VỮNG TIN VƯỢT QUA MÙA DỊCH

Mở cánh cửa lòng

.

Má điện lên la, dịch giã con đừng đi đâu lung tung, ở yên trong phòng nghe chưa. Chuyện này má khỏi lo, khi Chỉ thị của thành phố về thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống Covid-19 được ban ra, nhà nào ở yên nhà nấy. Đường phố vắng hoe, chỉ còn hàng cây rụng lá tự soi bóng mình. Những dải băng phong tỏa bắt đầu giăng ngang dọc cùng với những nỗi lo ngày một dày. Từng cánh cửa không hẹn nhau đồng loạt đóng kín lại, giữ người ta an toàn trong tổ ấm của mình.

Những cánh cửa sổ không dám mở. Có người mẹ thấy đứa con đang he hé cửa ngắm bầy chim sẻ ríu rít giỡn với nhau ngoài tán cây, la rằng đóng lại không thôi virus bay vô nhà bây giờ. Chẳng còn chuyện trò hàng xóm, chẳng còn gặp gỡ bạn bè, chẳng còn trực tiếp được vui vẻ hỏi han nhau.

Nhưng không hẳn vậy. Đám con nít thiếu không gian chạy nhảy buồn chán vòi ba mẹ chơi cùng. Có đứa trẻ tươi rói cười, chưa bao giờ ba mẹ chơi với con nhiều như vậy. Chồng quay qua nhìn vợ, ngại ngần đọc trong ánh mắt nhau câu hỏi, ừ bao lâu rồi mình không dành thời gian cho con?

Những bận rộn tạm xếp lại, vợ xuống bếp nấu vài món ăn ngon, nguyên liệu thiếu thứ này hụt thứ kia nhưng món nào cũng ấm áp nhờ đủ mặt gia đình. Bữa cơm nóng hôi hổi bốc khói thơm phưng phức, bà len lén kéo áo chậm nước mắt nhìn cháu mình bữa nay ăn ngoan. Con nghỉ học bưng chậu đồ lên phơi phụ mẹ, ngỡ ngàng nặng vậy mà mẹ làm mỗi ngày.

Và có những tiếng gõ cửa vang lên. Hàng xóm bịt kín mít khẩu trang, để bọc đồ trước cửa rồi tự giác đứng xa xa, nói gửi chút đồ ăn lấy thảo. Có gì chia nấy, lúc khó khăn, mấy tép hành, chục trứng vịt cũng quý. Có bữa chỉ thấy đồ mà chẳng thấy người, đem vô nhà ngơ ngác mở ra thấy mảnh giấy kèm theo mới cười bâng quơ. Của cô bé dãy đối diện, của anh chàng nhà bên, của bà cụ tầng trên…, của những người không thân thiết mà thấy nhau thiếu thốn đều ân cần cho tặng.

Có chị rưng rưng nhìn bó rau muống xanh mơn mởn, đọc mấy dòng “em gửi chị nấu canh cho bé, nghe chị than bé không có canh rau không chịu ăn”, nước mắt chầm chậm lăn cảm động. Có bà cụ móm mém cười khi nghe anh thanh niên hỏi, bà có cần gì để con chạy đi mua giùm cho dễ, bưng bê gì cũng để con. Hóa ra những cánh cửa phòng đóng lại, để những cánh cửa lòng mở toang lan tỏa yêu thương.

Những cánh cửa không biên giới. Thằng em quen trên mạng ở xa thiệt xa, nghe tin chị trong khu phong tỏa tìm cách đặt hàng gửi vô. Má ở nhà xót con kẹt nơi phố xa một mình, ra mót chút quà vườn, lặn lội đi chợ làm ít đồ mặn, gói ghém từng thùng gửi lên. Người ở đẩu ở đâu, bữa cơm mình có thể hụt phần, nhưng cũng ráng ăn nhín nhín coi gom được gì thì gom gửi đi ủng hộ vùng có dịch. Nhiều hơn vật chất, đó là nghĩa tình.

Người nhận cũng chẳng nhận một mình. Ai có trứng là cả xóm có trứng. Ai có rau là cả chung cư cùng được ăn rau. Có nhiều người còn “bao đồng” một cách dễ thương, lượm lặt thứ này thứ nọ nấu được nồi chè, cũng ráng chia cho mỗi nhà một chút ăn cho đỡ buồn. “Bao đồng” nhắn tin cho nhau, có khó khăn ới một tiếng để mọi người cùng nghĩ cách. Những sạp rau, những chợ, những siêu thị 0 đồng đua nhau mọc lên.

Lời tốt lành gửi nhau như những đóa hoa bừng nở, để yêu thương là mùi hương lan xa, lan xa hơn. Những cuộc gọi, những tin nhắn tới tấp gửi cho nhau, động viên nhau, mong sớt bớt khó khăn, san đều thuận lợi. Mùi hương thiện lành còn theo chân chủ rời căn nhà đóng chặt cửa nẻo đi phát cơm từ thiện; theo chân anh tài xế thất nghiệp nai nịt bảo hộ kỹ càng đi tình nguyện chở bệnh nhân; theo chân những người ngược xuôi xin tài trợ, để mang chút gì đó tới giúp đỡ những cảnh đời vất vả. Video call (gọi điện thoại video) hỏi một chị đi tối ngày vầy không sợ hả, chị vừa lau mồ hôi, vừa cười: “Sợ chứ em, nhưng người ta cần mình”.

Để biết lòng người không gì ngăn cản được. Dịch bệnh chẳng qua là thử thách, khi đồng lòng thì tất cả cũng vượt qua. Những cánh cửa phòng đóng lại để giữ nhau, và những cánh cửa lòng mở ra để đỡ nhau. Dìu nhau cùng bước đi, sang hèn hay nghèo khó, trong hương thơm yêu thương tỏa lan, tin rằng một ngày chúng ta lại cùng nhau vui vẻ trên những con đường thênh thang đầy nắng.

PHÚC GIANG

;
;
.
.
.
.
.