Ấm lòng bữa cơm tri ân

.

Cứ đến ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7), trong ngôi nhà bà Huỳnh Thị Kế nằm sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Núi Thành (quận Hải Châu) có nhiều hoạt động rất ý nghĩa. Cảm xúc hiện lên trong khóe mắt người mẹ già neo đơn khi có các đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) phường Hòa Cường Nam đến phụ bà dọn dẹp nhà cửa và nấu bữa cơm tri ân với bà. Bà Huỳnh Thị Kế năm nay 89 tuổi, là mẹ của liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn - người có mặt trên tàu HQ 604 và hy sinh trong trận Gạc Ma năm 1988. Đã hơn 30 năm trôi qua nhưng bà vẫn luôn khắc khoải nỗi nhớ thương con với lời hứa quặn thắt “con đi sẽ về với mẹ”.

Di ảnh liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn khoác chiếc áo lính hải quân luôn gợi cho bà nhiều kỷ niệm đẹp khi các ĐVTN phường đến thăm. Trong ký ức của bà, anh Nguyễn Phú Đoàn lúc đó vừa tròn 18 tuổi, xách ba lô lên đường ra đảo làm nhiệm vụ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Ngày nghe tàu HQ 604 gặp nạn trong trận hải chiến với Trung Quốc, bà Kế đã ngã quỵ khi hay tin con mình và nhiều chiến sĩ hy sinh bởi anh Kế là con trai độc nhất. Kể từ đó, ngôi nhà bà trở nên quạnh quẽ, một mình một bóng.

Theo chị Huỳnh Thu Hà, Phó Bí thư Đoàn phường Hòa Cường Nam, tuy bữa cơm tri ân rất đơn sơ, mộc mạc, nhưng để lại trong lòng bà Kế rất nhiều xúc động. Qua bữa cơm tri ân, các bạn trẻ được nghe bà Kế kể những câu chuyện đời thường ngày xưa và những chiến công hiển hách của đồng đội con mình, từ đó giáo dục truyền thống cách mạng để ĐVTN thấy được giá trị hòa bình đang có và khắc ghi sự hy sinh xương máu của các anh hùng thương binh, liệt sĩ. Bên cạnh đó, hằng năm Đoàn phường còn làm tháp bánh thắp hương gửi đến 198 gia đình liệt sĩ và gia đình có công cách mạng trên địa bàn phường.

Đến bây giờ, các ĐVTN Đoàn phường Chính Gián (quận Thanh Khê) vẫn nhớ như in những giọt nước mắt xúc động của bà Nguyễn Thị Hồng Nhì khi đến nhà bà quây quần bên mâm cơm tri ân vào ngày 25-7-2020 do Đoàn phường tổ chức. Bà Nguyễn Thị Hồng Nhì là thương binh hạng 4/4, tham gia cách mạng giai đoạn 1969-1975. Ngày ấy, bà cùng nhiều nữ thanh niên xung phong lên khu vực Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) để tham gia vận chuyển súng đạn, lương thực, làm đường… hỗ trợ bộ đội tham gia chiến đấu. Trong quá trình làm nhiệm vụ, bà Nhì bị nhiễm chất độc da cam. Từ đó, bà Nhì không lập gia đình mà sống một mình thờ mẹ là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Thái Thị Ly và em trai là liệt sĩ Nguyễn Hồng. Có mặt tại nhà bà Nhì từ sớm, các ĐVTN chia nhau mỗi người một việc phụ bà quét dọn nhà cửa, thay khung bằng khen và chuẩn bị một bữa cơm đặc biệt. Trong không khí ấm cúng và tràn ngập tình yêu thương, bà Nhì kể cho các ĐVTN về những ngày chiến đấu ác liệt, về những khó khăn, vất vả mà dân và quân ta phải trải qua để có được cuộc sống hòa bình như ngày hôm nay.

Không chỉ tổ chức thực hiện bữa cơm tri ân, nhiều đơn vị còn tổ chức mâm cơm đám giỗ liệt sĩ và làm đẹp bàn thờ liệt sĩ. Đặc biệt, hoạt động này đã được Đoàn xã Hòa Phong duy trì thực hiện suốt 10 năm qua. Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, hằng năm Ban Thường vụ Thành Đoàn Đà Nẵng phát động các hoạt động tri ân gia đình thương binh, liệt sĩ. Qua đó, nhiều tổ chức cơ sở Đoàn trên địa bàn thành phố thực hiện chương trình “Bữa cơm tri ân” mang lại không khí ấm cúng khi quây quần bên mâm cơm gia đình, thể hiện lòng biết ơn đối với các anh hùng thương binh, liệt sĩ - những người đã cống hiến, hy sinh xương máu cho nền độc lập, tự do của dân tộc; từ đó dâng lên niềm tự hào và luôn tự nhắc nhở mình sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh đi trước.

GIA HUY

;
;
.
.
.
.
.