Theo kế hoạch, Bộ GD&ĐT sẽ công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT đợt 1 vào ngày 26-7. Sau khi có điểm thi, thí sinh có 3 lần được thay đổi nguyện vọng xét tuyển sinh đại học (ĐH) bằng hình thức trực tuyến.
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại điểm thi Trường THTP Phan Châu Trinh (Đà Nẵng). Ảnh: HÀ TRẦN |
Tận dụng thật tốt cơ hội điều chỉnh nguyện vọng sẽ giúp thí sinh tăng cơ hội trúng tuyển đúng ngành, nghề mình yêu thích. Thí sinh có thể sắp xếp nguyện vọng theo 3 mức: cao, ngang bằng và thấp hơn, hay còn gọi là mức an toàn so với điểm thi.
Chiến thuật điều chỉnh nguyện vọng
Vừa hoàn thành các môn của kỳ thi tốt nghiệp THPT, Lê Minh Bảo Châu (học sinh Trường THPT Trần Phú) dành thời gian nghiên cứu lại điểm trúng tuyển ngành Sư phạm Ngữ văn và Cử nhân Văn học của Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) và Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) trong 2 năm gần đây nhất. Ngoài ra, Châu tham khảo thêm điểm trúng tuyển theo hình thức sử dụng kết quả học bạ THPT. “Vì chưa có kết quả thi nên em chưa biết điểm cụ thể môn Ngữ văn. Em dự đoán điểm tổ hợp môn xét tuyển của em khoảng 24 điểm.
Dựa trên phổ điểm thi của khối C, em sẽ cân nhắc việc điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển. Có thể em sẽ giữ nguyên nguyện vọng 1 và điều chỉnh nguyện vọng 2 từ Cử nhân báo chí sang Cử nhân Văn học hoặc bổ sung thêm nguyện vọng xét tuyển vào ngành Sư phạm Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế). Em thấy điểm trúng tuyển theo hình thức sử dụng kết quả học bạ của Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) năm nay là khá cao nên cũng có chút cân nhắc”.
Trong khi đó, Hà Sông Lam - một thí sinh khác, đang cân nhắc việc thay đổi nguyện vọng, chuyển từ khoa Tiếng Trung của Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) sang Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Huế). Lam chia sẻ: “Em không tự tin với kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT của mình nên sẽ sử dụng kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển. Điểm bài thi đánh giá năng lực của em được 789 điểm, thiếu 25 điểm so với mức điểm đầu vào của Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng). Kết quả thi đánh giá năng lực chỉ sử dụng một lần cho một thí sinh nên em phải cân nhắc kỹ”.
Theo PGS.TS Lê Văn Huy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng): “Muốn điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển sinh với hình thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh cần phải phân tích kỹ phổ điểm theo tổ hợp môn xét tuyển và tham khảo điểm trúng tuyển của ít nhất 2 năm gần nhất. Khi phân tích phổ điểm, thí sinh cần cẩn trọng và tham khảo thêm nhiều thông tin khác. Như năm 2020, phổ điểm cao hơn mọi năm nhưng điều này không đồng nghĩa với điểm chuẩn các ngành, các trường đều cao. Thí sinh phải nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của từng trường, đặc biệt là phương thức tuyển sinh riêng, trong đó sẽ có cụ thể chỉ tiêu xét tuyển theo từng phương thức”.
Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Hồng Hải, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) cho biết: “Thí sinh cũng phải so sánh phổ điểm tổ hợp môn của năm này với những năm trước đó để thấy mức điểm tăng hay giảm và có thể “khoanh” được độ an toàn của mình theo kết quả điểm bài thi. Từ đây, có thể ước lượng được mức điểm chuẩn của từng ngành xét tuyển. Thường thì điểm chuẩn sẽ xê dịch trong khoảng 1-2 điểm”.
Sắp xếp thứ tự ưu tiên để tăng cơ hội trúng tuyển
Về việc thí sinh có 3 lần được thay đổi nguyện vọng, PGS.TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) cho rằng: “Việc Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh điều chỉnh nguyện vọng 3 lần thay vì 1 lần như những năm trước sẽ giúp thí sinh tăng cơ hội trúng tuyển, chỉnh sửa những sai sót nếu có. Tuy nhiên, đừng vì có nhiều cơ hội được điều chỉnh nguyện vọng mà các em có tâm lý chủ quan.
Thường thì nếu chỉ cho phép điều chỉnh nguyện vọng 1 lần, các em sẽ có sự cân nhắc thật kỹ. Nhưng khi có 3 lần điểu chỉnh, sẽ có em phân vân, dễ thay đổi mà đôi khi lựa chọn lần thứ 3 lại không phải là lựa chọn tốt nhất. Vì vậy, cần phải phân tích, cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định. Thí sinh cần theo dõi thông tin tư vấn điều chỉnh nguyện vọng của các trường, số lượng chỉ tiêu để điều chỉnh hợp lý”.
Một kinh nghiệm trong điều chỉnh nguyện vọng có thể tham khảo là thí sinh lựa chọn những ngành đào tạo gần với ngành nghề mà mình yêu thích nhất để đăng ký xét tuyển, ví dụ yêu thích ngành Kỹ thuật ô-tô thì có thể lựa chọn thêm các ngành có nhiều điểm tương đồng như ngành Cơ khí chế tạo và Nhiệt; chọn ngành Công tác xã hội thì có thể đăng ký thêm nguyện vọng là các ngành gần như Xã hội học, Tâm lý học, Giáo dục đặc biệt… để tăng cơ hội trúng tuyển.
PGS.TS Lê Văn Huy cho rằng, nếu biết cách sắp xếp thứ tự các nguyện vọng đăng ký xét tuyển sẽ tăng thêm cơ hội cho thí sinh trúng tuyển vào ngành, trường mà mình yêu thích. Theo đó, sau khi nghiên cứu kỹ các ngành nghề đào tạo, thí sinh nên liệt kê các ngành, trường theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống. Với cách thức xét tuyển ưu tiên theo điểm, các nguyện vọng đều bình đẳng chứ không ưu tiên theo thứ tự nguyện vọng nên thí sinh cần đăng ký nhiều nguyện vọng, không đạt nguyện vọng trên sẽ chuyển xuống xét nguyện vọng dưới.
Nếu thí sinh đậu nguyện vọng trên thì sẽ không xét nguyện vọng dưới nữa. Vì vậy, thí sinh có thể sắp xếp theo 3 mức: cao, ngang bằng và thấp hơn, hay còn gọi là mức an toàn so với điểm thi. Việc sắp xếp các thứ tự nguyện vọng nên theo nguyên tắc trường yêu thích nhất và có điểm chuẩn dự kiến cao hơn điểm thi xếp ở nguyện vọng trên, trường dự kiến sẽ có điểm thấp hơn xuống dưới. Không nên xếp theo thứ tự ưu tiên trường dễ trúng tuyển lên trên.
HÀ TRẦN