Bức ảnh bác sĩ Đặng Minh Hiệu, sinh năm 1993, công tác tại khoa Gây mê hồi sức - Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh đang “xuống tóc” trước lúc vào tâm dịch tại tỉnh Bắc Giang, làm cộng đồng mạng xúc động trong những ngày qua. Hiệu cùng nhóm bác sĩ chi viện quyết định cắt tóc để gọn gàng, thuận tiện trong việc dập dịch. Nụ cười tươi rói cùng gương mặt an lành của Hiệu thể hiện sự nhân hậu và cao thượng.
Đất nước chúng ta đang đối diện với đợt dịch đầy nguy hiểm. Biến thể của SARS-CoV-2 lần này mạnh hơn, khả năng lây lan nhanh và độ nguy hiểm cũng tăng lên rất nhiều. Hiệu cũng như các bạn trẻ khác, mang trong mình lý tưởng và hoài bão của tuổi trẻ. Ngay từ đầu mùa dịch, Hiệu đã đăng ký tham gia tuyến đầu.
Đó không chỉ là lý tưởng mà còn là sự dấn thân cho một niềm tin tất thắng, là ý thức trách nhiệm của một lương y trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Hiệu và những người trẻ công tác trong ngành y, hay các cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng công an, quân đội luôn ở tuyến đầu. Hơn ai hết, họ hiểu rõ mức độ nguy hiểm, nhưng với họ, đó là niềm vui, đó là nụ cười, để giữ lấy sự an lành cho đồng bào.
Hiệu cười, nụ cười tỏa nắng giữa đại dịch. Nụ cười tỏa ra năng lượng kết dính biết bao tâm hồn người trẻ hướng về tâm dịch. Bức ảnh Hiệu “xuống tóc” được chia sẻ rất nhiều, như khích lệ tinh thần ngoan cường cho tuyến đầu. Bức ảnh với nụ cười thiên thần ấy như tiếp thêm niềm tin cho hậu phương, cho người dân thêm vững lòng vì chẳng một ai bị bỏ lại trong cuộc chiến chống dịch bệnh ở dải đất hình chữ S này.
PGS.TS.BS Lê Minh Khôi, Trưởng phòng Khoa học đào tạo Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, đã viết: “Chưa có một tấm ảnh nào về nụ cười lại có thể làm tôi muốn bật khóc như tấm ảnh này. Tấm ảnh của một đồng nghiệp trẻ đang xuống tóc để đêm nay đi vào tuyến lửa Bắc Giang. Muốn khóc vì nụ cười đẹp như một thiên thần. Muốn khóc vì cảm động và tự hào. Muốn khóc vì một tình yêu thương như cứ dâng trào trong lồng ngực… Một tấm ảnh hơn ngàn lời nói. Có lẽ nói nhiều nữa cũng bằng thừa. Nụ cười ấy, ánh mắt ấy, tâm thế hiến dâng ấy đã vượt lên trên tất cả những mỹ từ đẹp đẽ nhất. Cảm ơn em, một người thầy thuốc trẻ trong trăm ngàn người thầy thuốc Việt Nam”.
Không chỉ bác sĩ Đặng Minh Hiệu mà rất nhiều cán bộ y tế, sinh viên tình nguyện các tỉnh; 100 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động và 300 học viên Học viện Cảnh sát nhân dân đã qua đào tạo, bồi dưỡng về công tác phòng, chống dịch; gần 300 chiến sĩ cảnh sát cơ động thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (Bộ Công an), đã vào vùng tâm dịch, theo lời kêu gọi chi viện lực lượng từ Bộ Y tế và hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh. Ngày 31-5, 10 y, bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng - những nhân viên y tế giỏi, có kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch - đã lên đường hỗ trợ tỉnh Bắc Giang, theo tinh thần “tiền tuyến” gọi, “hậu phương” đáp lời.
Tại Đà Nẵng, khi trường hợp ca mắc Covid-19 không rõ nguồn lây từ nhân viên một công ty ở Khu công nghiệp Đà Nẵng (quận Sơn Trà) được phát hiện vào ngày 11-5, thành phố bước vào một cuộc chiến mới. Ngay trong đêm, các nhân viên y tế phải lấy mẫu xét nghiệm của 11.000 người - một nhiệm vụ tưởng chừng bất khả thi - để đáp ứng công tác truy vết, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Hình ảnh các cán bộ y tế trong bộ đồ bảo hộ nằm ngủ gục trên xe cấp cứu để lại sự xúc động cùng tình cảm yêu thương, trân trọng trong lòng người dân thành phố bên sông Hàn.
Trong thư gửi các thầy thuốc, cán bộ, nhân viên ngành y tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính viết: “Chiến trường nào cũng gian khổ, trận chiến nào cũng có những mất mát hy sinh; các anh, các chị và các bạn thực sự là những “chiến sĩ áo trắng” đang dấn thân thực hiện sứ mệnh cao cả của mình”.
Chiến trường nào cũng gian khổ, nhưng trong gian khổ ấy vẫn sáng ngời niềm tin chiến thắng. Rồi bác sĩ Đặng Minh Hiệu cùng các đồng đội của anh sẽ trở về với công việc hằng ngày, 10 y, bác sĩ của Đà Nẵng cũng sẽ sớm như vậy. Rồi tóc sẽ mọc trở lại, các “thiên thần áo trắng” sẽ được đoàn tụ với gia đình, ăn chén cơm mẹ nấu, và mọi người sẽ mỉm cười - những nụ cười tỏa nắng và ấm áp.
BẢO NGUYÊN