Ông Nguyễn Anh Tuấn (71 tuổi), Tổ trưởng tổ dân phố số 4, phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, ngồi trước tôi bình thản nói mình vừa sút 10 ký sau hơn 3 tháng tham gia công tác chống dịch tại địa phương. Cũng chừng ấy thời gian, chiếc điện thoại luôn nóng trên tay ông khi mỗi ngày có hàng trăm tin nhắn, cuộc gọi chuyển đến số điện thoại, zalo lẫn facebook…
Ông Nguyễn Anh Tuấn (71 tuổi), Tổ trưởng tổ dân phố số 4, phường Thạc Gián xem lại danh sách trẻ em khu phố nhận quà hỗ trợ. Ảnh: TIỂU YẾN |
Ông Tuấn nhớ như in, trưa 18-6, đang ăn cơm cùng gia đình, ông nhận thông báo từ UBND phường về trường hợp nam bảo vệ Công ty Nhựa Duy Tân, sống tại kiệt 407 Lê Duẩn - nơi ông Tuấn làm tổ trưởng hơn 30 năm - dương tính với SARS-CoV-2. Đó cũng là bữa cơm ông Tuấn được ngồi chung mâm với vợ và các con, tính đến thời điểm này.
“Cuộc chiến” với… chiếc điện thoại
Sáng Chủ nhật tuần trước, ông Tuấn cầm xấp hồ sơ trẻ em trong khu vực được nhận quà hỗ trợ đợt này, cẩn trọng gọi từng số điện thoại để xác minh. Ông bảo, dù biết rõ ngày, tháng, năm sinh tụi nhỏ, nhưng làm gì cũng phải cẩn thận, lỡ đâu mình nhớ sai. Trước khi ra khỏi nhà, ông chỉ kịp tráng bụng bằng ly sữa nóng rồi rảo bước khắp khu phố, gõ cửa từng gia đình trong danh sách, nhờ họ ký tên để chiều ông thay mặt đi nhận quà.
"Tôi gần như chẳng khi mô ở nhà, cứ về đến cổng là có người gọi. Công việc không giờ giấc, có hôm nửa đêm người ta gọi điện biểu ra chốt nhận hàng, thế là xách xe chạy. Người ở nhà nhờ, mình chu toàn một; người ở khu cách ly, khu điều trị nhờ, mình phải chu toàn mười để họ yên tâm chăm lo sức khỏe bản thân” Ông Nguyễn Anh Tuấn (71 tuổi), Tổ trưởng tổ dân phố số 4, phường Thạc Gián, quận Thanh Khê |
Thoáng thấy bóng dáng cao gầy của ông Tuấn nơi đầu kiệt, ông Phan Xuân Phương (56 tuổi), mang chai nước lọc tới đưa, rồi bảo: “Chú Tuấn mệt thì về nhà nghỉ đi, ở đây đã có tôi với tụi nhỏ rồi, có gì khác tôi sẽ gọi, chú yên tâm”.
Là thành viên Tổ Covid-19 cộng đồng, ông Phương nói mình rất quý trọng ông Tuấn, trong đợt dịch này, không thấy ai cực như ông ấy, nói rồi ông Phương chậc lưỡi: “Hồi trước dịch ổng mập, hồng hào lắm, giờ sút 10 ký, người gầy tong, da sạm đen, nổi lên lớp đồi mồi. Tuổi già mà sụt lần 10 ký dễ gì lấy lại. Người gì đâu mà tội, sáng sớm tới đêm muộn ở miết ngoài đường, ngoài kiệt, lo lắng, chu toàn các hoạt động của tổ”.
Vì sự thương quý này, ông Phương gật đầu đồng ý tham gia Tổ Covid-19 cộng đồng, “thế chân” một thành viên cũ của tổ vì nhiễm Covid-19, qua đời hồi cuối tháng 7. Ông Phương nói, Tổ Covid-19 cộng đồng có 6 người, thì 2 người nhiễm Covid-19 (trong đó có một người mất như đã nói - PV). Đây cũng là thời điểm tổ 4 phường Thạc Gián ghi nhận hơn 50 ca nhiễm Covid-19 và hơn 100 F1 lần lượt đi cách ly tập trung.
Không ít gia đình 8-9 thành viên đi cách ly, điều trị, không còn ai ở nhà. Những gia đình ở lại cửa đóng then cài, đường phố vắng lặng.
Để liên lạc với các hộ dân, ông Tuấn không còn cách nào khác là trông chờ hoàn toàn vào chiếc điện thoại. Vốn không rành zalo, facebook, ông nhờ người thân chỉ bày cách tạo tài khoản, ghi cẩn thận từng loại mật khẩu vào cuốn sổ gối đầu giường. Những ngày đầu chưa quen sử dụng, kích vô tài khoản nào ông cũng đều gõ lại mật khẩu, khá mất thời gian.
Thấy ba cực quá, con trai ông Tuấn bày ông cách “đồng bộ hóa” các loại tài khoản trên điện thoại thông minh và dặn khi nào có tin nhắn chuyển tới, ba cứ ấn vào đọc, là xong. Vậy mà có lần, nhóm zalo của phường thông báo một tin quan trọng, yêu cầu tổ trưởng phổ biến lại cho dân. Không biết cách chia sẻ tin nhắn từ nhóm phường về nhóm tổ, ông loay hoay soạn lại nội dung tin nhắn, con trai thấy mới chỉ ông cách chia sẻ, trả lời tin nhắn zalo, cách “ghim” những thông tin quan trọng để người dân dễ nhìn, dễ theo dõi.
Zalo, facebook ngó rứa mà hay, ông Tuấn tấm tắc. Nhờ mạng xã hội, sự tương tác giữa các thành viên trong khu phố trở nên dễ dàng, thuận tiện. Dù vậy, ông vẫn luôn ám ảnh âm thanh tít tít tít báo tin nhắn hoặc cuộc gọi đến, nhất là những tin báo người này nghi nhiễm Covid-19. Có những khuya, người mệt nhoài sau ngày dài loay hoay việc tổ, vừa ngã lưng xuống giường, điện thoại để cạnh cứ tít tít tít, lại trăn trở, mất ngủ, nhưng ông không dám tắt chuông, sợ nhỡ có chuyện gì gấp, người ta gọi mình không liên lạc được.
“Đợt dịch này, tổ tôi có 5 người qua đời vì Covid-19, thương xót lắm, nên làm được chi cho bà con thì mình làm, tôi không e ngại hay nề hà việc gì, chỉ mong khu phố sớm quay lại nhịp sống bình thường như trước”, ông Tuấn mong mỏi.
Bình thản để bà con yên tâm
Kiệt 407 Lê Duẩn nhà nối nhà, chật chội, đông đúc, khi dịch bệnh tràn qua thì trở nên lặng lẽ, vắng bóng người. Dường như không ai quên được cảnh người dân đùm đề, xách vội túi đồ ra xe đi cách ly, điều trị Covid-19. Đằng sau những cánh cửa đóng im ỉm là bao câu chuyện vui buồn về dịch bệnh… Và, người ta cũng không quên cảnh ông tổ trưởng già luôn tay luôn chân xách túi này, túi nọ tiễn bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ra tận xe cứu thương. Hơn 200 con người sinh sống tại tổ 4, ông Tuấn xem như người thân trong gia đình, luôn miệng an ủi, động viên: “Không sao đâu, cứ yên tâm điều trị, mọi chuyện ở nhà đã có tôi và bà con lối xóm trông nom giúp”.
Bà Lê Thị Thanh Tuyền, người dân tổ 4 kể rằng dù hết sức cẩn trọng nhưng gia đình bà vẫn có một thành viên nhiễm Covid-19. Hôm chuẩn bị lên xe đi cách ly tập trung, bà chỉ kịp đưa vội chùm chìa khóa nhà cho ông Tuấn, nhờ ông lui tới tưới giúp mấy chậu cây. Nhờ cho yên tâm vậy thôi chứ trong lòng bà Tuyền nghĩ, ông tổ trưởng bận bao nhiêu việc, bao nhiêu gia đình cũng cách ly cả nhà, thời gian đâu ông lui tới từng nhà, tưới từng chậu cây trước cổng. Thế mà, hôm gia đình bà trở về sau khi hoàn thành cách ly, những chậu cây dưới sân, trên lầu vẫn xanh tươi vì đủ nước.
Ông Nguyễn Anh Tuấn (phải) trao đổi công việc với thành viên Tổ Covid-19 cộng đồng tại chốt kiểm soát vào kiệt 407 Lê Duẩn. Ảnh: TIỂU YẾN |
Mỗi ngày, ông Tuấn đều cố gắng làm tốt nhiệm vụ của mình để đổi lại sự bình yên cho bà con khu phố. “Tôi gần như chẳng khi mô ở nhà, cứ về đến cổng là có người gọi. Công việc không giờ giấc, có hôm nửa đêm người ta gọi điện biểu ra chốt nhận hàng, thế là xách xe chạy. Người ở nhà nhờ, mình chu toàn một; người ở khu cách ly, khu điều trị nhờ, mình phải chu toàn mười để họ yên tâm chăm lo sức khỏe bản thân”, ông Tuấn chia sẻ.
Nhìn thấy cảnh ông Tuấn quá vất vả, nhất là khi chị Tổ phó chẳng may nhiễm Covid-19, phải đi cách ly, điều trị thời gian dài, người dân kiệt 407 Lê Duẩn bắt đầu góp sức. Phụ nữ giúp ông gom đơn hàng thực phẩm, đi chợ hộ, nam giới giúp vận chuyển, phân phối thực phẩm, hàng cứu trợ đến từng hộ dân.
Giữa chừng kiệt sức nhưng thấy bản thân được người dân yêu thương, chia sẻ, ông Tuấn gắng gượng làm tròn công việc của mình. Ông bảo với tôi thời gian qua bao nhiêu việc đến tay, không sao kể hết, chỉ biết đi lại như con thoi ngoài đường, ngoài kiệt. Nhiều khuya trở về nhà, nhìn mâm cơm vợ con phần lại, biết người thân lo lắng nhưng ông không tài nào nuốt nổi. Biết ông mệt, sút cân, con gái ở xa gửi về từng thùng sữa Ensure, gọi điện năn nỉ ba uống cho khỏe để đủ sức lo việc cho bà con.
Hơn 3 tháng ròng chống dịch, ông Nguyễn Anh Tuấn luôn để sẵn tư trang, nói lỡ mình nhiễm bệnh, hoặc liên quan ca F0 nào đó, thì đi. Ông chia sẻ, sống giữa tập thể, mình là tổ trưởng, càng phải bình thản để bà con yên tâm, dù mỗi khi khoác bộ đồ bảo hộ, là người ông nổi ban đỏ, ngứa ngáy khó chịu, nhưng chưa ai nghe ông than phiền, bức xúc điều chi.
Sự nhẫn nại, tận tâm của ông Tuấn là thói quen được ông rèn giũa trong hơn 30 năm làm tổ trưởng, cũng như kiêm luôn vị trí của một cộng tác viên dân số, dân phòng, Hội phó Hội Khuyến học phường Thạch Thang. Cũng chừng đó năm, ông nắm bắt thông tin cặn kẽ từng gia đình trên địa bàn mình quản lý. Trong tổ có hơn chục người tạm trú cũng được ông Tuấn chu toàn từng phần thực phẩm, để “không ai chịu đói, chịu khổ trong đại dịch này”, như lời ông nói lúc gặp tôi tại chốt kiểm dịch kiệt 407 Lê Duẩn, nơi ông một đời gắn bó, yêu thương và trân quý từng công việc mình làm.
TIỂU YẾN