Từ mái tranh nghèo…

.

Mấy mươi năm đã qua, không hiểu sao tôi vẫn nhớ mồn một buổi tinh mơ hôm ấy. Trong tiếng mưa rơi rả rích giữa màn đêm còn tối mịt, cha tôi ra mở cửa sau tiếng gọi: “Chú mua tranh không chú ơi?”. Cha tôi rọi ngọn đèn dầu, tôi ngái ngủ mở mắt thấy một người đàn ông đứng dưới mái hiên. Khi vào nhà, ông mở bọc nilon, giăng ra bàn một đống tranh ảnh những cô gái xinh xắn đang tươi cười, làm dáng. Cha tôi bật cười: “Tưởng chú bán tranh lợp nhà chớ tui mua mấy thứ ni mần chi?”.

Cha tôi làm nông, đâu hứng thú với mấy tấm tranh lúc đó đang là thời thượng, người ta mua treo đầy nhà; trong khi nhà tôi, nước vẫn dột tí tách qua mái tranh rạ đã rã rời cùng mưa nắng… Sau mới biết, người bán tranh thấy nhà tôi le lói ánh đèn, muốn xin vô trú mưa đợi đón chuyến xe sớm dọc đường.

Nghe mẹ tôi kể lại, nhà tôi vốn xây táp-lô và lợp tôn, nhưng qua 7 lần bị cháy vì khói lửa chiến tranh, cha mẹ tôi chỉ còn đủ sức làm nhà tranh vách phên tre. Nên tôi sinh ra, mở mắt nhìn lên đã thấy mái tranh rạ ngả màu phủ xuống cả thời niên thiếu của mình, cho đến tuổi “nhi lập”…

Người ta ví nhà tranh với cảnh nghèo. Nhưng để dựng một ngôi nhà tranh hoàn chỉnh không hề đơn giản. Trước hết phải có tranh, tre…, cộng với cả sức lực lẫn tay nghề. Tre ở quê tôi bạt ngàn, đi xin hay mua đều được. Để làm nhà, người ta thường chọn những gốc tre đực to và đặc để làm cột; sau đó những cây tre đặc nhưng nhỏ hơn được chọn làm trính, đòn tay hay vì kèo; những cây to và dài được chẻ đôi làm rui và chẻ sáu chẻ tám làm mè… Cây tốt nhất, thẳng nhất được chọn làm đòn đông. Kết nối cột với trính hay vì kèo, người ta thường dùng con sẻ; còn kết nối trính, vì kèo với đòn tay, rui, mè, người ta dùng lạt bằng mây hay tre… Nếu không gấp gáp dựng nhà, người ta thường đem tre đã sơ chế đi ngâm bùn ở ao hồ để tre vừa chắc, vừa dẻo, lại vừa đủ sức chống chọi với mối mọt và nắng mưa...

Nhà tranh ở nông thôn Việt nói chung, ở Quảng Nam quê tôi nói riêng, chủ yếu có hai kiểu là ba gian hai chái hoặc “đít voi” - nghĩa là vách thẳng đứng đến tận nóc, trông “bằng phẳng” như phần sau của con voi. Đằng trước thường có mái hiên; đằng sau vẩy thêm chái ngắn để tránh nắng mưa tạt vào nhà hoặc để chất các loại nông cụ hoặc củi… Những tấm cửa chính hay cửa sổ thường được làm bằng tấm phên tre hoặc có lợp thêm tranh cho bền chắc; được cột vào thanh ngang trên đầu tường nhà và đóng, mở nhờ thanh chống dựng lên hay hạ xuống. Tối đi ngủ, hay những ngày mưa bão, cha tôi thường cẩn thận hạ cửa, lấy thanh chống làm thanh ngang, khóa lại…

Nhà tranh dĩ nhiên lợp bằng tranh, nhưng cũng có nhiều loại tranh tùy theo điều kiện gia đình hay vùng miền. Ở vùng quê Quảng Nam, chủ yếu là tranh săng, tranh rạ hay tranh lá mía. Tranh rạ được làm từ rạ nếp hay rạ tẻ. Thường vào mùa gặt, người ta chọn đám ruộng có lúa tốt và thẳng, không bị ngã do gió bão; sau khi gặt và tuốt, trời được nắng thì đem rạ phơi khô rồi bó thành từng bó thẳng thớm.

Tranh lá mía cũng vậy, sau khi thu hoạch mía, những bó ngọn mía tốt được chọn chặt riêng phần lá đem phơi khô rồi bó lại thành từng lọn nhỏ; nhiều lọn nhỏ thành một bó to rồi dựng góc hè hoặc tìm chỗ khô ráo che chắn thật kỹ. Nhưng tốt nhất vẫn là tranh săng. Đến mùa, các gia đình có nhà tranh ở xóm tôi thường góp tiền đi mua tranh săng ở những vùng đồi núi, trung du như Quế Sơn, Hiệp Đức… Tôi vẫn nhớ giữa khuya dậy cùng cha và các anh lọ mọ cơm đùm cơm nắm, đổ đầy nước chè vô bi-đông rồi cột thanh tre làm giàn trên xe bò…, chuẩn bị mọi thứ rồi lên đường; lội bộ từ tinh mơ đến tối mịt mới chở được tranh về đến nhà.

Để lợp nhà, phải đánh tranh thành tấm. Cha tôi chọn tre tốt, thẳng, chẻ thành từng thanh nhỏ dài 3-4 mét gọi là hom, rồi đập giập ở giữa, gấp lại thành cặp. Đánh tranh rạ hay tranh lá mía thì chỉ cần hom đôi, nhưng đánh tranh săng thì phải hom ba, vì gốc tranh săng trơn, dễ tuột. Cả nhà tôi, ai cũng biết đánh tranh, nhưng để đánh tranh đẹp và chắc thì chỉ có cha tôi nhờ cánh tay rắn chắc, thao tác nhuần nhuyễn và nhất là sự cẩn thận. Đánh tranh xong phải dộng hoặc chặt phía gốc cho đều; lấy hom tranh hoặc chổi rang quét cho tranh thẳng thớm và rớt những lá thừa cọng gãy ra ngoài, rồi đem chất lớp lang thành đống và che đậy kỹ càng đến ngày đem lợp. Lợp mái nhà bằng tranh thì dễ, nhưng khó nhất là bổ quyết và cất nóc sao cho kín, tránh bị gió tốc mái hoặc tạt nước vô nhà. Đó có thể nói là phần kỹ năng khó nhất và bí quyết cao nhất của môn học “lợp nhà tranh” mà lớp người trẻ ít khi đạt tới…

Với mái nhà tranh, bền nhất là tranh săng và mau hỏng nhất là tranh lá mía, nhưng có lẽ thơm nhất là tranh rạ nếp. Tranh săng thơm mùi nắng gắt của đồi trảng, tranh lá mía mang mùi nắng hanh xót, chỉ có tranh rạ nếp là thơm mùi hương nếp mới. Nằm nghe mùi tranh rạ nếp quyện lên trong sớm mai, ta như nghe cả hương đồng gió nội ùa về trong căn nhà nhỏ bé, vàng óng mùi rơm và mùi của ký ức gian khó mà đong đầy yêu thương…

ANH QUÂN

;
;
.
.
.
.
.