CÔNG NGHỆ VÀ CUỘC SỐNG

Đi chợ online

.

Đến thời điểm hiện tại, nhiều chợ truyền thống dần hoạt động trở lại, việc đi chợ cũng thuận tiện hơn đối với người dân. Song, một bộ phận người dân vẫn lựa chọn đi chợ online (trực tuyến) vừa tiết kiệm thời gian, vừa an toàn trong mùa dịch và ngay cả trong thời điểm thành phố thực hiện chủ trương “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19”.

Khách hàng đang đi chợ online qua ứng dụng mua hàng online của Co.opmart Đà Nẵng. Ảnh: MAI HIỀN
Khách hàng đang đi chợ online qua ứng dụng mua hàng online của Co.opmart Đà Nẵng. Ảnh: MAI HIỀN

Thương mại điện tử trở thành “cánh tay nối dài” của cả người bán lẫn người mua là xu thế tất yếu. Với những thao tác đơn giản thông qua internet, người tiêu dùng có thể đặt mua hàng hóa mình yêu cầu.
Giải pháp mua sắm an toàn, tiện lợi

Nhà gần chợ Phú Lộc (quận Thanh Khê) nên trước khi Covid-19 xuất hiện, anh Trương Ngọc Xuân (SN 1978, ngụ phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) chỉ cần đi bộ vài phút là đến chợ và mua được đầy đủ lương thực, thực phẩm cần thiết. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, anh Xuân có thói quen đi chợ online. Khu vực anh Xuân sinh sống thuộc vùng xanh, có thể đi chợ theo quy định của thành phố nhưng vì nguồn hàng ở chợ chưa phong phú nên anh vừa đi chợ online, vừa đi chợ truyền thống.

Anh Xuân cho hay: “Từ tháng 5 đến nay, khi dịch bùng phát lại, tôi chủ yếu đi chợ online để bảo đảm an toàn. Tôi cũng tham khảo, đặt hàng ở nhiều siêu thị tiện lợi. Có chỗ giao nhanh, chất lượng hàng hóa bảo đảm nhưng cũng có chỗ chậm. Nhưng nói chung cũng có thể thông cảm, mua được hàng là vui rồi”.

Với chị Phạm Thị Lệ Quyên (SN 1993, ngụ phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu), từ khi Covid-19 xuất hiện lần đầu ở Đà Nẵng đến nay, chị vẫn giữ thói quen đi chợ online bằng cách gọi đặt hàng qua đường dây nóng, zalo của các siêu thị thay vì đi chợ truyền thống mỗi ngày như trước đó. Trung bình khoảng 3 ngày, chị Quyên đi chợ online một lần.

Trước khi đặt hàng, chị Quyên lên sẵn thực đơn, liệt kê những thực phẩm cần mua ra giấy kèm số lượng, khối lượng cụ thể, rồi đặt hàng vào buổi tối hoặc sáng sớm. Chị Quyên chia sẻ: “Những năm gần đây, mua sắm online gần như là sở thích và thói quen của tôi. Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh, mua sắm online là giải pháp an toàn, tiện lợi. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh thì tôi có thể mua được những thứ mình cần”.

Còn bà Phùng Thị Xuân Trang (SN 1960, ngụ phường Bình Thuận, quận Hải Châu) chỉ mới bắt đầu làm quen với việc đi chợ online khoảng hơn 1 tháng nay. Có tài khoản trên facebook, bà kết nối với các siêu thị tiện lợi rồi đặt hàng qua fanpage.

Bà Trang bày tỏ: “Dù vẫn thích đến tận nơi, lựa rau, củ, quả, thịt, cá nhưng trong thời dịch thì cách đi chợ online khá tiện lợi”.

Đa dạng kênh mua hàng

Các siêu thị lớn tại Đà Nẵng như Co.op mart, Big C, ngoài tiếp nhận đơn hàng qua đường dây nóng, zalo còn bán hàng online qua các ứng dụng: Saigon Co.op, Go! & Big C. Khách chỉ cần tạo một tài khoản bằng số điện thoại là có thể mua hàng qua ứng dụng nhanh chóng, tiện lợi. Trong khi đó, Mega Market Đà Nẵng tiếp nhận đơn hàng qua đường dây nóng, zalo, website.

Nắm bắt được nhu cầu đi chợ online của người dân tăng cao trong giai đoạn dịch bệnh, ngày 25-8, Công ty CP Tuấn Thi (Văn phòng tại K29/1 Phạm Cự Lượng, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) ra mắt siêu thị online Tuấn Thi mart. Tuấn Thi mart bán hàng qua 3 kênh: đường dây nóng, fanpage, website và hỗ trợ nhiều hình thức thanh toán: chuyển khoản, ví điện tử Momo, thẻ tín dụng, mua trước - trả sau...

Ông Trương Anh Tùng, Giám đốc điều hành Tuấn Thi mart thông tin, trung bình mỗi ngày, Tuấn Thi mart nhận được 25 đơn hàng. Trong đó, 80% đơn hàng được đặt qua website, 15% đơn được đặt qua fanpage và 5% đơn được đặt qua đường dây nóng. Sau khi tiếp nhận đơn, Tuấn Thi mart mất khoảng 5 phút để xử lý và chậm nhất sau 2 giờ đồng hồ tính từ lúc chốt đơn thì khách nhận được hàng.

Chia sẻ về áp lực mà siêu thị đang gặp phải, ông Tùng cho hay: “Từ ngày 16-9 trở lại đây, lượng khách mua hàng online tại Tuấn Thi mart đang có xu hướng giảm, do sau một thời gian dài ở yên trong nhà, hiện ở vùng vàng, vùng xanh đã được nới lỏng một số hoạt động, trong đó có hoạt động mua nhu yếu phẩm ở tạp hóa, siêu thị, chợ nên người dân muốn ra ngoài mua cho thoải mái thay vì ngồi nhà mua online. Cùng với đó, chúng tôi còn gặp khó khăn khi chốt kiểm soát nhiều dẫn đến xe hàng giao hàng bị trễ, ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng cũng như tiến độ trả đơn hàng cho khách”.

Tại siêu thị tiện lợi Hồng Thủy (476 Nguyễn Lương Bằng, quận Liên Chiểu), việc hỗ trợ khách mua hàng online được thực hiện qua các kênh fanpage, zalo, website. Khách chủ yếu đặt mua hàng qua fanpage và zalo, chiếm 70%. Siêu thị tiện lợi Hồng Thủy cũng hỗ trợ nhiều hình thức thanh toán như: chuyển khoản, VNPAY…

Đại diện siêu thị tiện lợi Hồng Thủy cho hay, siêu thị tiếp nhận hơn 100 đơn hàng online mỗi ngày nhưng chỉ có thể xử lý từ 30-50 đơn do không đủ nhân lực làm việc trong mùa dịch và phục vụ bán lẻ cho các tổ dân phố. Ngoài ra, siêu thị cũng gặp không ít khó khăn khi nguồn hàng khan hiếm, giá hàng hóa tăng cao, vận chuyển khó khăn.

Hiện nay, khách hàng còn có nhiều sự lựa chọn siêu thị, cửa hàng để mua khi đi chợ qua ứng dụng Be đi chợ, GrabMart. Khác với các ứng dụng của các siêu thị, khi đi chợ bằng ứng dụng Be đi chợ, GrabMart này, khách hàng được kết nối mua hàng tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi có liên kết với ứng dụng.

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi thực hiện các giao dịch mua sắm trực tuyến, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đưa ra những khuyến cáo: Trước khi giao dịch, người tiêu dùng nên xác định tính chính xác, mức độ tuân thủ pháp luật của trang web thương mại điện tử thông qua việc kiểm tra xem trang web đã thực hiện thủ tục thông báo hoặc đăng ký với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương hay chưa tại địa chỉ: http://online.gov.vn/. Trường hợp nhận thấy quyền lợi của mình bị vi phạm, người tiêu dùng nên chia sẻ thông tin vụ việc để người thân, bạn bè, đồng nghiệp biết và chủ động phòng tránh; đồng thời phản ánh, khiếu nại tới cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để được tư vấn, hướng dẫn cách thức bảo vệ quyền lợi.

Ngoài ra, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên lựa chọn người bán uy tín; cẩn trọng với các bình luận, nhận xét, đánh giá của người dùng; đọc kỹ hướng dẫn khi mua hàng từ người bán là người nước ngoài; chủ động cung cấp thông tin đánh giá, bình luận chính xác về hàng hóa, dịch vụ do người bán cung cấp để những người mua khác có căn cứ tham khảo, giúp lan tỏa tinh thần vì cộng đồng trong môi trường mua bán trực tuyến.

(Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương)

MAI HIỀN

;
;
.
.
.
.
.