“Cho đến những năm gần đây, nhiều nhà nghiên cứu đều thừa nhận rằng, việc tìm hiểu lịch sử của vương quốc cổ Champa quả là khó khăn và phức tạp. Trong những công trình cập nhật mới nhất, các nhà nghiên cứu đều nhận định, sở dĩ có tình trạng trên là vì những tài liệu liên quan đến vương quốc cổ này chủ yếu dựa vào những ghi chép rời rạc và mơ hồ của Trung Hoa hay Việt Nam về vùng đất mà vương quốc này tọa lạc tại miền Trung Việt Nam; hoặc dựa vào những minh văn Champa đã được tìm thấy, mà phần lớn đều không có niên đại chính xác…”. Qua bài viết “Khái niệm cơ bản về văn minh Champa qua những nhận thức mới” trong cuốn sách Dấu ấn văn hóa Champa ở miền Trung Việt Nam (NXB Đà Nẵng, tháng 7-2021), 2 nhà nghiên cứu văn hóa Champa Trần Kỳ Phương và Bùi Chí Trung đưa ra nhận định như vậy, đồng thời cho rằng vấn đề này đã được các nhà Champa học người Pháp thuộc Trường Viễn Đông Bác cổ (École Française d’Extrême-Orient/EFEO) tại Paris đưa ra nhận xét và công bố trong một công trình xuất bản từ năm 1988.
Vì vậy, việc khảo sát, nghiên cứu, biên soạn… những tài liệu về văn hóa Champa luôn là vấn đề khó nhưng lại vô cùng thú vị, hấp dẫn đối với các nhà khoa học, nhà nghiên cứu… cả trong lẫn ngoài nước, không chỉ phương Đông mà cả phương Tây.
Trong bối cảnh đó, Dấu ấn văn hóa Champa ở miền Trung Việt Nam gồm 30 bài viết của các học giả trong và ngoài nước về nền văn minh cổ Champa, thể hiện những nỗ lực không ngừng của các nhà nghiên cứu nhằm khôi phục giá trị nền văn hóa, văn minh Champa trong tiến trình lịch sử Việt Nam nói riêng và nhân loại nói chung; đồng thời đặt ra những vấn đề học thuật cần tiếp tục nghiên cứu, tranh luận… trên cơ sở khoa học.
Đó không chỉ là vấn đề được nghiên cứu từ lâu như “Phật viện Đồng Dương và cuộc giao tranh đầu tiên giữa Đại Việt với Chiêm Thành” (Trần Kỳ Phương), mà cả những phát hiện mới như “Tháp Phú Diên - Một phát hiện đầu thế kỷ XXI” (Ngô Văn Doanh). Đó là sự tìm tòi, biện giải về tiếp biến, giao thoa văn hóa giữa Lâm Ấp - tiền thân của Vương quốc Champa, với khu vực, qua cái nhìn của Onishi Kazuhiko trong bài “Sự tích về Phật Triết của Lâm Ấp trong tiến trình giao lưu văn hóa Việt - Nhật”; hay “Lễ hội Vía Bà ở Tháp Bà Nha Trang và sự kết hợp những truyền thống văn hóa Chăm - Việt (Ngô Văn Doanh)…
Theo đánh giá từ Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, “những di sản quý giá cùng những nút thắt lịch sử của nền văn minh cổ Champa vẫn luôn là dấu hỏi lớn của giới nghiên cứu đương đại”. Đi tìm và phục dựng chân dung của một nền văn hóa rực rỡ trong quá khứ không phải là công việc dễ dàng và bao giờ cũng đem lại những điều thú vị, hấp dẫn lẫn tranh cãi. Vì vậy, Dấu ấn văn hóa Champa ở miền Trung Việt Nam không chỉ cung cấp thông tin, tư liệu, mà còn gợi mở những ý tưởng về việc tiếp tục hành trình khám phá một nền văn hóa đặc sắc gắn liền với lịch sử của Việt Nam hiện nay.
ANH QUÂN