Tiếng nói sắc sảo của tranh biếm họa

.

Tranh biếm họa là một hình thức thông tin đặc thù, biểu đạt thông điệp bằng ngôn ngữ họa hình. Ngôn ngữ họa hình thể hiện trong tác phẩm biếm họa được kết tinh thành biểu tượng, giúp người xem dễ hiểu, dễ nhớ.

Hai tác phẩm tranh biếm họa.
Hai tác phẩm tranh biếm họa.

Tranh biếm họa trên báo chí Việt Nam xuất hiện từ rất sớm. Theo cuốn Lịch sử tranh biếm họa Việt Nam do họa sĩ Lý Trực Dũng chủ biên, người đầu tiên có tranh biếm họa được đăng báo là Nguyễn Ái Quốc với nhiều bức biếm họa được đăng trên báo Le Paria (Người cùng khổ) vào những năm 1922-1926. Từ đó đến nay, tranh biếm họa luôn khẳng định được vị trí quan trọng trong công tác tuyên truyền, đấu tranh chống lại những điều tiêu cực.

Dấu ấn tranh biếm họa có thể thấy qua nhiều tác phẩm của những “cây đa cây đề” trong làng mỹ thuật như: họa sĩ Phan Kế An (bút danh Phan Kích), họa sĩ Nguyễn Gia Trí (bút danh Rigt), họa sĩ Tô Ngọc Vân (Tô Tử)… Thế hệ tiếp nối có: Đặng Nhân, Lý Trực Dũng, Dzuy Minh, Chóe (Nguyễn Hải Chí)…; và hiện nay là đội ngũ các họa sĩ khá sung sức như: Nguyễn Văn Thưởng (Sa Tế), Đỗ Anh Dũng (DAD), Lê Phương (LEO), Nguyễn Hữu Khoa (Còm)…

Trước đây, trên nhiều tờ báo in cùng lúc có những chuyên mục sử dụng tranh biếm họa, như Báo Sài Gòn Giải Phóng có chuyên mục “Biếm họa”; Báo Tuổi Trẻ có “Góc biếm họa”; Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần duy trì chuyên mục “Câu lạc bộ chiến sĩ”, dành góc đăng tải tranh vui, tranh phê bình; Báo Đại Đoàn Kết từng có mục “Tranh biếm họa”; Báo Lao Động từng có chuyên mục tranh liên hoàn với tên gọi “Liên tu bất tận”, “Góc biếm”…

Đến thời điểm này, Tuổi Trẻ được xem là cơ quan báo chí sử dụng tranh biếm họa nhiều nhất, đặc biệt là tờ Tuổi trẻ Cười cả phiên bản giấy lẫn điện tử. Tờ báo này thu hút các họa sĩ vẽ biếm họa khắp cả ba miền và luôn có những cây bút mới.

Là họa sĩ hàng đầu về tranh biếm họa ở Việt Nam, họa sĩ Lý Trực Dũng cho rằng, biếm họa là loại hình sử dụng phương tiện tạo hình mỹ thuật một cách cường điệu, hài hước, thậm chí đến mức phi lý, nhằm phản biện về một vấn đề, một đối tượng cụ thể, góp phần làm xã hội tốt đẹp hơn. Trong quá trình phát triển, biếm họa được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như: đấu tranh về ý thức hệ, phản đối chiến tranh… Nhưng khi nghiên cứu về biếm họa, người ta thấy nổi bật nhất là thiên chức phản biện, góp phần hoàn thiện xã hội.

Họa sĩ Thành Chương cho rằng, trong lịch sử gần 100 năm biếm họa Việt Nam, giới báo chí đều hiểu sức mạnh rất lớn của biếm họa. “Biếm họa có nhiều cái hay, thú vị, có những cái dễ mà cũng có những cái khó”, họa sĩ Thành Chương nói. Trong khi đó, họa sĩ Lý Trực Dũng nhìn nhận, thời đổi mới, chúng ta để lại rất nhiều tranh biếm họa có giá trị lịch sử, nhưng nay biếm họa ít được coi trọng, vẽ ra không có đất dùng, rất ít họa sĩ không sống được bằng nghề.

Một số họa sĩ tham gia vẽ tranh biếm họa cho rằng, hiện rất nhiều đề tài có thể vẽ, và “đất” để công bố không hề ít, vì người vẽ nào cũng sử dụng mạng xã hội. Tuy nhiên, để “sống được” bằng nghề vẽ tranh biếm họa là rất khó, bởi ít báo duy trì chuyên mục tranh biếm họa, đó là chưa kể nhuận bút trả cho một bức tranh biếm họa còn khiêm tốn.

“Ở thời điểm này, chúng ta chỉ có những tác phẩm chung chung, thiếu những tiếng nói có thể tạo thành phong cách. Những tác phẩm vượt qua biên giới Việt Nam rất ít, tranh biếm họa của ta mới chỉ đề cập những gì thuộc đất nước mình, con người mình”, họa sĩ Lý Trực Dũng nhận xét.

Bên cạnh đó, sân chơi cho các họa sĩ biếm họa cũng không nhiều nên chưa thúc đẩy năng lực sáng tác của nhiều họa sĩ. Dù vậy, cũng phải thừa nhận một điều, tranh biếm họa của chúng ta còn khá hiền. Nói như họa sĩ Lý Trực Dũng, tay nghề các họa sĩ vẽ biếm họa của Việt Nam không kém, nhưng “đặc trưng của biếm họa là trí tuệ, trí tuệ, và trí tuệ”. “Những bức tranh như thế chúng ta còn thiếu”, họa sĩ Lý Trực Dũng nhận định.

HOÀNG THU PHỐ

;
;
.
.
.
.
.