Nghệ sĩ xoay xở giữa mùa dịch

.

Do ảnh hưởng Covid-19, hai nhà hát trên địa bàn Đà Nẵng phải đóng cửa thời gian dài, dẫn đến thiệt hại hàng tỷ đồng, đời sống nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn. Chưa kể, nhiều dự án, hợp đồng biểu diễn không thể thực hiện khiến lộ trình tự chủ tài chính bị ảnh hưởng, thậm chí có nhà hát nợ lương người lao động.

Các nghệ sĩ không có đất diễn trong những tháng xảy ra Covid-19.  Trong ảnh: Các nghệ sĩ Nhà hát Trưng Vương biểu diễn hồi tháng 2-2021, một chương trình nghệ thuật không có khán giả, chỉ ghi hình và phát sóng do ảnh hưởng của Covid-19. Ảnh: H.LÊ
Các nghệ sĩ không có đất diễn trong những tháng xảy ra Covid-19. TRONG ẢNH: Các nghệ sĩ Nhà hát Trưng Vương biểu diễn hồi tháng 2-2021, một chương trình nghệ thuật không có khán giả, chỉ ghi hình và phát sóng do ảnh hưởng của Covid-19. Ảnh: H.LÊ

Nhiều nghệ sĩ Đà Nẵng bộc bạch, Covid-19 khiến họ phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có, thu nhập cắt giảm, kinh phí đầu tư cho nghệ thuật không có, ngay cả nghệ sĩ hưởng biên chế cũng có mức lương chưa đến 3 triệu đồng/tháng, điển hình như diễn viên tuồng vì bộ môn này chỉ đào tạo hệ trung cấp.

Nhiều tháng không có đất diễn

Theo lộ trình, năm 2020, Nhà hát Trưng Vương bắt đầu thực hiện tự chủ tài chính hoàn toàn nhưng không thể thực hiện được kế hoạch này do Covid-19. Sau khi sử dụng hết nguồn quỹ dự phòng để chi trả lương cho người lao động 2 tháng đầu năm 2020, nhà hát lâm vào cảnh nợ lương nhiều tháng liền vì không thể tổ chức các hoạt động biểu diễn, hay cho thuê sân khấu.

Ca sĩ Quang Hào, Giám đốc Nhà hát Trưng Vương bộc bạch, Covid-19 đẩy Nhà hát Trưng Vương vào những khó khăn chưa từng có. Năm 2020, nguồn thu của nhà hát chỉ đạt hơn 2 tỷ đồng, trong khi chỉ tiêu là 12,2 tỷ đồng. Để bảo đảm nguồn thu nhập tối thiểu, lãnh đạo Nhà hát Trưng Vương có văn bản đề nghị thành phố hỗ trợ chi trả mức lương cơ bản cho cán bộ, nhân viên nhà hát và được đồng ý. Theo đó, năm 2020, thành phố quyết định chi hỗ trợ lương cơ bản trong vòng 9 tháng cho cán bộ, nhân viên nhà hát này.

"Tôi mong muốn thành phố cho phép Nhà hát Trưng Vương lùi lộ trình tự chủ tài chính. Cụ thể, từ năm 2022-2027, nhà hát sẽ tự chủ một phần, thành phố trích ngân sách chi trả lương cơ bản cho cán bộ, nhân viên nhà hát, tạo điều kiện tổ chức các chương trình, sự kiện nghệ thuật lớn; từ năm 2028-2030, chúng tôi sẽ chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, con người để tiến đến tự chủ hoàn toàn"

Ca sĩ Quang Hào, Giám đốc Nhà hát Trưng Vương

Không có nguồn thu nhập ổn định, nhiều nghệ sĩ công tác tại Nhà hát Trưng Vương gặp khó khăn, đặc biệt ca sĩ trẻ từ các tỉnh, thành khác về đầu quân cho nhà hát. Đơn cử, ca sĩ Anna Kim (quê Nghệ An), sau khi tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Huế năm 2018 đã quyết định vào làm việc tại Đoàn ca múa nhạc Nhà hát Trưng Vương.

Cũng trong năm đó, Anna Kim đoạt Á quân Cuộc thi tiếng hát hữu nghị Việt - Trung, trở thành gương mặt trẻ để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả Đà Nẵng. Anna Kim cho biết, Covid-19 khiến cô không thể lên sân khấu, đồng nghĩa nguồn thu nhập gói gọn ở mức lương cơ bản hệ số 2,34. Mức thu nhập này không thể giúp Anna Kim chi trả các khoản nhà trọ, ăn uống, đi lại cũng như đầu tư trang phục diễn.

“Nhiều tháng liền chật vật tại Đà Nẵng, tôi từng nghĩ sẽ về Nghệ An nương nhờ ba mẹ nhưng sự nghiệp vừa gầy dựng, không thể nói bỏ là bỏ. May mắn là tôi được nhà hát hỗ trợ chỗ ở, đỡ một phần kinh phí thuê trọ. Sân khấu đóng cửa, tôi tranh thủ thời gian ở nhà luyện tập vũ đạo, hát ca khúc mới và tập tành sáng tác một số ca khúc như Đà Nẵng nhớ thương, Vì Đà Nẵng có em”, Anna Kim chia sẻ.

Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cũng đối mặt với những khó khăn về kinh phí. Từ đầu năm đến nay, nhà hát này chỉ biểu diễn 24 buổi, còn phần lớn đóng cửa theo quy định để phòng, chống Covid-19. Theo ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, đơn vị đã phải hủy toàn bộ suất diễn theo đơn đặt hàng của ngành du lịch, các lễ hội truyền thống; đồng thời không thể thực hiện kế hoạch lưu diễn phục vụ khán giả vùng sâu, vùng xa.

“Thông thường sau mỗi suất diễn, vai chính được bồi dưỡng 200.000 đồng; vai thứ 160.000 đồng và các thành phần khác 120.000 đồng. Ánh đèn sân khấu và nguồn thu nhập này đã động viên anh em nghệ sĩ tiếp tục bám trụ với nghề. Nay nhiều tháng không có đất diễn, hàng chục nghệ sĩ trong biên chế, có thâm niên chỉ dừng ở mức thu nhập trên dưới 3 triệu đồng/tháng do bộ môn này chỉ đào tạo hệ trung cấp. Đó là chưa kể mức thu nhập rất thấp của nhân viên hợp đồng”, ông Tuấn nói.

Có thể nói, Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sân khấu tại Đà Nẵng. Một nữ nghệ sĩ (đề nghị không nêu tên - PV) cho biết, mấy tháng qua, chị tập trung bán hàng online, kiếm tiền trang trải cuộc sống. Thu nhập từ công việc này không cao, nhưng phần nào giúp chị vượt qua những khó khăn trước mắt.

Xin lùi thời gian tự chủ tài chính

Năm 2019 được xem là năm rực rỡ nhất của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh khi tổ chức 275 buổi biểu diễn phục vụ người dân và khách du lịch. Đặc biệt, nghệ thuật tuồng trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố, nhà hát ký hợp đồng với một số công ty lữ hành đưa trích đoạn tuồng vào chương trình “Hồn Việt” phục vụ khách du lịch.

Đơn cử, Công ty Du lịch Việt Nam TravelMART (Vietnam TravelMART) bỏ ra hàng tỷ đồng, phối hợp cùng nhà hát giới thiệu, quảng bá chương trình “Hồn Việt” đến khách quốc tế. Nhờ sự liên kết này, nhà hát sáng đèn hằng đêm, đời sống anh em nghệ sĩ được bảo đảm, vấn đề tự chủ tài chính đạt những kết quả nhất định. “Tuy nhiên, Covid-19 xảy ra từ đầu năm 2020, nhà hát thường xuyên đóng cửa khiến lộ trình tự chủ tài chính trong 2 năm qua không thể thực hiện được, và chưa biết khi nào dịch mới chấm dứt”, ông Trần Ngọc Tuấn trăn trở.

Chương trình “Hồn Việt” của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh được đưa vào phục vụ du khách năm 2019. Ảnh: XUÂN SƠN
Chương trình “Hồn Việt” của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh được đưa vào phục vụ du khách năm 2019. Ảnh: XUÂN SƠN

Những năm gần đây, các nhà hát trên địa bàn Đà Nẵng tập trung đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhiều nghệ sĩ được đào tạo bài bản, có năng lực, kỹ năng biểu diễn được giao vị trí quan trọng trên sân khấu, góp phần mang lại luồng gió mới, những tác phẩm sân khấu có giá trị. Trước khi Covid-19 xuất hiện, Nhà hát Trưng Vương đã có nhiều hợp đồng biểu diễn theo phương thức xã hội hóa với nguồn thu vài tỷ đồng mỗi năm.

Ca sĩ Quang Hào nhìn nhận, ngoài những hợp đồng truyền thống, thì hợp đồng ký với doanh nghiệp Hàn Quốc vào đầu năm 2020 về việc biểu diễn phục vụ khách du lịch là bước tiến dài trong lộ trình tự chủ tài chính của đơn vị.

“Khi mọi thứ đã sẵn sàng, chúng tôi tự tin có thể thực hiện tự chủ tài chính hoàn toàn trong năm 2020 thì dịch bệnh xảy ra khiến mọi chuyện không như mong muốn. Tôi đang lo lắng nếu tình trạng này kéo dài thì vấn đề chảy máu chất xám tại nhà hát sẽ xảy ra, nhất là khi có không ít công ty du lịch, công ty tổ chức sự kiện từng đưa ra lời đề nghị hấp dẫn với cán bộ, diễn viên của nhà hát”, ca sĩ Quang Hào cho hay.

Trước khó khăn trên, Giám đốc Nhà hát Trưng Vương Quang Hào kiến nghị thành phố cho lùi thời gian thực hiện tự chủ tài chính hoàn toàn. “Nếu tự chủ hoàn toàn, mỗi năm chúng tôi phải làm ra ít nhất 12 tỷ đồng mới đủ chi trả các khoản lương cơ bản, tiền điện, nước và các khấu hao cơ sở vật chất. Với tình hình hiện tại thì việc này là quá sức. Do đó, tôi mong muốn thành phố cho phép nhà hát lùi lộ trình tự chủ tài chính. Cụ thể, từ năm 2022-2027, nhà hát sẽ tự chủ một phần, thành phố trích ngân sách chi trả lương cơ bản cho cán bộ, nhân viên nhà hát, tạo điều kiện tổ chức các chương trình, sự kiện nghệ thuật lớn; từ năm 2028-2030, chúng tôi sẽ chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, con người để tiến đến tự chủ hoàn toàn”, ca sĩ Quang Hào đề nghị.

Giữa những khó khăn vây bủa, các nghệ sĩ Nhà hát Trưng Vương vẫn đang tích cực luyện tập tiết mục phục vụ Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc 2021, dự kiến diễn ra tại Đắk Lắk vào tháng 9-2021. Trong khi đó, tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, các nghệ sĩ chia nhóm duy trì lịch tập các chương trình “Hồn Việt”, “Nguồn cội”, “Đêm sông Hàn”. Đặc biệt, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tích cực hoàn thiện vở diễn Ngược sóng, được kỳ vọng là vở diễn hay, chất lượng, sẵn sàng mang ra phục vụ người dân, du khách và tham gia các liên hoan, hội diễn tuồng toàn quốc.

“Điều quan trọng nhất vẫn là giữ lửa nghề cho anh em, cũng như giải quyết một ít tiền luyện tập để anh em trang trải cuộc sống”, ông Trần Ngọc Tuấn nói.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong đó, hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) phải dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên để phòng, chống Covid-19 trong thời gian từ ngày 1-5-2021 đến hết ngày 31-12-2021.

Theo Chinhphu.vn

HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.