GS. Nguyễn Đăng Hưng: Sâu nặng tình quê

.

GS. Nguyễn Đăng Hưng, chuyên gia nổi tiếng về ngành Cơ học chất rắn, là một trong những người tiên phong hợp tác học thuật Việt - Bỉ. Ông luôn đau đáu phải làm gì thiết thực cho Việt Nam, trong đó có việc góp sức cho sự nghiệp giáo dục.

Nhiều học trò của GS. Nguyễn Đăng Hưng giờ đây là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ…, đang tiếp tục góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

GS. Nguyễn Đăng Hưng (Ảnh do nhân vật cung cấp)
GS. Nguyễn Đăng Hưng (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Vươn lên bằngcon đường học tập

GS. Nguyễn Đăng Hưng sinh năm 1941 ở làng Bồ Mưng, xã Thanh Quýt (nay là xã Điện Thắng Bắc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Năm 1949, cậu bé Hưng theo ba đi kháng chiến, vào chiến trường Liên khu 5. “Khi ba con tôi trở về quê nhà mới hay má và cô tôi đã bị Pháp sát hại trong một trận càn. Ông không đi tập kết mà đưa tôi vào Sài Gòn. Tôi bắt đầu con đường học vấn chính quy, quyết tâm lấy được bằng tiểu học thật sớm. Tôi đã học rất cật lực để đạt được bằng tiểu học chỉ trong một năm”, GS. Nguyễn Đăng Hưng cho biết.

Trong cuốn sách Giấc mơ Việt Nam tôi vừa được NXB Hội Nhà văn và Công ty CP Sách Omega Việt Nam (Omega+) phát hành, GS. Nguyễn Đăng Hưng kể: “Thương ba mình “gà trống nuôi con”, tôi chỉ có cách vươn lên bằng con đường học tập, không chỉ phải đậu tú tài trước 18 tuổi để khỏi đi lính mà còn phải cố lấy cho được suất học bổng đi du học. Sau khi có bằng tiểu học, tôi thi và đậu vào trường Pétrus Trương Vĩnh Ký. Tôi lên kế hoạch học nhảy cóc. Sáng tôi đi học trường Pétrus Ký nhưng tối đi học tư để thi lấy các bằng đệ ngũ, đệ tứ, đệ tam và thi tú tài. Tôi thuộc năm người đứng đầu kỳ thi Tú tài 2 khi vừa 18 tuổi, đủ tiêu chuẩn được du học. Tôi bắt đầu cuộc đời sinh viên du học ở Bỉ năm 1960”.

Theo lời ông kể lại, mục tiêu lúc bấy giờ là đi du học để nghiên cứu khoa học, lĩnh hội kiến thức chuyên môn, để có đủ trình độ về Việt Nam phục vụ cho đất nước. “Sau này, trong những dịp về lại Việt Nam, nhìn hình ảnh người dân lam lũ, những đứa trẻ lem luốc trên lưng trâu, hay những đứa bé đánh giày như chính tôi một thời làm tôi khắc khoải triền miên. Tôi tự dặn mình: Phải làm gì có ích và hiệu quả nhất cho thế hệ trẻ Việt Nam”, GS. Nguyễn Đăng Hưng chia sẻ.

Đến năm 1989, khi công cuộc đổi mới diễn ra, ông tiếp tục về Việt Nam, trở lại với việc thực hiện giấc mơ Việt Nam. Ngay năm sau đó, ông lên kế hoạch xin tài trợ của Bỉ để giúp Việt Nam cải tiến việc giảng dạy đại học và nghiên cứu khoa học. Ban đầu là những dự án nhỏ để giữ nhịp, giữ mạch, tới năm 1994, ông quyết định chuyển hướng thông qua việc đề xuất một dự án dài hơi mang tên “Chương trình du học tại chỗ” bắt đầu từ Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh năm 1995, 3 năm sau sau đó mở rộng ra Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Đây là một dự án hợp tác hoàn toàn mới mẻ, chưa từng có tại Bỉ cũng như tại Việt Nam.

Tính đến nay, ông đã mở 20 khóa đào tạo khoa học (8 khóa ở Hà Nội và 12 khóa tại Thành phố Hồ Chí Minh) với trên 700 học viên theo học. Trong đó, 318 học viên đạt bằng thạc sĩ quốc tế (Bỉ) và nhận bằng Đại học Liège; hơn 80 sinh viên Việt Nam sang châu Âu thực tập với bằng cấp của Bỉ. Hơn 100 học viên đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại các nước tiên tiến. Ông còn tổ chức cho hơn 40 giáo sư Việt Nam sang châu Âu cải tiến nghiệp vụ. “Tôi đã phần nào thực hiện được giấc mơ Việt Nam của mình”, GS. Nguyễn Đăng Hưng bày tỏ.

Trở về theo tiếng gọi của trái tim

Cuốn sách đầu tiên trong bộ Giấc mơ Việt Nam tôi của GS. Nguyễn Đăng Hưng vừa ra mắt độc giả. Ảnh: THƯ HOÀNG
Cuốn sách đầu tiên trong bộ Giấc mơ Việt Nam tôi của GS. Nguyễn Đăng Hưng vừa ra mắt độc giả. Ảnh: THƯ HOÀNG

Sang Bỉ từ tháng 12-1960, Nguyễn Đăng Hưng đã đạt thành quả rất tốt khi theo học ngành kỹ sư vật lý, rồi cấp bậc tiến sĩ tại Đại học Liège. Ông là nghiên cứu sinh, trợ lý, phó giáo sư rồi trở thành giáo sư thực thụ về ngành Cơ học chất rắn, được nhận nhiều Huân chương, Huy chương của Bỉ như: Huy chương của Hàn lâm Viện Khoa học, Văn học và Nghệ thuật Hoàng gia Bỉ (năm 1984); Huy chương Lao động hạng Nhất của Chính phủ Bỉ (năm 1996); Huân chương “Đại sĩ quan của Vua Léopold II”, Vương quốc Bỉ (năm 1999); Huân chương “Đại sĩ quan của Hoàng gia, Vương quốc Bỉ” (năm 2006)… Nhưng trên đất người, ông chưa từng nguôi ngoai về “giấc mơ Việt Nam” của mình.

Mới đây, GS. Nguyễn Đăng Hưng đã xuất bản bộ sách Giấc mơ Việt Nam tôi như một cách ghi dấu hành trình dài, từ những ngày ấp ủ “Giấc mơ Việt Nam” đến những bước đi nhỏ trên con đường đầy gập ghềnh, rồi đến những thành quả được ghi nhận. Cuốn sách tập hợp những bài viết, bài phỏng vấn của ông trong một thời gian khá dài; chia sẻ những kinh nghiệm, những kỷ niệm về việc hợp tác đại học giữa Bỉ và Việt Nam; nhấn mạnh đến chương trình đào tạo cao học giữa các trường đại học Bỉ và các trường đại học bách khoa ở Việt Nam. Đây là những chương trình do ông điều phối và đạt được nhiều thành quả to lớn từ năm 1995-2006.

Giulio Maier, Giáo sư danh dự thực thụ Đại học Công nghệ Milano, nguyên Chủ tịch Hội Cơ học Ý, nguyên Viện trưởng Viện Cơ học Quốc tế Udine nhận xét: “Cách đây 1/4 thế kỷ, tôi đã thích thú về cách tiếp cận đa dạng của GS. Nguyễn Đăng Hưng trong nghiên cứu khoa học. Ngày nay, qua cuốn sách này, tôi lại bị cuốn hút về sự phong phú của các tư liệu tập hợp được. Đây là chứng cứ của một tài năng hiếm có, có khả năng khỏa lấp những cách biệt giữa “hai nền văn hóa”, giữa những phân ly của khoa học và nhân văn…”.

Trong bộ sách, GS. Nguyễn Đăng Hưng khẳng định: “Tôi về Việt Nam theo tiếng gọi của trái tim”. Tiếp xúc với ông, đọc sách ông viết, sẽ dễ dàng cảm nhận sự đam mê, nhiệt huyết và khát vọng cống hiến của nhà khoa học này. Nhiều học trò của ông giờ đây là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ…, đang tiếp tục góp phần xây dựng và phát triển đất nước. Còn ông, trải qua 2/3 đời người sống ở nước ngoài, tiếp cận với những nền văn minh công nghệ cao, nhưng không bao giờ quên mình là người con đất Việt.

HOÀNG THU PHỐ

;
;
.
.
.
.
.