DẠY TRẺ BẰNG TÌNH YÊU THƯƠNG

Yêu nghề, mến trẻ

.

“Mùa xuân ai đi hái hoa, mà em đi nuôi dạy trẻ?” - nghề nuôi dạy trẻ đã khiến nhiều giáo viên mầm non gặp không ít khó khăn, nhưng cũng có biết bao niềm vui và hạnh phúc khi thấy trẻ trưởng thành.

Ngoài ăn, ngủ, giờ học trên lớp, vui chơi, hoạt động ngoài trời được các trường mầm non trên địa bàn thành phố  chú trọng để trẻ phát triển tự nhiên, toàn diện. Ảnh: ĐOÀN LƯƠNG
Ngoài ăn, ngủ, giờ học trên lớp, vui chơi, hoạt động ngoài trời được các trường mầm non trên địa bàn thành phố chú trọng để trẻ phát triển tự nhiên, toàn diện. Ảnh: ĐOÀN LƯƠNG

Từ 6 giờ sáng, các cô đã có mặt ở trường, vệ sinh lớp, lau dọn, sắp xếp bàn ghế để đón trẻ. Trong ngày, các cô không ngơi tay với những việc như cho các bé rửa tay, lau mặt, cho ăn, cho đi vệ sinh, đi ngủ và tham gia các hoạt động theo chương trình dạy học… Cô cũng chính là người phải ôm ấp, dỗ dành, động viên các thiên thần nhỏ khi bỗng dưng nhớ mẹ. Cuối ngày, có bé được phụ huynh đón muộn nên chuyện đi sớm về muộn diễn ra thường xuyên đối với giáo viên mầm non.

“Chỉ cần nụ cười của các con là mọi mệt mỏi tan biến”

Chia sẻ về công việc dạy trẻ, cô Lê Hoài Vân, giáo viên Trường Mầm non Tuổi Hoa, phường An Khê (quận Thanh Khê) cho biết, so với trước đây, trẻ em bây giờ được dạy dỗ trong môi trường cơ sở vật chất và điều kiện bảo đảm hơn, song yêu cầu cũng cao hơn trước. Đa số mỗi gia đình hiện chỉ có 1-2 con nên đòi hỏi việc chăm sóc và dạy dỗ từ phía phụ huynh đối với nhà trường cao hơn. Chưa kể, nhiều trẻ được các bậc phụ huynh cưng chiều quá mức dẫn tới việc trẻ coi mình là trung tâm khi đến trường, càng làm tăng thêm áp lực cho các giáo viên mầm non.

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao, thời gian qua, giáo viên mầm non không ngừng đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với sự phát triển của trẻ, đặc biệt là phương pháp lấy trẻ làm trung tâm, để trẻ khám phá và thể hiện bản thân. Ngay cả việc trang trí lớp cũng là những góc mở, hình ảnh sinh động để trẻ có môi trường học tập phong phú. Các cô tổ chức cho trẻ những tiết học kỹ năng sống và khám phá để trẻ trải nghiệm, cảm nhận theo cách riêng như: rửa tay, đeo khẩu trang, mang dép, xếp áo quần... Cô giáo không ép trẻ theo ý kiến cá nhân mà lồng ghép giáo dục vào hầu hết các tiết học, trò chơi.

Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, các hoạt động tập thể có sự phối hợp giữa phụ huynh, giáo viên và trẻ trong các ngày lễ để giúp trẻ phát triển kỹ năng như: Thi cắm hoa vào Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, thi làm tranh vào Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, thi làm bánh dịp Tết Trung thu… “Nghề chọn người. Khi vào nghề rồi mới biết là vất vả, nhưng chỉ cần nụ cười của các con thì mọi mệt mỏi tan biến. Chỉ mong xã hội, phụ huynh đừng đặt quá nhiều áp lực lên giáo viên mầm non”, cô Lê Hoài Vân chia sẻ.

Còn cô Nguyễn Thị Thanh Tâm, giáo viên Trường Mầm non An An, phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) bày tỏ: "Sự vất vả của giáo viên mầm non tôi nghĩ là điều không cần bàn cãi. Nhưng chỉ cần có tình yêu thương trẻ thì tất cả đều có thể vượt qua”.

Với kinh nghiệm 16 năm làm giáo viên mầm non và gần 25 năm làm công tác quản lý, cô Nguyễn Quốc Thư Trâm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Minh cho biết, giáo viên mầm non có vai trò quan trọng đối với trẻ bởi thời gian trẻ ở trường nhiều hơn ở nhà. Các cô phải dạy dỗ, chăm sóc trẻ từ miếng ăn giấc ngủ. Để tạo sự an tâm cho phụ huynh và giáo viên, thời gian qua, nhà trường xây dựng “Trường học hạnh phúc” với tiêu chí: Trẻ em tới trường là được hạnh phúc, cô giáo hạnh phúc, phụ huynh hạnh phúc. Điều này giúp giáo viên thêm yêu nghề,  yêu trẻ, bớt áp lực. Trường học hạnh phúc còn thể hiện qua những bữa ăn, buổi học tốt, giúp phụ huynh an tâm đi làm mà không phải lo quan sát con ở trường qua camera.

Thời gian tới, Trường Mầm non Bình Minh tiếp tục đi sâu vào các hoạt động nuôi dưỡng, tạo những bữa ăn hạnh phúc để nâng cao tầm vóc của trẻ. Các cô bám theo khung chương trình được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành, vận dụng những mô hình, cách làm mới của các nước tiên tiến giúp trẻ vui chơi, phát triển kỹ năng toàn diện.

Đặc biệt, năm ngoái, Sở GD&ĐT thành phố đã tin tưởng chọn nhà trường tổ chức làm điểm cho 63 tỉnh, thành phố về dự học tập chuyên đề xây dựng trường học lấy trẻ làm trung tâm. Ngoài ra, nhà trường ưu tiên xây dựng những khu vui chơi ngoài trời nhằm khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động về kỹ năng sống như mô hình Spa, giúp trẻ có ý thức tự chăm sóc sức khỏe bản thân, biết quan tâm bạn bè thông qua các hoạt động xoa bóp, đắp mặt nạ, ngâm chân cho bạn; hoặc tập làm bánh pizza, tập trồng cây… Nhà trường còn dành một khoảng đất làm khu vườn tự trồng với nhiều loại rau, củ, quả giúp trẻ nhận biết các loài cây; đồng thời khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thiện nguyện như quyên góp áo quần, đồ chơi, thú bông cũ tặng các bạn nhỏ ở huyện miền núi Tây Giang (tỉnh Quảng Nam), từ đó góp phần bồi đắp lòng nhân ái cho trẻ.

Hướng trẻ đến những điều tích cực

Như trên đã đề cập, do nhu cầu phát triển của xã hội nên đòi hỏi về sự chăm sóc, giáo dục đối với trẻ mầm non ngày càng cao, kéo theo những áp lực không nhỏ đối với nghề chăm trẻ. Sự quan tâm của phụ huynh đối với trẻ là động lực song đôi khi cũng là áp lực đối với giáo viên mầm non và chính những đứa trẻ của mình. Theo chia sẻ của nhiều giáo viên mầm non, một số thái độ và lời nói có thể vô tình của phụ huynh khiến cô giáo cảm thấy khá “tủi thân”. Chẳng hạn, phụ huynh thường hay hỏi “Hôm nay cô có đánh con không?”, “Cô có cho con ăn không?”. Việc đặt những câu hỏi như vậy khiến trẻ bị ám ảnh. Nhiều trẻ đến lớp có những biểu hiện khủng hoảng tâm lý, thường xuyên gây gổ, đánh bạn và nói những câu không hay như: “Cô không được đánh con. Con về con méc mẹ”...

Trao đổi về vấn đề này, TS. Tâm lý học Nguyễn Hằng Phương, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, cha mẹ luôn thương yêu con theo cách mà mình cho là tốt nhất, phù hợp nhất và việc ăn uống, ngủ của trẻ mầm non gần như là điều được cha mẹ quan tâm nhiều nhất. Vì vậy, sau mỗi ngày ở trường, cha mẹ gặp lại con và có tâm lý quan tâm việc ăn uống cũng như sự an toàn của trẻ. Những câu hỏi của phụ huynh với giáo viên có thể hiểu đơn giản như cách để hỏi thăm. “Cá nhân tôi không chắc những câu hỏi đó là “nghi ngờ” giáo viên đối xử không tốt với trẻ.

Tuy nhiên, tôi đồng ý với quan điểm rằng, cách hỏi như vậy dường như chưa được ổn lắm. Cụ thể, có 2 điều đáng quan tâm: Thứ nhất, trong lòng của phụ huynh có thể quá lo lắng cho trẻ về sự an toàn thể chất, mà không quan tâm đúng mức đến sức khỏe tinh thần; thứ hai, những âm thanh mà trẻ nghe được là những âm thanh không tích cực và có thể là thái độ không vui vẻ khi cha mẹ hỏi những câu hỏi đó, trẻ chưa hiểu được ý nghĩa phía sau câu nói mà cảm nhận về âm lượng, cảm xúc của cha mẹ. Thay vào đó, cha mẹ có thể hỏi thăm con như: “Hôm nay con ăn thế nào, con ăn món gì, ngon chứ con, kể mẹ nghe với nào?”, “Hôm nay con chơi vui chứ, con chơi với bạn nào; các con chơi những trò gì?”… Và phụ huynh có thể nói thêm: “Cảm ơn cô đã chăm sóc con cả ngày hôm nay cho ba mẹ yên tâm đi làm”, “Hẹn gặp lại cô ngày mai”…”, TS. Nguyễn Hằng Phương đề nghị.

Cũng theo TS. Nguyễn Hằng Phương, ở mỗi giai đoạn phát triển, trẻ đều có những đặc điểm tâm lý riêng, chúng ta dựa vào đặc điểm tâm lý của trẻ để gửi đến trẻ các thông điệp cuộc sống. Đối với trẻ mầm non, giao tiếp là một trong những hoạt động quan trọng để phát triển tâm lý. Khi trẻ ở bậc mầm non, giáo viên và phụ huynh chính là những người thầy tốt nhất cho con, có vai trò quan trọng trong việc đặt nền móng đầu tiên cho những thói quen và nhân cách của trẻ. Cùng với sự yêu nghề mến trẻ của cô giáo, phụ huynh cũng cần phối hợp với nhà trường để động viên, dạy dỗ, khuyến khích trẻ hướng tới những hoạt động cũng như ý nghĩ tích cực và để mỗi ngày đến lớp của trẻ thực sự là một ngày vui.

"Ở độ tuổi mầm non, trẻ bắt đầu hình thành khả năng giao tiếp và hào hứng trong việc giao tiếp với mọi người. Trẻ sẽ quan sát những gì đang diễn ra xung quanh, cha mẹ, người thân và giáo viên để học theo, từ lời nói đến thái độ, hành động. Do vậy, trong tương tác, chúng ta cần sử dụng ngôn từ giao tiếp chuẩn mực, nội dung tích cực và cung cấp vốn từ phong phú, gần gũi với trẻ".

TS. Nguyễn Hằng Phương, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.