CÔNG NGHỆ VÀ CUỘC SỐNG

Công nghệ kết nối yêu thương

.

Thấy người lạ vừa đến nhà đã gọi được ngay họ tên và biết cả tuổi của mình, cụ bà sống đơn độc trong căn phòng trọ cũ mèm, ẩm thấp trên đường Âu Cơ (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) ngớ người chưa kịp hiểu. Khách giới thiệu tiếp là biết thông tin qua zalo connect càng khiến cụ chẳng rõ mô tê. Cụ không xài zalo, cũng chẳng hiểu “connect”, nhưng vẫn vui vì có người ghé thăm, lại bảo đến để biếu cụ ít tiền mua lương thực qua mùa dịch.

Giao diện Zalo connect (ảnh trái) và người khó khăn kêu gọi hỗ trợ trên Zalo connect. Ảnh: H.D
Giao diện Zalo connect (ảnh trái) và người khó khăn kêu gọi hỗ trợ trên Zalo connect. Ảnh: H.D

Cầm tờ tiền vuốt vuốt mân mê hỏi chuyện, cụ mới biết hoàn cảnh của mình được “ai đó” (cụ không đoán ra) đưa lên mạng để kêu gọi sự hỗ trợ. Buồn chuyện gia đình, cụ lảng tránh bà con đến đây sống một mình hơn 6 năm qua. 82 tuổi, cụ không ăn uống gì nhiều, chi tiêu không mấy, chủ yếu xoay xở trả tiền thuê trọ hằng tháng. Thấy cụ lủi thủi, thi thoảng có người lại giúp đỡ, từ lạ thành quen, có điều việc được kết nối trên mạng có lẽ là lần đầu tiên cụ gặp.

Cụ và cả người khách kia đều không biết ai đã bắt cầu nối, nhưng tài khoản K.N - người gửi thông tin về cụ để kêu gọi sự giúp đỡ lên zalo connect có lẽ ở không xa quanh đây vì biết khá rõ hoàn cảnh và địa chỉ để mô tả rành mạch trên ứng dụng này. Và quan trọng hơn cả là dù bắt nguồn trên mạng ảo nhưng đã có một sự sẻ chia thật được kết nối thành công.

Trường hợp như cụ bà không hiếm gặp trên zalo connect hiện nay, khi ứng dụng này đã xuất hiện và hoạt động khá sôi nổi tại Đà Nẵng. Từ đầu tháng 8-2021, zalo và Trung tâm Công nghệ phòng chống Covid-19 quốc gia phối hợp cho ra mắt một tính năng mới: zalo connect. Đây là một tiện ích công, giúp cộng đồng kết nối, tương trợ khẩn cấp trong dịch bệnh.

Đến nay, zalo connect đã bao phủ hoạt động hầu khắp cả nước. Người khó khăn, cần lương thực, thuốc men, đồ dùng học tập, tư vấn sức khỏe và người có khả năng, mong muốn giúp đỡ có thể kết nối nhau qua ứng dụng này. Người nhận chỉ cần đưa thông tin của mình lên ô “Gửi yêu cầu hỗ trợ” và người cho chỉ cần chọn ô “Giúp người quanh bạn” sẽ hiện ra bản đồ với các chấm cam (SOS) từ gần đến xa.

Theo thông báo của zalo connect, đã có 50.000 điểm bán hàng thiết yếu trên ứng dụng này để giúp người dân tiếp cận nguồn hàng an toàn trong dịch bệnh. Đặc biệt, có 84.000 chấm cam chuyển sang xanh, tương đương từng đó địa chỉ đã nhận được sự hỗ trợ.

Chọn vào bất kỳ một chấm cam nào, mọi người cũng dễ dàng tìm thấy những sẻ chia đầy cảm động rất gần nơi mình sống. Không chỉ hoạt động “khẩn cấp”, khi thành phố dần nới lỏng các sinh hoạt, nhiều người vẫn tìm tới ứng dụng này, nhất là lúc năm học mới bắt đầu, bên cạnh lương thực, nhiều gia đình thiết tha mong muốn có sách vở, bút thước và thiết bị cũ cho con học trực tuyến. “Chồng đi chữa bệnh, mẹ già lượm chai bao, em buôn bán nhưng không làm ăn được vì dịch, xin thương tình hỗ trợ cho con em thiết bị cũ học tập. Hoàng Thị L…”; “Em là mẹ đơn thân nuôi các con đi học. Gia đình không còn tiền mua sữa, sách vở cho con. Mong các anh chị xác minh giúp đỡ mẹ con em. Phạm Thị Phương T...”; hay ngắn gọn như lời của một cô bé: “Em xin hỗ trợ bút thước và tẩy ạ”.

Những dòng gửi gắm này đều kèm số điện thoại và số nhà cụ thể để mọi người có thể đến tận nơi tìm hiểu, kiểm chứng hoàn cảnh. Yêu cầu có thời hạn trong 7 ngày, nếu đã được nhận thì “xác nhận đã được giúp đỡ”, nếu chưa có thể tiếp tục đăng yêu cầu mới. Nói chung cả người nhận và người cho đều tự giác, chủ động tìm đến nhau.

Mỗi chấm cam chuyển sang xanh không hẳn chỉ là một sự hỗ trợ đáp lại một lời kêu gọi, mà đôi khi có nhiều sự sẻ chia gom vào một màu xanh hy vọng ấy. Nhận được lời kêu cứu của người mẹ trẻ ở chung cư đường Hồ Tùng Mậu (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu với nội dung: “Em ở vùng vàng, hai vợ chồng thất nghiệp, cầm cự hơn một tháng nay giờ không trụ nổi nữa. Em xin tiền mua sữa cho con…”, chị Ngọc Lan (trú đường Lê Độ, quận Thanh Khê) chụp lại màn hình dòng tin này gửi cho bạn bè, người thân, từ đó gom góp được 1 triệu đồng chuyển tặng người phụ nữ nghèo.

“Dịch bệnh, nhiều cảnh khổ quá. Người khó ít giúp người khó nhiều chứ biết làm sao”, chị Ngọc Lan chia sẻ.

Đúng là dịch bệnh khiến nhiều người lâm vào cảnh túng thiếu, nhưng mùa dịch cũng chứng kiến biết bao yêu thương đong đầy. Công nghệ vốn bị tiếng “oan” khi khiến con người dần cách chia giữa thế giới thực, nhưng trong những ngày mọi người buộc phải tạm xa nhau, chính công nghệ đã giúp chúng ta đến thật gần bởi sự thấu hiểu và sẻ chia..

HƯỚNG DƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.