Chợ Củi - tên sông trùng tên chợ

.

“Nhất cận thị, nhị cận giang”. Khi mà giao thương chủ yếu bằng đường thủy, chợ và sông là hai địa điểm có vị trí thuận lợi được người xưa chọn làm nơi “an cư” để mong cầu “lạc nghiệp”. Ở Quảng Nam có một nơi mà tên sông cũng là tên chợ: Sài Thị.

Chợ Củi hết buôn bán củi cho tàu ghe lại bán cho làng đúc Phước Kiều.
Chợ Củi hết buôn bán củi cho tàu ghe lại bán cho làng đúc Phước Kiều.

Sông Thu Bồn bắt nguồn từ khối núi Ngọc Linh thuộc huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) và đổ ra biển tại Cửa Đại, thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam). Dọc theo chiều dài gần 200km của mình, con sông dài nhất trong các sông chính ở miền Trung này đi qua nơi nào lại mang tên của nơi đó.

Khách giờ xuôi ngược qua hai chiếc cầu mới và cũ cùng có tên Câu Lâu bắc qua sông Thu Bồn nối quốc lộ 1A qua hai vùng đất Điện Bàn và Duy Xuyên, hẳn ít ai biết rằng nơi này từng tồn tại một ngôi chợ và một con sông có cùng tên. Sông Thu Bồn đoạn chảy qua xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, mang tên Chợ Củi (sách ghi Sài Giang hoặc Sài Thị Giang), là một trong ba địa danh được ca dao nhắc tới: Quảng Nam có núi Ngũ Hành/ Có sông Chợ Củi, có thành Ðồng Dương.

Nhiều tài liệu, cả bác học lẫn dân gian, có nói đến sự “lừng lẫy” đã khiến cho con sông mang tên chợ ấy đi vào tâm thức của người dân xứ Quảng, trong đó có thể kể đến bài “Từ Sài Thị đến Sài Gòn” đăng trong cuốn “Nguyễn Văn Xuân - một người Quảng Nam”, tập sách do Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh (trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) kết hợp với Tạp chí Xưa và Nay tổ chức ấn hành năm 2010 nhân kỷ niệm 3 năm ngày mất của học giả Nguyễn Văn Xuân (1921 - 2007).

Theo đó, sau năm 1602, khi chúa Nguyễn lập cơ sở thương mãi ở Hội An, tàu thuyền ngoại quốc và trong nước vãng lai nhiều. Ban đầu các tàu thuyền này đậu ở Trà Nhiêu, nơi hiện còn các dấu tích của một thị trấn cũ. Từ Trà Nhiêu đến Hội An có một vũng nước cực lớn, đủ rộng để tàu thuyền có thể đậu được để vào thành phố.

Từ bến cảng quốc tế này, các tàu thuyền cần đến củi và nước sạch để giải quyết sinh hoạt khi ở lại hay tiếp tục hành trình. Củi nước, đặc biệt củi là vấn đề cực kỳ quan trọng cho tàu bè đô thị cũng như cho dân địa phương. Vì thế phải lập một chợ lớn chuyên việc buôn củi bao gồm các thợ đốn củi, các thuyền, bè và lái buôn.

Cầu Câu Lâu (cũ) bắc ngang sông Sài Thị (Chợ Củi).Ảnh: V.T.L
Cầu Câu Lâu (cũ) bắc ngang sông Sài Thị (Chợ Củi).Ảnh: V.T.L

Bấy giờ, một đội thủy binh hùng hậu gồm hàng trăm ghe thuyền hiện diện trên con sông Cái (một tên khác của sông Thu Bồn) từ Chợ Củi của dinh trấn Thanh Chiêm dẫn xuống Hội An đến tận hải khẩu Đại Chiêm (Cửa Đại). Chợ Thanh Chiêm, ngoài việc phục vụ các nhu yếu phẩm cho dinh trấn quan trọng bậc nhất của xứ Đàng Trong, cũng là nơi cung cấp củi cho lực lượng dân, quân, chính và cả tàu bè ngoại quốc như nói trên.

Do đó nó mặc nhiên được mang tên Chợ Củi (Sài Thị), và con sông chảy qua đó được mệnh danh là sông Chợ Củi (Sài Thị, Sài Thị Giang). Sông Chợ Củi do đó được chính quyền công nhận và được đưa vào thờ cùng với các cơ sở quan trọng của đất nước tại kinh đô gọi là Tự điển.

Nhà văn Phan Du trong cuốn “Quảng Nam qua các thời đại” cũng cho biết, dinh trấn Quảng Nam hay Thanh Chiêm (người ngoại quốc thời đó gọi là Cac-Ciam hay Dinh Ciam) được thiết lập trên bờ sông Sài Thị (sông Chợ Củi), một đoạn sông Thu Bồn... và chảy gần bên thành dinh trấn, vì thế dinh trấn có bến tàu đậu và có chợ buôn bán đông đảo, tấp nập.

Chợ và sông cùng tên này cũng được giới thiệu tóm tắt ở mục “Quảng Nam Đà Nẵng qua các địa danh (phần 3)” trên Cổng Thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng. Rằng, Chợ Củi là chợ chuyên bán củi được khai thác từ phía thượng nguồn sông Thu Bồn, kết bè thả trôi về, nhằm cung cấp chất đốt cho dinh trấn Thanh Chiên, các lò gạch ở phía Thanh Hà, phố Hội An và các tàu thuyền nước ngoài đến đây buôn bán trong các thế kỷ XVII - XVIII.

Chợ nằm phía bên tả ngạn, nay không còn nữa. Sông Chợ Củi thuộc đoạn hạ lưu của dòng Thu Bồn. Theo sách Đại Nam nhất thống chí, năm Tự Đức thứ 3 (1850), sông Chợ Củi đổi tên thành Sài Thị Giang và được ghi vào điển thờ. Tên đoạn sông được lấy từ tên chợ.

Đi tìm gốc tích của Chợ Củi, các tác giả Lê Nam - Ngọc Thanh trong bài viết “Chợ Củi - Sài Thị” đăng trên Cổng thông tin điện tử thị xã Điện Bàn đã dẫn lời các bậc cao niên tuổi đã gần trăm, cho biết Chợ Củi ban đầu là địa điểm tập kết gỗ, củi của vùng thượng nguồn Thu Bồn như Tý, Sé, Phú Gia, Trung Phước… được đưa về theo đường sông, tiện việc vận chuyển đi bán các nơi, nhất là tàu ghe nước ngoài tại Trà Nhiêu, Hội An. Về sau, hết buôn bán củi cho tàu ghe lại bán cho làng đúc Phước Kiều…

Chợ Củi xưa gồm 3 dãy lều cất thành hình chữ U, cột bằng gỗ, mái lợp tranh, lá dừa. Chính giữa là đình chợ, mặt tiền hướng ra sông. Khu chính của chợ là bãi cát dài thoai thoải sát triền sông, chất đầy các loại gỗ, củi, từ sáng đến tối dập dìu kẻ bán người mua. “Nhất cận thị, nhị cận giang”. Chợ Củi ngày đó là nơi giao thương lớn vì nằm gần bến sông và phủ lỵ Điện Bàn, bán các loại hàng theo nhu cầu của dân và quan quân Nhà Nguyễn đóng ở phủ lỵ.

Trong bài đã dẫn, học giả Nguyễn Văn Xuân có nhắc đến việc đầu thế kỷ XX, cụ Huỳnh Thúc Kháng và các đồng môn khi theo học tại trường Đốc Quảng Nam cho rằng Chợ Củi là chốn phồn hoa đô hội. “Nếu Sài thị hay Chợ Củi một địa điểm cực kỳ quan trọng tiêu biểu cho sức mạnh phát triển đất nước của xứ Đàng Trong thì tất cả đều đã thay đổi. Di tích của Chợ Củi chỉ lưu lại cái tên không ai quan tâm nữa...”, học giả Nguyễn Văn Xuân ngậm ngùi hạ bút.

Chợ và sông cùng mang tên Chợ Củi đã lùi xa vào quá vãng. Còn chăng, chỉ là câu ca gợi nhớ một thời vàng son của một vùng đất: Quảng Nam có núi Ngũ Hành/ Có sông Chợ Củi, có thành Ðồng Dương...

VĂN THÀNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.
order đồ nhật chất lượng