Trẻ em thật hạnh phúc. Nhờ sự chắp cánh của trí tưởng tượng và lòng yêu thương thuần khiết, các bé bay đến khắp nơi, thăm thú và nhìn ngắm muôn vàn điều hay và mới mẻ.
Tác giả Trần Vân Anh từng viết trong cuốn sách Hôm nay mẹ có vui không? (NXB Phụ nữ, Phương Nam Book, 2021): “Không thể trông đợi sự tiến bộ ở một đứa trẻ, nếu bố/mẹ bảo thủ, gia trưởng, luôn muốn ra lệnh, kiểm soát con mình. Càng tức giận càng phản tác dụng, càng ép con nói thì con càng im lặng hơn. Câu hỏi “vì sao con làm như thế” luôn là sự đánh đố con. Chỉ có trái tim thương yêu, sự thấu hiểu sâu sắc và đầu óc cởi mở mới có thể làm con thay đổi”.
Là một bà mẹ hai con, tôi thấm thía những thông điệp sâu sắc mà tác giả cuốn sách chia sẻ. Tôi vẫn thường đặt điều kiện cho con mình trong mỗi lần tương tác, kiểu: “Con phải ngoan, mẹ mới yêu”; “Con phải ăn cơm giỏi, mẹ mới yêu”; “Con phải ngừng la hét, mẹ mới yêu”.
Nhớ có lần vì công việc bộn bề, thời tiết khó chịu nên tôi rất hay nổi quạu, đặc biệt là trước giờ đi ngủ của các con. Một đứa trẻ 2 tuổi thường bày đủ trò, hết đòi mặc kiểu áo quần theo đúng sở thích lại bắt lấy sữa, lấy nước, mở điện tắt đèn. Bực bội, tôi la ó liên hồi thì bỗng nhiên con lấy tay âu yếm sợi tóc của tôi vương xuống gần mặt, thầm thì: “Mẹ ơi, mẹ đẹp lắm, Bắp yêu mẹ rất nhiều”. Giây phút đó, trái tim tôi tan chảy vì lòng yêu thương vô điều kiện của con.
Bạn bè trong nhóm làm mẹ bỉm sữa của tôi thường kháo nhau: “Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình”. Nếu cậu con trai 2 tuổi chỉ cho tôi những lỗ hổng trong quá trình ban tặng yêu thương thì cô con gái 5 tuổi lại “báo động” tôi về sự lão hóa, già cỗi ngày càng hiện hữu rõ nét trong tâm hồn. Đã vô số lần con yêu cầu tôi đặt tên con theo tên các nàng công chúa tốt bụng trong truyện cổ tích hay các nhân vật xinh đẹp trong truyện tranh mà có dịp tôi kể cho bé nghe. Nhìn vầng trăng khuyết, con bảo đó là khuôn miệng cười; ngửa mặt thấy máy bay trên trời nhả khói trắng, con kể cho tôi nghe câu chuyện các hoàng tử đang được đưa đến vương quốc xa xôi nào đó để đấu tranh, diệt trừ những bà phù thủy gian ác… Vì tâm lý không muốn con hình thành thói quen suy nghĩ rời xa thực tế nên tôi đã luôn điều hướng những câu chuyện về lại gần với sự thật nhất. Tôi đã quên mất lứa tuổi của con đang ở ngưỡng vàng của trí tưởng tượng. Tôi quên mất hàng trăm hàng ngàn mẫu chuyện giúp bồi bổ tâm hồn và giáo dục đạo đức cho trẻ đều xuất phát từ những câu chuyện ngụ ngôn không hề có thật. Tôi đã quên mất về sự kiện hai mẹ con nhà Edith bên kia bờ đại dương.
Ở đó, bà mẹ sau khi thấy cô con gái Edith 3 tuổi chỉ vào ký tự đầu tiên trong từ “Open” gắn trên cánh cửa và bảo đấy là chữ O, bà đã ngay lập tức làm hồ sơ kiện trường mẫu giáo nơi Edith theo học. Trước tòa, bà biện hộ chính cô giáo đã cắt đi đôi cánh tưởng tượng của một đứa trẻ. Trước khi là chữ O thì ký tự đó có thể là quả trứng, là mặt trời hoặc quả táo… Bà mẹ đã thắng kiện, được bồi thường và tiểu bang Nevada - nơi mẹ con bà sinh sống - đã sửa đổi lại Luật Bảo hộ giáo dục cho công dân. Ngoài quy định quyền lợi của trẻ em tại trường học là quyền được chơi, được học tập, họ thêm vào quyền được tưởng tượng.
Nhà vật lý nổi tiếng Albert Einstein từng nói: “Logic sẽ đưa chúng ta từ điểm A đến điểm B, còn trí tưởng tượng sẽ đưa chúng ta tới mọi nơi”. Tôi tin rằng, không chỉ những đứa trẻ nhà tôi mà hàng tỷ cô bé cậu bé khác trên đời này thật hạnh phúc. Nhờ có trái tim yêu thương thuần khiết và đôi cánh của trí tưởng tượng tuyệt vời để bay đến khắp nơi, thăm thú, nhìn ngắm và cảm nhận muôn vàn điều hay và mới lạ.
Những người lớn chúng ta, nếu yêu thương con trẻ thì đừng bao giờ vội vàng cắt đi những đôi cánh đó. Hãy để các em mãi là những thiên thần.
DIỆU THÔNG