài, nhiều xương nhỏ, thịt hơi dai. Cá mòi được chế biến nhiều món ăn hấp dẫn như kho rim tiêu sọ, chiên giòn, xay nhuyễn làm chả, cuốn ram.
Dịp lễ hội Thu Bồn, du khách các nơi tìm về làng tôi không chỉ để chiêm nghiệm hoạt động của văn hóa tín ngưỡng tâm linh mà còn là dịp thưởng thức bát mì Quảng chan nhưn cá mòi. Để có được nồi nước nhưn tỏa mùi phưng phức, cá mòi phải tươi rói được làm sạch, xay kèm với ít thịt heo nạc, gia vị rồi viên tròn thả vào nồi nước đang sôi sùng sục.
Cá mòi sông Thu Bồn ngon nhất là trong các tháng Giêng, Hai âm lịch. Kinh nghiệm của người lâu năm gắn bó với vùng đất ven sông này từ thuở xa xưa thật thuyết phục bởi thời gian này cá mòi bụng có đầy trứng nên thịt còn vị thơm, béo, ngọt dai nhưng sau khi chúng đẻ xong thì thân càng dẹp hơn, thịt mềm nhũn, mùi đặc trưng giảm hẳn nên ăn dở. Vì vậy, nhiều người quê tôi nói cá mòi sống ở cửa biển không thể ngon hơn cá mòi ngược nước lên nguồn là thế.
Hằng năm, cứ vào mùa cá mòi, chợ quê càng nhộn nhịp kẻ mua, người bán. Bên cạnh việc chế biến các món cho mỗi bữa cơm nhà, cá mòi được muối mắm trong các hũ sành, mổ bụng phơi khô treo giàn bếp để dành cho những tháng ngày mưa gió, nước dâng ngập chìm cả chợ. Đâu chỉ có bà con vạn chài Khe Cát, Bến Dầu và những người gắn bó với dòng sông Thu bao đời nay mới “biết ơn” cá mòi ngược nước mà còn có đứa con sinh ra từ làng đã đi xa cũng trĩu nặng nỗi nhớ thương da diết con cá mòi gầy guộc của chốn quê nhà. Thương lắm cá mòi ơi!
Cá mòi là loài cá có đồng hồ sinh học rất đặc biệt, giống với cá hồi ở các nước phương Tây bởi chúng đều sinh ra tại sông, ở trong môi trường nước ngọt một thời gian ngắn rồi xuôi về cửa biển để sống. Khi cái rét của đông giá trút bỏ cũng là khoảng thời gian cá mòi đến thời kỳ sinh nở. Không giống như nhiều loài cá khác đẻ trứng một cách dễ dàng, cá mòi “vượt cạn” hết sức gian khó, tuy bụng căng đầy trứng nặng nhọc nhưng cá mòi cái phải lao ngược dòng chảy; nước chảy càng mạnh, cá mòi đẻ trứng càng dễ dàng. Thấy cá mòi cái ngược dòng, những con cá đực không muốn xa bạn tình cũng bơi theo nên tạo thành đàn. |
THÁI KIỀU VI