Góc nhớ

Chân quê một thuở

.

Hồi chưa có sân bay Đà Nẵng, quốc lộ 1A còn chạy thẳng một mạch từ con đường ngày nay có tên là Huỳnh Ngọc Huệ (quận Thanh Khê) tới đường Ông Ích Đường (quận Cẩm Lệ). Tất nhiên lúc đó, con đường “quốc lộ xuyên huyện” này còn chật hẹp như một số kiệt, hẻm ở phố thị ngày nay và thỉnh thoảng lồi lõm ổ gà.

Quốc lộ 1A ngày nay, đoạn qua địa bàn xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang.  Ảnh: XUÂN SƠN
Quốc lộ 1A ngày nay, đoạn qua địa bàn xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang. Ảnh: XUÂN SƠN

Từ nhà tôi tới trường chỉ non cây số, trong đó hơn một nửa là quốc lộ, sớm chiều có những chiếc xe đò nhiều sắc màu chạy qua. Chúng tôi dần dà phân biệt được các hãng xe từ xa nhờ vào màu sơn trên thân xe. Hãng Phi Long sơn xe trên đỏ dưới vàng; hãng Tiến Lực sơn trên dưới tuyền một màu vàng tươi. Ngoài hai hãng xe nổi tiếng chạy suốt miền Nam thời đó, còn có một số xe chạy tuyến gần như Đà Nẵng - Quảng Ngãi sơn tuyền màu vàng sẫm, Đà Nẵng - Tam Kỳ - Quảng Ngãi sơn trên đỏ nhạt dưới trắng…

Lũ trẻ chúng tôi chưa một lần đặt chân lên những “căn nhà di động” đó, mỗi khi có xe chạy qua phả vào không khí một làn khói thơm lựng, cái mùi rất chi là hiện đại mà cậu bé nhà quê là tôi lúc đó đã vô cùng ngưỡng mộ.

Chả là, khi còn ở quê, hàng xóm nhà tôi có một ông qua Tây đi lính cho Pháp. Ông này gửi về cho người thân một chiếc Vélo Solex có hình dáng như con bọ ngựa màu đen, mỗi khi chạy qua đường làng là cái đầu máy đặt ở phía trước phun ra làn hơi bồng bềnh như khói thuốc. Đám trẻ con nhà quê chúng tôi mỗi lần nghe tiếng “xạch xạch” là túa ra xem “con bọ ngựa” nhảy điệu cà tưng trên đường làng lồi lõm, huơ tay vào không khí để bắt lấy cái mùi xăng đưa lên mũi hít lấy hít để.

Đến khi ra đất Cẩm Lệ, nơi có những chiếc xe đò sớm chiều chạy ngang qua quốc lộ rất chi là hiện đại, tôi cảm thấy mình như rũ bỏ dần cái chất quê rặt để trở thành người của phố thị. Tuy nhiên, đó chỉ là cách tôi tự túm tóc nhấc mình lên cho cao hơn thôi, chứ thật ra, vẫn còn nhiều cái ngu ngơ, khờ khạo mà mỗi khi nhớ lại, sao thấy ngày đó mình “quê mùa” quá đỗi.

Bên đường tới trường tôi để ý thấy có một ngôi nhà luôn vẳng ra những bài tân nhạc, nhiều lúc là những bài cải lương ướt át. Đó là nhà ông T.L, một trong những người có tiếng ở đất Cẩm Lệ bấy giờ. Ở quê tôi ngày đó làm gì biết đến tân nhạc, họa hoằn lắm mới có gánh hát bội về biểu diễn ngoài sân đình. Thành thử, những giọng ca tân nhạc phát ra từ ngôi-nhà-có-tiếng-hát ấy luôn mê hoặc tôi, mỗi lần ngang qua là tôi cố đi thật chậm đến mức có thể nhất để “nhâm nhi” những giai điệu êm đềm, sâu lắng. Từ đó, tôi biết đến Lòng mẹ của Y Vân, Thương hoài ngàn năm của Phạm Mạnh Cương..., những bài nhạc Việt xuất hiện khoảng đầu thập niên 60 thế kỷ trước.

Nhiều lần tan học cứ nấn ná chưa chịu về nhà bởi bài này nối tiếp bài kia mà bài nào cũng nghe hoài không chán, tôi đứng phía bên kia đường nhìn qua, cố ý tìm xem ai hát và người đó đứng ở đâu.
Nhà ông T.L mở quán bán giải khát, trưa vắng chỉ lèo tèo mấy người khách cùng bà chủ nhà loay hoay làm nước. Tịnh không một ai khác. Một cái thùng hình khối chữ nhật màu vàng có hoa văn sặc sỡ đặt nằm ngang trên bệ gỗ, ở đó tiếng hát đều đặn vang lên giữa cái nắng cháy cổ. Bụng đói, tôi tha thẩn ra về, lòng phân vân sao cái người nằm trong cái thùng gỗ đẹp đẽ ấy không nghỉ đi ăn trưa mà cứ hát mãi!…

Hơn nửa thế kỷ đi qua, quốc lộ ốm nhom ngày ấy giờ đã thành đường phố khang trang, rộng rãi. Giờ mỗi lần đi qua chốn cũ, tôi nhớ đến người-ca-sĩ-nằm-trong-thùng-gỗ, lại buồn cười cho cái khờ khạo chân quê một thuở của mình!

VĂN THÀNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.